Đừng hỏi: sao tôi không thành công?
Lượt xem: 12,681
Binh pháp Tôn Tử có câu "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng". Chúng ta cần phải biết rõ các mặt mạnh, mặt yếu của bản thân mới mong thành đạt.Vậy lời khuyên là gì? Đừng cố gắng làm những việc mình không thể làm hay làm một cách gượng gạo.
Phải hiểu chính mình và tự học
Khá dễ dàng để nhận biết những điểm mạnh và điểm yếu của chính mình. Có phương pháp để hiểu đúng bản thân mình và tạo thói quen phân tích thành quả công việc cũng hết sức cần thiết.
Để tránh ngộ nhận về bản thân, mỗi khi ra một quyết định hay thực hiện một công việc quan trọng, bạn hãy viết ra dự kiến kết quả mình mong đợi. 9 hay 12 tháng sau, hãy so sánh thành quả thực sự với kết quả dự kiến. Cứ lặp đi lặp lại như thế một cách kiên định sau một thời gian ngắn, có thể một hoặc hai năm, bạn sẽ nhận ra đâu là các điểm mạnh, điểm yếu thật sự của mình.
Sau khi biết được điểm mạnh và điểm yếu, bạn hãy tập trung khai thác những mặt mạnh vào công việc của mình để biến chúng thành những kết quả có ý nghĩa, cụ thể và có thể đo lường được. Bên cạnh đó hãy học hỏi để bổ sung kiến thức và kỹ năng mới.
Ngoài ra, cần khám phá đâu là "gót chân Asin" của mình, và tìm cách vượt qua nhược điểm ấy.
Vai trò giáo dục của nhà trường
Trường học ở nước nào cũng thế, đều được tổ chức dựa trên giả thuyết chỉ có một phương pháp học tập chung, đúng cho tất cả mọi người. Hiện nay nhiều học giả đề nghị thay thế lối học cũ này bằng phương pháp tư duy lý luận. Tuy nhiên, cho dù ứng dụng phương pháp nào chăng nữa, việc dạy bao giờ cũng sẽ thích hợp với người này mà không phù hợp với người kia.
Thực ra có nhiều cách học khác nhau. Có người học bằng cách viết. Có người học bằng cách ghi chép. Có người học bằng cách nghe chính mình nói. Có người học qua cách làm thực tế. Có người rất thành công khi là một thành viên làm việc cùng nhóm, nhưng có người chỉ làm việc tốt nhất khi có một mình.
Ngoài việc học thế nào để thành công, nhiều người cho rằng thành quả công việc còn tùy vào vai trò của mỗi người quyết định. Có một câu chuyện chẳng hay ho nói về giới học thức, rằng những người học cao chưa hẳn đã làm kinh doanh giỏi. Họ nên làm cố vấn hơn là lãnh đạo doanh nghiệp. Một tiến sĩ kinh tế chưa chắc lãnh đạo thành công một doanh nghiệp nhỏ...Vì sao vậy?
Chẳng có gì khó hiểu, mỗi người chỉ làm tốt vai trò thích hợp cho bản thân mình. Nhiều người ở vị trí phó rất thành công, nhưng khi đề bạt lên chức trưởng, họ lại đưa doanh nghiệp đến chỗ thua lỗ. Nhiều người rất thành công ở doanh nghiệp lớn nhưng khi nắm một doanh nghiệp nhỏ lại trở nên tệ hại.
Một chủ doanh nghiệp bình thường hay một tiến sĩ ở một trường danh tiếng hàng đầu thế giới, không làm đúng vai trò thích hợp cũng đều thất bại như nhau.
Vậy lời khuyên là gì? Đừng cố gắng làm những việc mình không thể làm hay làm một cách gượng gạo.