Đi tìm chìa khoá ẩn của thành công
Lượt xem: 12,254Lợi đã thực sự sốc! Trước đó, mọi thứ vẫn tốt đẹp cho đến một hôm sếp giao việc cho Lợi và các đồng nghiệp. Câu hỏi mà giám đốc đặt ra là “Khi nào xong việc?”. 3 lần trả lời, Lợi vẫn chỉ đưa ra một nội dung: “Em sẽ cố gắng hết sức và hoàn thành trong thời gian sớm nhất”.
Cả nhóm làm việc đã rất ngạc nhiên với quyết định sa thải đó vì Lợi vốn được lòng giám đốc. Lý do mà giám đốc đưa ra là không thể chấp nhận được một nhân viên không có thái độ đúng đắn với công việc, không biết được khả năng của mình và thời hạn để hoàn thành công việc.
Hiện nay, rất nhiều người nghĩ rằng chỉ cần có trình độ chuyên môn giỏi, cầm thêm vài chứng chỉ về ngoại ngữ hay tin học là có thể yên tâm làm việc. Họ không biết hoặc không để ý thấy rằng: việc mình có được trọng dụng, được thăng chức hay không phụ thuộc vào thái độ đối với công việc hàng ngày.
Thái độ đối với công việc được xem là yếu tố quan trọng nhất mà sếp hoặc đồng nghiệp nhìn nhận về bạn. “Khi tôi đánh giá nhân viên, điều khiến tôi chú ý đầu tiên là thái độ làm việc của anh ta, sau đó mới đến những yếu tố khác. Tôi có thể biết qua về anh ta qua CV hoặc qua lời giới thiệu, nhưng mọi thứ sẽ được bộc lộ qua thái độ của anh ta” - bà Minh Châu, giám đốc công ty ACT, người từng làm quản lý ở nhiều công ty lớn cho biết.
Tại sao những người quản lý lại coi trọng thái độ làm việc của nhân viên như vậy? Rất nhiều người trong số họ khẳng định nếu một nhân viên có thái độ làm việc đúng thì họ sẽ biết cách làm việc sao cho hiệu quả, biết cách xử xự với đồng nghiệp thế nào. Đồng thời, họ sẽ biết tôn trọng, biết điều chỉnh hành vi của mình.
Thật khó để có những ý tưởng sáng tạo hay những giải pháp nếu bạn không có thái độ tích cực với công việc mà mình đang theo đuổi. Thêm vào đó, nếu không có được thái độ đúng, sức ỳ sẽ có dịp phát triển rất nhanh.
Thực tế là rất nhiều người chưa chú trọng đến việc cần phải có một thái độ đúng đắn trong công việc. Họ không biết rằng trong một số trường hợp, thái độ làm việc có thể giúp mang lại những đánh giá cao hơn kết quả công việc.
Với một số người, chỉ khi nhận được quyết định sa thải mới làm việc tích cực trong sự nuối tiếc. Nhẽ ra, họ cần sớm nhận ra rằng, phải làm việc một cách tích cực, bởi nếu không, sẽ có lúc mình không được làm việc nữa. Lê Minh, một chuyên viên PR có nhiều kinh nghiệm tâm sự: “Tôi luôn cố gắng làm việc với tinh thần như là ngày mai tôi phải nghỉ việc và không được làm công việc này nữa. Vì vậy mà tôi luôn thấy hứng thú và có thể dồn hết công sức cho công việc. Nghe có vẻ hơi vô lý nhưng đó là sự thực. Tôi thành công và được đánh giá cao là nhờ suy nghĩ đó”.
Người viết xin kết bài bằng câu:
Nếu lòng không vui, thì việc chẳng chạy
Từ sáng thứ Hai đến chiều thứ Bảy