Để thành công? Đâu khó...
Lượt xem: 13,407
1. Xa xưa, có một sứ thần nước nhỏ cống nạp cho một nước lớn ba tượng hình người bằng vàng ròng. Quốc vương của nước lớn vui mừng tột độ, nhanh chóng nhận quà cống nạp của quốc gia nhỏ bé kia. Nhưng sứ thần cống nạp vật quý lại đưa ra một câu hỏi khiến quốc vương phải suy nghĩ rất nhiều ngày nhưng cũng không thể nghĩ ra được câu trả lời. Nội dung câu hỏi là: “Trong 3 tượng hình người bằng vàng kia, tượng nào có giá trị nhất?”
Quốc vương nước lớn đã nghĩ ra mọi biện pháp như tiến hành cân đong cả 3 bức tượng nhưng trọng lượng của chúng hoàn toàn giống nhau. Tiếp theo quốc vương còn mời những người thợ chạm khắc nổi tiếng kinh thành vào để đánh giá độ tinh xảo của bức tượng nhưng cũng không tìm được câu trả lời. “Nên làm thế nào đây?” Nhà vua nghĩ. “Ta không thể thoả lòng nhận cống vật mà không có câu trả lời được, vương quốc nhỏ bé đó sẽ chê cười vương quốc của ta”. Cuối cùng, có một vị đại thần đã cáo quan về quê từ lâu xin tiếp kiến nhà vua và nói: “Thần đã có câu trả lời”
Vị đại thần già này lấy 3 gọng cỏ dài, ở tượng vàng đầu tiên, ngài xuyên ngọn cỏ đó vào bên tai phải, lập tức ngọn cỏ lại lộ ra từ bên tai trái của bức tượng. Hành động này được lăp lại cho hai bức tượng còn lại. Điều khác biệt là sau khi xuyên ngọn cỏ từ phía tai phải, đầu ngọn cỏ lại xuất hiện ở miệng của bức tượng thứ hai và không thấy xuất hiện ở bức tượng thứ 3. Ở bức tượng cuối cùng này, ngọn cỏ đã rơi vào trong bung tượng mà không gây ra bất kỳ tiếng động nào.
Sau khi việc “kiểm định” đã xong, vị đại thần già quay lại phía sứ giả và nói: “Bức tượng thứ 3 là đáng giá nhất”. Trước sự ngỡ ngàng của mọi người, vị sứ giả gật đầu mỉm cười và cúi lạy vị đại thần đáng kính đó.
Chắc ai cũng thắc mắc: “Cuối cùng câu trả lời sẽ là như thế nào?” Thật đơn giản, câu trả lời của vị đại thần nằm ở kết quả “kiếm định” này. Khi giải thích cho nhà vua về hành động của mình, vị đại thần đã nói: “Ông trời chỉ cho chúng ta hai cái tai để nghe và một cái miệng để nói. Sở dĩ như vậy là yêu cầu chúng ta nghe nhiều hơn nói. Một người có giá trị thực sự không thể “Vừa kịp nghe đã kịp nói” như bức tượng thứ 2, cũng không phải là người “Từ tai nọ sọ tai kia” như bức tương thứ nhất. Một người có giá trị là một người biết lắng nghe và suy ngẫm, không cần nói nhiều, không cần khuyếch trương, đó chính là yếu tố cơ bản nhất của để tạo nên một người tài.
2. Ông Đỗ là một nông dân quanh năm chân lấm tay bùn tại một vùng quê nghèo, cả đời chưa bao giờ bước chân ra khỏi luỹ tre làng . Sau vài chục năm làm ruộng, khi số tiền tích góp được cũng kha khá, ông Đỗ đã quyết định một việc gây chấn động thôn quê nghèo: “Đi du lịch nước ngoài”.
Chuyến xuất ngoại lần đầu này đã đem lại cho ông Đỗ những cảm giác cực kỳ mới lạ. Ông không thể ngờ rằng ở ngoại quốc người ta lại có thể giàu có và lịch sự đến thể. Ngay cả cái anh chàng “gác cổng”( theo cách ông gọi nhân viên lễ tân) ở khách sạn lúc nào cũng vui cười hớn hở. Điều lạ lùng duy nhất là mỗi buổi sáng, khi ông bước chân ra khỏi cổng khách sạn, anh chàng “gác cổng” này đều cúi gập người và nói một câu duy nhất: “ Good morning sir”.
Cả đời ông Đỗ chưa bao giờ nghe thấy câu nói này. “Chắc hắn nói tiếng ngoại quốc”, ông Đỗ nghĩ vậy. “Nhưng chẳng hiểu câu đó có nghĩa gì?“, ông lại thắc mắc. Theo thói quen ở quê ông, khi nào cúi gập người lễ phép như vậy là lúc người ta muốn hỏi “Ông tên là gì.?”. “Chắc anh chàng này muốn hỏi ta tên gì đây mà?” ông Đỗ hả hê tự giải thích cho thắc mắc của mình. “Thật vô phép quá, người ta hỏi mình tên gì mà mình có biết để trả lời đâu, nhưng lần sau chắc chắn mình sẽ trả lời anh gác cổng này”, ông Đỗ thầm hứa với mình như vậy.
Ngày thứ hai, sau khi bước chân ra khỏi cổng khách sạn, anh chàng lễ tân lại cúi gập người nói với ông Đỗ: “Good morning sir”. Để đáp lại câu nói của anh chàng “mắt xanh mũi lõ” này, ông Đỗ dõng dạc hô to: “ Tôi tên là A Đỗ”. Câu trả lời của ông Đỗ đã làm anh chàng gác cổng cảm thấy rất ngạc nhiên, nhưng sau đó anh ta lại vui vẻ xách đồ cho ông lên xe của đoàn du lịch đang đợi sẵn.
Ngày thứ ba, rồi ngày thứ tư, ông Đỗ đều nghe thấy câu “Good morning sir” khi mỗi sáng bước ra cổng khách sạn, và ông thì vẫn đều đặn trả lời: “Tôi tên là A Đỗ”. Sang sáng của ngày thứ năm, ông Đỗ bực tức nghĩ. “Anh chàng này quá ngốc nghếch, ngày nào cũng hỏi mình tên là gì, lần nào cũng trả lời là A Đỗ rồi mà chẳng chịu nhớ gì cả. Hay câu nói đó có ý nghĩa khác?”. Nghĩ vậy, ông Đỗ liền đem thắc mắc của mình hỏi người dẫn đoàn du lịch. Sau khi được giải thích ý nghĩa của câu nói“Good morning sir”, ông Đỗ cảm thấy vô cùng xấu hổ cho sự kém hiểu biết của mình. “Hôm sau mình phải sửa mới được, không thể để người ta chê cười mình là người không hiểu biết”, Ông Đỗ nghĩ và tỏ rõ quyết tâm sửa chữa.
Một ngày lại trôi qua, sáng sớm của ngày thứ sáu, như mọi lần ông Đỗ lại bước chân ra khỏi cửa khách sạn, chưa kịp để anh chàng “mắt xanh mũi lõ” nói câu quen thuộc, ông Đỗ đã nhanh nhảu: “Good morning sir”. Lần này, anh chàng “gác cổng” tỏ ra rất ngạc nhiên, nhưng ngay lập tức anh ta lại cúi gập người xuống và lễ phép nói: “Tôi tên là A Đỗ” ...
Ý nghĩa của câu chuyện này không đơn giản chỉ mang tính chất giải trí cho người đọc mà nó còn mang một ý nghĩa sâu xa hơn: “Để trở thành một người thành công, mỗi người phải biết cách tạo ra sức ảnh hưởng của mình đối với người khác”.
3. Có hai cha con nhà nọ sống ở trên núi, hàng ngày họ đều phải đánh xe bò xuống núi mua vật phẩm thiết yếu phục vụ cho cuộc sống.
Thị lực của người cha không tốt, nhưng bù lại ông có kinh nghiệm đánh xe bò trên những địa hình hiểm trở nên mỗi lần xuống núi ông đều theo mang theo đứa con trai của mình. ”Có con trai đi, vừa dạy nó cách đánh xe bò, vừa như hoa tiêu cho đôi mắt không còn tốt của ta”, người cha nghĩ vậy. Khi đi đến những chỗ ngoặt, sợ người cha không nhìn rõ, đứa con trai đều nhắc nhở : « Cha, có ngã rẽ»
Có một ngày, người cha ốm liệt giường nên không thể xuống núi được. Đứa con trai phải một mình đánh xe ngựa đi mua thức ăn cho gia đình. Khi đi đến một đoạn rẽ khá nguy hiểm, con bò bỗng dừng lại, không đi tiếp. Đứa con trai đành xuống xe, vừa hò vừa đẩy nhưng con bò vẫn không thèm nhúc nhích.
«Làm thế nào bây giờ ?»,thằng bé buồn rầu nói. Bỗng nhiên, dường như nó phát hiện ra một điều gì đó rất thú vị. Nhìn trước nhìn sau, nó lại trèo lên xe rồi ghé miệng vào tai con bò hô to: « Cha, có ngã rẽ ». Con bò vừa nghe xong hiệu lệnh, lập tức rẽ phải và xuống núi một cách nhẹ nhàng.
Thực ra, hành động này của con bò là một phản xạ có điều kiện thường thấy ở loài động vật, tuy nhiên có lúc con người cũng có những phản xạ này, chỉ khác là được gọi với cái tên « thói quen ». Nếu như chúng ta biết tích luỹ những thói quen tốt để lấn át những thói quen xấu thì chẳng bao lâu bạn sẽ trở thành một người thành công.