Để trở thành một lãnh đạo hoàn hảo
Lượt xem: 14,609
Lãnh đạo hoàn hảo là biết cách tạo ra môi trường làm việc thân thiện và đầy nhiệt huyết trong công ty. |
Bằng cấp cao ngất ngưởng, kinh nghiệm là việc hơn hẳn tất cả cấp dưới nhưng bạn vẫn có thể bị hẫng hụt vì nhân viên không phục. Đơn giản là vì bạn chưa biết cách "đối nhân xử thế" để họ luôn có niềm tin và sự trung thành tuyệt đối với bạn cũng như với công ty.
Bảo vệ luận án tiến sĩ xong ở Anh, Hoàng trở về nước với rất nhiều hoài bão làm nên sự nghiệp lớn ở quê nhà. Giỏi giang và có kinh nghiệm, Hoàng được rất nhiều công ty lớn mời gọi và rải thảm đỏ bằng những chế độ đãi ngộ, mức lương thưởng và tất nhiên cả cơ hội thăng tiến rõ ràng trước mắt.
Làm chưa được mấy tháng, Hoàng đã được ban lãnh đạo quyết định đưa lên chiếc ghế trưởng phòng. Hài lòng với những gì mình có nhưng không hài lòng với đội ngũ cấp dưới nắm được trong tay, Hoàng cảm thấy chẳng có ai khiến anh có thể làm việc chung một cách chuẩn mực nhất. Với Hoàng, nhân viên phải thực sự hoàn hảo và là những "cỗ máy" chăm chỉ làm việc. Vậy nên, bất cứ sai phạm nào, dù là nhỏ nhất của nhân viên cũng là cái cớ để Hoàng mắng mỏ họ không thương tiếc, kể cả với những người mà tuổi đời đáng bậc đàn anh của Hoàng. Người nào đi làm muộn, dẫu chỉ 1 đến 2 phút là Hoàng nhớ đến tận tuần sau để chỉ trích, phê phán họ ngay trong cuộc họp. Chưa một nhân viên nào thoát được sự "chăm sóc" của Hoàng. Họ phát ngán và ức chế đến tận cổ một tay lãnh đạo trẻ măng mà quá quắt, chẳng coi ai ra gì như thế. Nhiều nhân viên xin thuyên chuyển công tác hoặc chọn giải pháp ra đi để không phải đối mặt hàng ngày với Hoàng nữa.
Ngay từ đầu, Hoàng đã sai lầm trong đường lối lãnh đạo của mình. Làm quản lý, không có nghĩa là đè đầu cưỡi cổ cấp dưới mà chính lãnh đạo chứ không phải ai khác là người "đầu tàu" tạo ra môi trường làm việc thân thiện và đừng có áp đạt kỷ luật "thép" đối với nhân viên. Chẳng có ai là người hoàn hảo. Thế nên khi nhân viên phạm lỗi không cố ý, bạn hãy cho họ một cơ hội sửa chữa, chứ đừng bao giờ sống theo kiểu “hôn quân”, chỉ biết bắt lỗi và nặng tay xử phạt như “đuổi thẳng cổ”, không cho họ có quyền giải thích.
Có kinh nghiệm làm quản lý bộ phận trong nhiều năm, bản thân Lan cũng đã đúc rút cho mình một bài học đắt giá. Khi mới được thăng chức, vì sợ nhân viên không nể trọng, Lan đã dùng uy quyền của mình ra lệnh cho nhân viên bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu để chứng tỏ mình là lãnh đạo. Nhưng vô hình chung, thái độ và phong cách lãnh đạo của cô đã khiến nhân viên cấp dưới lo sợ thì ít mà bất mãn thì nhiều. Vậy nên, Lan chẳng bao giờ nhận được sự hưởng ứng chân thành và tinh thần hỗ trợ của họ.
Thế là Lan buộc phải thay đổi cung cách quản lý của mình. Cô dành thời gian làm quen và thân thiết với nhân viên bằng những cử chỉ nhỏ hàng ngày. Bên cạnh đó, Lan là "đầu tàu" đứng ra tổ chức nhiều sự kiện nho nhỏ, những buổi tiệc mừng sinh nhật nhân viên, mừng ngày phụ nữ... việc mà trước khi Lan đến chưa hề có. Thông qua những bữa tiệc đó, Lan càng có dịp tiếp cận, trò chuyện và tìm hiểu đời sống cấp dưới. Cô kéo họ đến gần mình hơn. Mối quan hệ thân tình giữa sếp và nhân viên được thiết lập, làm biến mất khoảng cách mà trước đó cô đã tạo ra.
Lan cho phép bản thân đặt ngang hàng với cấp dưới và đối xử công bằng như hai người bạn. Và khi nhân viên coi cô như một người bạn, họ sẵn sàng tâm sự cùng bạn những nỗi niềm nhạy cảm nhất, bên trong cũng như bên ngoài công ty. Chẳng ai còn nghĩ đến một lãnh đạo cứng nhắc và chỉ biết ra lệnh như trước nữa.
Các chuyên gia nhân sự thì cho rằng để trở thành một lãnh đạo hoàn hảo không phải là việc gì quá to tát. Bạn chỉ cần "giắt lưng" một vài bí quyết nho nhỏ nằm lòng thì bạn đã có thể kiểm soát được tình hình và chiếm được lòng tin cũng như sự phục tùng của cấp dưới. Ví như, đừng bao giờ nghĩ là sếp thì không phải xin lỗi, đó là điều hoàn toàn sai lầm. Nếu sếp sai, sếp phải nhận lỗi, thì nhân viên mới phục. Nhà quản lý cũng là người bình thường mà thôi. Bạn chỉ hơn người ta ở chỗ nổi bật hơn một số điểm nào đó.
Hay như làm lãnh đạo không có nghĩa là lúc nào cũng chỉ biết đưa ra chỉ thị. Bạn cũng cần phải lắng nghe cấp dưới nói chuyện, đưa ra ý tưởng. Đó là một phương pháp thảo luận tạo hiệu quả công việc. Khi lắng nghe, cần tỏ ra chăm chú, duy trì ánh mắt với đối phương. Và nghe hết những gì người ta nói, rồi mới đưa ra phản ứng. Không nên cắt ngang hay chen vào khi họ đang nói.
Còn khi chấp nhận nghe họ, thì tuyệt đối phải ngừng tất cả những công việc đang làm để chăm chú hơn.
Cuối cùng hãy luôn có thái độ tôn trọng và nhã nhặn với cấp dưới. Nhân viên của bạn sẽ cảm thấy tự hào khi được làm việc, hợp tác với một lãnh đạo lịch sự, hiểu biết, và khéo léo trong mọi hoàn cảnh.