Doanh nhân nói dối
Lượt xem: 12,460
Trên thương trường, vì lợi ích kinh doanh, các doanh nhân buộc phải biết nói dối và biết chấp nhận lời nói dối. Quan trọng là phải nói sao cho “ngọt” và không vi phạm đạo đức kinh doanh.
Nói dối khéo léo là một kỹ năng
Hãy tưởng tượng bạn đang ở Nhật Bản, đất nước luôn ưu tiên hàng đầu môi trường làm việc hòa hợp. Bạn, một nhân viên bậc trung, rơi vào một tình cảnh khó khăn: Sếp muốn biết tại sao lại có sự chậm trễ trong việc giao hàng. Bạn biết đó là do lỗi của đồng nghiệp. Nhưng biết chỉ là để biết thế thôi bởi ở Nhật, bạn phải tránh tuyệt đối làm bẽ mặt đồng nghiệp trước mặt người khác nếu không muốn bị coi là kẻ hay chỉ trích và thiếu trưởng thành.
Vậy bạn phải làm gì?
Dù chẳng thú vị gì nhưng trong hoàn cảnh này, hãy xin lỗi sếp (dù bạn chẳng phải là người mắc lỗi). Tự nghĩ ra đôi lời nói dối có thể chấp nhận được. Vấn đề với sếp đã xong, bạn hãy nói chuyện riêng với người đồng nghiệp kia. Nếu anh ta biết chơi đẹp, anh ta sẽ tự đi tìm sếp để thanh minh cho bạn.
Nói dối trước đám đông vì lợi ích và danh dự của ai đó là một việc nên làm.
Khi “Có” không có nghĩa là “Có”
Do nhiều nền văn hóa không chấp nhận sử dùng từ “Không” trong đối thoại hoặc đàm phán làm ăn nên người ta đã tìm các cách khác để diễn đạt sự không đồng ý hoặc không hài lòng của mình. Và bạn cần biết điều đó
Dĩ nhiên, từ “Có” không nhất thiết đồng nghĩa với “Tôi đồng ý”. Từ này có thể được hiểu theo nghĩa gần hơn là “Tôi đã nghe những gì anh nói”. Nếu bạn muốn gây áp lực với một đối tác là người Trung Quốc truyền thống, và anh ta muốn lẩn tránh, anh ta có thể nói: “Vấn đề này khó khăn đấy” hoặc “Tôi không chắc rằng việc này sẽ khả thi”. Hãy khôn ngoan. Những câu nói này chính là cách nói “Không” lịch sự ở nhiều nước châu Á.
Ở Ấn Độ, công việc kinh doanh mang tính cá nhân rất cao và được tiến hành tương đối uyển chuyển với lòng hiếu khách. Nếu bạn tạo được mối quan hệ cá nhân với khách hàng, khi cần có một câu trả lời “Có” hoặc “Không” rõ ràng, nhiều khả năng đối tác Ấn Độ của bạn sẽ nói: “Có, dĩ nhiên rồi” mặc dù trong đầu anh ta đang nghĩ “Không”. Tại sao một “người bạn” lại nói dối bạn?
Bởi vì từ “Không” ở Ấn Độ mang hàm ý rất gay gắt. Những lời từ chối mang tính thoái thác được dùng phổ biến hơn và được coi là lịch sự hơn. Cũng như vậy, khi bạn mời họ đến tham dự một sự kiện nào đó và họ nói rằng: “Tôi sẽ cố gắng đến”, đừng ngạc nhiên nếu họ không đến.
Lẩn tránh từ “Không” cũng là một kiểu phổ biến ở đất nước Indonesia, nơi mà việc không đồng ý với ai đó sẽ bị coi là bất lịch sự. Hầu hết người dân nước này sẽ nói với bạn những gì họ nghĩ bạn muốn nghe, thay vì mang đến cho bạn bất kỳ một sự buồn khổ nào dù là nhỏ.
Bạn cần phải biết phân biết giữa một câu từ chối lịch sự: “Có, nhưng tôi thực sự có ý là không” với câu chấp thuận “Có!”. Người bản địa ở đây có tới 12 cách nói “Không” với đối tác, và nhiều cách trong số đó có “vỏ bọc” là “Có”. Hãy làm quen với điều này.
Ở Anh thì không thế. Phần lớn người phương Tây ghét sự dối trá, lươn lẹo, thiếu rõ ràng trong kinh doanh. Thật ra những người Indonesia, người Ấn Độ,... không phải đang nói dối bạn. Họ chỉ muốn thể hiện sự lịch sự theo tiêu chuẩn văn hóa của đất nước họ.
Đó là một cách nói dối không hề ảnh hưởng đến đạo đức kinh doanh và chà đạp lên đối tác.