Để trở thành nhân viên quan trọng
Lượt xem: 14,426Theo Jack Grifffin - tác giả của cuốn sách "Bí quyết để trở thành nhân viên không thể thay thế", mỗi chúng ta không thể tồn tại tách biệt với những tác động của nền kinh tế, các điều kiện xã hội, môi trường sống. Những người quản lý luôn yêu cầu công việc phải được giải quyết nhanh chóng, ổn thỏa và tự mỗi người phải tìm thấy cơ hội đem lại lợi ích cho công ty. Mỗi công việc được hoàn thành thường phải trải qua những khó khăn, bất ngờ và bạn phải đủ vững vàng, linh hoạt để vượt qua.
Sau đây là những bí quyết Griffin đã tập hợp trong cuốn sách của mình, nhằm giúp người lao động tìm thấy con đường để trở thành một nhân viên không thể thay thế trong công ty:
- Nghĩ đến lợi nhuận
Mọi suy nghĩ và hành động của bạn đều phải hướng đến lợi nhuận của công ty hay nói cách khác, bạn phải học cách nói bằng ngôn ngữ kinh doanh, nắm rõ mục tiêu, định hướng của công ty. Nếu mỗi nhân viên đều biết cách giảm thiểu chi phí, tối đa hóa lợi nhuận thì sếp cũng đỡ lo lắng phần nào.
Bất kỳ thời điểm nào, bạn cũng cần xác định xem mình đã làm được những gì cho công ty để tiếp tục phát triển những đóng góp đó trong tương lai. Nếu tuần này bạn đem đến cho công ty 20 khách hàng mới, hãy tính xem công ty có thêm bao nhiêu đơn đặt hàng, lợi nhuận bạn đem về được bao nhiêu. Những cách định giá đó đôi khi có vẻ không cần thiết nhưng thực tế, nó lại giúp cho mỗi cá nhân có tinh thần trách nhiệm với công việc cao hơn.
- Ứng biến linh hoạt
Griffin cho rằng, điều quan trọng nhất bạn cần làm là tạo được lòng tin từ sếp bằng những thành tích đạt được từ khi về đầu quân cho công ty. Bạn nên chuyển những kết quả tốt đẹp ấy thành những kinh nghiệm, kỹ năng của bản thân, để sếp thấy rằng, bạn không chỉ làm tốt công việc hiện tại mà còn thừa khả năng đảm nhận những công việc khó hơn. Bạn nên tìm kiếm cơ hội và thể hiện những kỹ năng linh hoạt của bản thân, vừa cho thấy giá trị vừa tìm kiếm cơ hội thăng tiến.
Chẳng hạn, khi sếp muốn bạn chuẩn bị một format chương trình, dù đó không nằm trong chuyên môn của bạn nhưng cũng đừng vội từ chối. Hãy nói với sếp rằng, bạn không chuyên về lĩnh vực này nhưng "nếu sếp nói rõ yêu cầu, tôi sẽ chuẩn bị một kịch bản ưng ý". Khả năng giải quyết mọi vấn đề linh hoạt chắc chắn sẽ khiến sếp tin tưởng và coi bạn như trợ thủ đắc lực.
- Coi sếp là khách hàng
Đừng bao giờ quên, sếp cũng là một khách hàng, thậm chí là khách hàng đặc biệt. Khi bạn thuyết phục được khách hàng, bạn sẽ mang về lợi nhuận cho công ty và bạn cũng có một phần trong đó. Nếu bạn làm hài lòng vị khách đặc biệt kia, lợi ích của bạn cũng tăng lên đáng kể. Bởi vậy, bạn cần xác định những gì sếp muốn, điều gì sếp mong đợi mà bạn có thể thực hiện được.
Bởi vậy, bạn nên dành thời gian tìm kiếm thông tin liên quan đến sự kỳ vọng của sếp và cố gắng làm chủ mọi tình huống, kể cả khi công việc phát sinh những yếu tố không thuận lợi. Đừng bao giờ có tư tưởng ngồi đợi cho đến khi có ai đó tìm ra giải pháp thích hợp, thay vào đó, bạn phải chủ động trong cách giải quyết và bảo vệ chính kiến của mình. Sếp là một khách hàng đặc biệt nhưng không vì thế mà chiều theo mọi điều sếp nói ngay cả khi biết đó là sai lầm. Ngược lại, bạn phải khéo léo để sếp nhận ra điều chưa đúng ấy mà không bị phật ý, chắc chắn sếp sẽ đánh giá cao năng lực của bạn.
- Ứng xử khôn khéo
Điều cuối cùng Griffin muốn nhắc nhở mọi người là cách ứng xử khéo léo nơi công sở. Trong môi trường nhiều cạnh tranh, bạn phải tạo được những mối quan hệ tốt với đồng nghiệp. Bằng uy tín, khả năng và phong cách làm việc của mình, bạn hãy cố gắng thuyết phục mọi người hướng đến mục tiêu chung của công ty mà bỏ qua những mâu thuẫn và động cơ cá nhân.
Để đạt được điều đó, bạn có thể tham khảo những gợi ý sau:
- Sử dụng ngôn từ mang tính tập thể như chúng tôi, chúng ta, các bạn thay cho cách nói mang tính cá nhân như tôi, bạn
- Tránh dùng những từ gây lo lắng cho mọi người như khủng hoảng, sai lầm hay không thể giải quyết được...
- Nói lời xin lỗi đúng lúc
- Tôn trọng tài sản và không gian riêng của đồng nghiệp
- Giải quyết mọi mâu thuẫn trên cơ sở tôn trọng và thân thiện
- Giải quyết bất đồng bằng cách tìm ra tiếng nói chung, không phải là để xác định ai đúng ai sai