Định hướng để sự nghiệp năm 2022 "nở hoa"
Lượt xem: 13,773Chúng ta thường bị cuốn vào các công việc hàng ngày. Vì thế, dù cho đã làm được rất nhiều việc trong năm 2021, nhưng thật khó để nhớ tất cả những thành quả khi nhìn lại. Để rút kinh nghiệm, hãy theo dõi những mục tiêu mà bản thân đặt ra cho năm 2022.
Định hướng để sự nghiệp năm 2022 "nở hoa"
Quy trình hàng ngày của chúng ta là: chạy theo deadline, đánh dấu “đã xong” một việc trong danh sách rồi chuyển ngay sang việc tiếp theo. Ngày tháng trôi qua, chúng ta biết mình đã hoàn thành kha khá đầu mục, nhưng chính xác thành tích nào đáng ghi nhận, sự tiến bộ ra sao hoặc những việc chưa làm được thì không thể tổng kết được ngay.
Sự thật là, theo dõi những điều đã hoàn thành trong suốt một năm rất quan trọng. Bởi việc này:
- Giúp bạn tự nhận thức giá trị của mình khi cần yêu cầu tăng lương
- Giúp bạn dễ dàng tự đánh giá bản thân, cung cấp thông tin chính xác và chi tiết cho cấp trên trong buổi đánh giá hiệu suất cuối năm
- Giúp cập nhật CV dễ dàng hơn khi sẵn sàng tìm kiếm cơ hội mới
- Là nguồn dữ liệu cho những câu chuyện “vặt” nhưng ý nghĩa với sếp và các chuyên gia trong ngành về những gì bạn đã học được trong năm qua (thay vì khoe khoang về những gì đã hoàn thành)
- Giúp bạn có những chia sẻ trên mạng xã hội như một người chuyên nghiệp trong lĩnh vực của mình
- Cho ta điều để tự hào về bản thân ngay lúc này và sau này khi nhìn lại. 2021 là một năm khó khăn, và bạn xứng đáng với điều đó.
Phân loại thành tích công việc trong năm
Tất cả các thành tích công việc trong suốt năm, từ việc hoàn thành dự án đến các giải thưởng và sự ghi nhận đều đáng để ghi lại. Kể cả những thành tích không liên quan trực tiếp tới công việc vẫn có thể là phẩm chất mà nhà tuyển dụng đánh giá cao.
Cuối năm là thời điểm rà soát lại thành tích
Một số thành tích nên theo dõi:
- Các mục tiêu hiệu suất đã đạt được: cách bạn đạt được chúng, phân tích dữ kiện để chứng minh kết quả.
- Cách giải quyết tình huống khó khăn với đồng nghiệp để đạt kết quả khả quan: ghi lại để tham khảo cho cả việc trả lời phỏng vấn tuyển dụng cũng như ứng dụng thực tế cho công việc trong tương lai.
- Số lượng dự án đã hoàn thành với khối lượng nhiệm vụ, thời gian, cách thức hiệu quả, kể cả những dự án mà bạn cho là nhỏ.
- Vượt qua áp lực: bất kỳ thời điểm nào bị áp lực mà vẫn đạt được mục tiêu.
- Vượt quá mong đợi: dấu mốc nào mà bạn thành công ngoài mong đợi và tại sao.
- Giữ chức vụ hoặc nằm trong nhóm quản trị của bộ phận hoặc tổ chức: chứng tỏ khả năng lãnh đạo và sáng kiến, kể cả nếu tổ chức đó nằm ngoài công việc chính thức.
- Giải thưởng: cho thấy giá trị của bạn cũng như sự ghi nhận từ người khác, nhất là những thành tích trong ngành hoặc công ty.
- Danh hiệu: ví dụ “Nhân viên của năm" là một cụm từ ấn tượng, cho thấy khả năng đóng góp và sự chăm chỉ.
Lưu giữ thành tích công việc cho cả năm
Mỗi người đều có một thế mạnh và thiên hướng làm việc khác nhau, vì vậy hệ thống thành tích không nhất thiết phải áp dụng khuôn mẫu. Hãy sử dụng những ứng dụng ghi nhớ/ cách thống kê thành tích phù hợp nhất với bạn. Một số gợi ý:
- Viết nhật ký công việc: đơn giản là ghi rõ ngày tháng, các thông tin đáng chú ý, chi tiết quan trọng về thành tích.
- Nhập vào một ứng dụng trên điện thoại hoặc máy tính. Ví dụ Inkpad, Evernote, Trello...
- Ghi lại trên lịch: Lịch là một nơi tuyệt vời để lưu giữ những chiến thắng. Những gì bạn cần làm vào thời điểm cuối năm là lật lại cuốn lịch cũ.
Công nghệ giúp lưu lại thành tích rất dễ dàng
Việc tiếp theo là rà soát lại, bổ sung những thành tích lớn và bỏ bớt các thành tích cũ không còn quan trọng trong CV. Hãy để các nhà tuyển dụng nhìn thấy các giải thưởng và thành tích cập nhật nhất, cho thấy con đường sự nghiệp của bạn luôn có sự tiến lên.
Bổ sung vào Portfolio: Làm đẹp hồ sơ cá nhân trên môi trường trực tuyến cũng là cách hay để ta dễ dàng chia sẻ chúng đến khách hàng và những người trong ngành.
“Khoe” trên LinkedIn: đây là nơi tuyệt vời để quảng bá hành trình sự nghiệp. Điều này cho phép những chuyên gia tuyển dụng hiểu về năng lực của bạn. Cũng có thể chia sẻ những giải thưởng và thành tích của mình trên Facebook và Twitter, nhưng nhớ thể hiện một cách chuyên nghiệp và khiêm tốn.
Cho dù chọn cách theo dõi và lưu trữ nào, thì điều quan trọng là chúng ta bắt tay vào hành động. Ghi lại thành tích công việc luôn và ngay là việc không mất nhiều công sức, nhưng đòi hỏi sự kỷ luật và cần mẫn. Càng lưu trữ được nhiều thành tích của mình trong suốt cả năm, ta càng dễ rà soát khi cần. Sẽ không ai làm thay bạn việc này: đánh giá sự tiến bộ trên con đường sự nghiệp cũng như chuẩn bị các tài liệu chứng minh năng lực cho cơ hội nghề nghiệp tiếp theo. Nên chỉ có bạn mới có thể theo dõi chính mình và ghi lại, chia sẻ nó!