Định hướng nghề nghiệp tương lai sao cho đúng?
Lượt xem: 29,379Ðể định hướng đúng, trước hết bạn cần trả lời được ba câu hỏi: Những thiên hướng và điều quan tâm thực sự của bạn trong cuộc sống là gì? Công việc có mang lại cho bạn lợi ích tài chính hay không? Khả năng thành công của bạn khi thực hiện công việc đó như thế nào?
Thông thường, ngành học tại trường quyết định nghề nghiệp sau này của bạn. Tuy nhiên, thực tế này giờ đây đã thay đổi do ngành nghề phong phú hơn, khoa học - kỹ thuật có nhiều bước đột phá hơn, những yêu cầu công việc đa dạng hơn. Một người học ngành tài chính sau này có thể làm chuyên viên nhân sự, một kỹ sư cơ khí có thể làm chuyên viên thiết kế web, một cử nhân văn chương có thể làm du lịch... và rất nhiều người thật sự làm tốt công việc nhờ biết khai thác những khả năng tiềm ẩn của mình. Như vậy, làm thế nào để có định hướng nghề nghiệp đúng?
Phát hiện thiên hướng cá nhân
Nhiều sinh viên không biết rõ mong muốn của bản thân mình là gì, trong khi quãng đời sinh viên là khoảng thời gian có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống và sự trưởng thành của họ sau này. Không ít người chọn ngành học không phải vì sự quan tâm hay niềm đam mê cá nhân mà do sự tác động của người thân, vì áp lực về địa vị xã hội, vì trào lưu chung..., đến khi gặp khó khăn trong tìm việc, họ trở nên hoang mang. Theo các chuyên gia, nếu gặp một công việc trái nghề, đừng nên từ chối vì cứ phải tìm một việc đúng như những gì đã học là điều khó và không cần thiết. Quan trọng là chứng minh được với nhà tuyển dụng mức độ quan tâm của bạn với công việc và thiên hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Ðồng ý với những quan niệm này, Lê Hồng Minh, tốt nghiệp Khoa công nghệ thông tin Trường ÐH Bách khoa, hiện giờ là phiên dịch cho giám đốc hãng Scintech, cho rằng: "Ðừng bỏ qua cơ hội khi nhận thấy mình có khả năng phát triển trong một lĩnh vực nào đó, vì điều đó cho thấy mình có thiên hướng vươn lên được dù là trái ngành".
Xem xét lợi ích tài chính
Trong việc chọn ngành học cũng như chọn việc làm, những hứa hẹn về tài chính mà ngành học mang lại luôn được cân nhắc khá kỹ lưỡng. Khi đã xác nhận được thiên hướng cá nhân rồi, cần phải xem xét việc làm đó có mang lại cho bạn nguồn lợi tài chính đáng kể hay không? Suy cho cùng, tiền bạc không chỉ giải quyết được những nhu cầu căn cơ nhất của đời sống mà còn kích thích khả năng làm việc của con người. Một người tốt nghiệp ÐH y sẽ không chấp nhận làm cô nuôi dạy trẻ dù họ có yêu trẻ đến mấy, một người tốt nghiệp ngành kỹ thuật sẽ không làm nhân viên cửa hàng xe gắn máy... Về vấn đề này, Lê Ngọc Lan, tốt nghiệp ÐH Mỹ thuật, hiện là nhân viên Công ty TNHH In Quảng cáo Eagle, có cái nhìn thiết thực hơn: "Bạn bè tôi rủ về quê làm, nhưng chưa thể được vì ở đó không có đất để "diễn", điều này cũng đồng nghĩa là nguồn thu nhập sẽ thấp. Năm năm đèn sách tốn kém, giờ không thể ăn bám ba mẹ nữa, phải làm ra tiền trước đã". Tóm lại, cân nhắc về lợi ích tài chính và xem xét sự tương quan giữa ngành học và tính chất công việc là điều cần làm.
Lường trước mức độ thành công
Cách đây hơn hai năm, nhóm sinh viên Trương Hồng, Nguyễn Hữu Dũng, Lê Văn Quang, tốt nghiệp Trường Cao đẳng bán công Marketing, hùn vốn mở cơ sở in và phá sản sau đó ba tháng. Nguyên nhân chính được rút ra là không lường trước được tính phức tạp của chuyện làm ăn, kiến thức đã học chưa đi sát với thực tế. "Chấp nhận làm việc không đúng với ngành đã học cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận sự cạnh tranh từ những đồng nghiệp khác vốn có chuyên môn cao trong ngành. Cho nên, trước khi vào cuộc, cũng nên tự đánh giá mình có thể thành công với việc đó hay không" - Trương Hồng nhìn nhận.
Thế nào là thành công?
Ông Trịnh Thế Hiệp, một chuyên viên tư vấn nhân sự, lý giải một cách đơn giản: Thành công tức là làm được và làm tốt công việc. Rõ ràng, trong các ngành đặc thù như luật, y, cơ khí..., những ai thiếu chuyên môn chắc chắn sẽ bị thua thiệt so với những người khác. Còn đối với các ngành liên quan đến hành chính, văn phòng, thư ký... mọi người dường như có sự bình đẳng nhau dù ở mức độ nhập môn hay đã thâm niên trong nghề. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Scansia Pacific, khẳng định: “Bằng cấp và phỏng vấn chỉ là những công cụ tuyển dụng. Ðiều doanh nghiệp cần nhất ở nhân viên là hiệu quả công việc. Cho nên, cố gắng khai thác khả năng cá nhân và luôn hết mình vì công việc, thành công sẽ đến”.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :