Đừng để "chân dài" hơn năng lực
Lượt xem: 12,484
"Nhảy" việc nhiều quá thì chân dài hơn chứ sao!", Hoa giải thích với tôi về biệt danh của cô bạn cũ đã hai năm tôi chưa gặp lại - "Th. chân dài". Cuộc cạnh tranh nhân lực trên thị trường việc làm đi kèm với các chế độ đãi ngộ mời gọi là động lực chính cho quá trình "chạy đà" của người làm thuê nhằm "nhảy" khỏi vị trí cũ, nhắm sang đích mới. Tuy nhiên, không phải "cú nhảy" nào cũng tới được cái đích như ý.
"Chân dài" bất đắc dĩ
Th. không đẹp, không đủ cao để được gọi là "chân dài", nhưng vẫn bị bạn bè gán cho cái biệt danh này nhờ "thành tích" chuyển công ty 4 lần trong 1 năm. Tốt nghiệp đại học khối tiếng Anh thuộc một trường ngoại ngữ, không khó khăn để Th. kiếm được một chân phiên dịch cho một công ty dịch thuật. Được một thời gian, chán cái công việc "đều như vắt chanh", cô "nhảy" sang một công ty tư vấn đầu tư.
Mọi thứ vẫn tốt đẹp, nhưng có vẻ môi trường chưa được chuyên nghiệp như mong muốn, Th. lại ứng tuyển vào công ty liên doanh cùng lĩnh vực. Bốn tháng sau, cô khẳng định tên tuổi "chân dài" của mình nhờ thành tích bỏ liên doanh, ngồi vào cái ghế trợ lý giám đốc cho một doanh nghiệp sản xuất lớn trong vòng 2 ngày. Không chịu được sức ép, Th. trở về là một cô nhân viên văn phòng.
Cô chỉ dừng lại ở mỗi vị trí, mỗi công ty không quá 4 tháng. Đó là khoảng thời gian chưa đủ để cô làm quen và hòa nhịp hoàn toàn với môi trường làm việc, chưa dám nói đến học hỏi kinh nghiệm "kinh nghiệm lớn nhất của Th. là, không nên nhảy việc nhiều như thế, Hoa nói."
"Nhảy việc" liên tục rất hiếm khi đưa tới hiệu quả mong muốn. Thất bại đầu tiên của "tần suất" "nhảy" dày là việc nhân sự chưa thể hiện và tiếp thu được giá trị gì đáng kể ở Công ty A, anh chưa kịp làm quen hết với đồng nghiệp mới; ở công ty B, anh chưa kịp bắt nhịp với công việc; ở công ty C, anh chưa học hỏi và thực hành đầy đủ kỹ năng... Nhà quản trị cũng hiếm khi đánh giá cao những nhân sự thuộc vào hàng "vận động viên vượt rào" kiểu này. Không ai trông đợi một đội ngũ nhân viên gồm "lăm le" đợi thời cơ để "nhảy"...
Một thực tế là, căn cứ cho quyết định thay đổi công việc của nhiều công nhân văn phòng thường chỉ là lương bên này cao hơn bên kia, công ty này "to" hơn công ty nọ, vị trí này có vẻ hứa hẹn hơn vị trí hiện tại. Tất cả những căn cứ đó, tưởng như là thước đo, nhưng lại rất mơ hồ, vì vấn đề có nên đổi công việc hay không nằm ở tổng thể các lợi ích mà mỗi nhân sự đều phải tự cân nhắc.
Công việc (Job) không giống nghề (career). Nghề là cái mà người ta theo đuổi và gần như đi cùng nó trong suốt cuộc đời, còn công việc chỉ là nghề trong từng vị trí, từng giai đoạn, từng khâu. Ví dụ, bạn có thể theo nghề ngân hàng, nhưng công việc của bạn có thể là giao dịch viên, kiểm soát viên, kế toán quỹ, nhân viên tín dụng... Cho nên, chuyển việc là điều hết sức bình thường, nhưng chuyển nghề thì sẽ là một quyết định lớn, có thể ảnh hưởng tới cả tương lai.
Đối với chuyển việc, công thức cho tổng thể lợi ích thường được gói vào ba yếu tố: thu nhập (bao gồm lương), môi trường làm việc, khả năng phát triển bản thân. Tuỳ vào từng điều kiện và hoàn cảnh mà mỗi người có thể coi trọng yếu tố nào hơn. Quan trọng vấn đề chỉ còn nằm ở khả năng đánh giá đúng tương quan giá trị yếu tố giữa "núi này" với "núi kia". Thảo, nhân viên một công ty truyền thông mạng ở Hà Nội cho biết, cô không muốn bỏ công việc hiện tại cho dù có đơn vị đang chào mừng lương cao gần gấp đôi, vì thấy gắn kết được với lãnh đạo và đồng nghiệp trong công ty.
"Chừng nào nơi bạn làm còn cho bạn nhiều cái để học hỏi, thì chừng đó bạn nên gắn bó với nơi ấy", Giám đốc một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc đá quý trao đổi với tôi. Đặc biệt là với các bạn trẻ, hoặc những ai chưa thực sự tin vào khả năng và kinh nghiệm của mình, việc xác định "hy sinh" các lợi ích vật chất cũng như chịu đựng sức ép hiện tại sẽ được đền đáp bằng giá trị của bản thân ở tương lai - trở thành một nhân sự lành nghề.
"Nhảy" như thế nào?
Hãy tìm hiểu thật kỹ về địa chỉ cho bước chân mình sắp đặt tới, nếu bạn có ý định thay đổi công việc. Bạn cần biết ông chủ của mình là ai, và ông ta định hướng doanh nghiệp đi về đâu. Bạn cũng cần biết về môi trường mà những đồng nghiệp tương lai của bạn đang làm việc, để xác định khả năng hòa nhập đội ngũ. Các chính sách đãi ngộ phải được làm rõ từ đầu, vì đó là một điểm mấu chốt cho quyết định "đi hay ở" của bạn. Dĩ nhiên, bạn cũng phải hiểu rõ mình phải làm gì, và làm như thế nào, khi bạn ngồi ở một chiếc ghế mới.
Một đơn vị biến đổi nhân sự liên tục ở nhiều cấp, thì đó là môi trường làm việc có vấn đề, nhưng nếu mọi người vẫn vui vẻ, mà bạn cảm thấy môi trường đó không ổn, thì chính bạn lại là người có vấn đề. Vấn đề đó có thể nằm ở việc không "thẩm định" đúng những thông tin trên, hoặc những câu chuyện nhỏ hơn liên quan tới đời sống công sở. Trong tình huống này, bạn là một cá nhân trong một cộng đồng, nên rất khó để đòi hỏi cộng đồng đó sẽ xoay chuyển theo ý bạn, mà bạn phải học cách thích ứng với nó.