Đừng quên những “chiêu” cổ điển khi xin việc
Lượt xem: 17,616Tìm việc trực tuyến, gửi hồ sơ xin việc qua email cho nhà tuyển dụng, bỏ qua thư giới thiệu, đây hẳn nhiên không phải là cách tìm việc của thế hệ phụ huynh chúng ta. Nhưng nó lại là phương pháp phổ biến của thế hệ trẻ ngày nay.
Có vẻ như những chiến lược từng được coi là một phần thiết yếu của quá trình tìm việc như dò lần các mục đăng tin tuyển dụng trên báo đã trở thành “xưa như trái đất”. Nhưng rõ ràng khi tìm việc, không phải cái gì mới cũng tốt hơn. Đôi khi các phương thức cổ điển lại phát huy tác dụng, chúng ta hãy cùng tham khảo lại những cách này.
Hãy sử dụng tem thư
Bắt đầu từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước, sự tiện dụng của việc gửi hồ sơ xin việc qua mạng đã khiến nó trở thành lựa chọn hiển nhiên của các ứng viên. Cùng với sự gia tăng của hình thức nộp đơn trực tuyến thì nay, hầu như tất cả mọi người đều sử dụng cách thức này. Đó cũng là lý do tại sao việc gửi thêm một bản hồ sơ bằng giấy cùng với hồ sơ điện tử sẽ khiến bạn nổi bật hơn các ứng viên khác.
Bạn cần sử dụng loại giấy trắng chất lượng cao và sử dụng font chữ cổ điển kiểu như Times New Roman. Tuy nhiên bạn cần tránh dùng đồ hoạ quá phức tạp cũng như những hiệu ứng thị giác quá lố khác. Nên đọc soát kỹ trước khi gửi đi và sử dụng các từ khoá phù hợp với vị trí công việc bạn đang hướng tới.
Có thể viết đơn xin việc dài hơn
Trong những năm gần đây xuất hiện xu hướng giới hạn độ dài đơn xin việc trong vòng một trang. Các ứng viên đôi khi phải sử dụng nhiều biện pháp cực đoan để tối giản lượng thông tin của họ, kể cả việc dùng font chữ nhỏ hơn và đặt lề to ra. Nhưng theo một cuộc điều tra của hãng Robert Half thì điều này là không cần thiết.
44% các giám đốc được hỏi đều nói rằng họ thích đọc một lá đơn xin việc dài hai trang hơn. Thư xin việc dài hơn sẽ tạo điều kiện để bạn nói rõ hơn những công việc đã trải qua của bạn và những gì bạn từng làm lợi cho các lãnh đạo cũ. Vì thế, bạn không cần thiết phải tự hạn chế bản thân mình khi viết đơn.
Tuy nhiên, đừng kéo dài đơn xin việc bằng cách “lấp” đầy nó bằng những thông tin vô bổ kiểu như nói về các sở thích hay những điều riêng tư của bạn. Hãy nhớ rằng nhà tuyển dụng chỉ quan tâm tới những thông tin có liên quan trực tiếp tới khả năng phù hợp với vị trí cần tuyển của bạn.
Viết thư giới thiệu kỹ lưỡng
Một trong những nhược điểm của các đơn xin việc điện tử là thư giới thiệu. Hầu hết các ứng viên đều chỉ đánh máy vài dòng vắn tắt và gửi đính kèm vào đơn rồi nhấn nút “send”, họ cho rằng như thế là đủ. Song nếu bạn muốn mình nổi bật so với các ứng viên khác thì đó chưa thể coi là trọn vẹn. Một bức thư giới thiệu giúp bạn trình bày rõ hơn những gì bạn có thể đem lại cho nhà tuyển dụng, làm nổi bật khả năng cũng như những kinh nghiệm phù hợp nhất của bạn với vị trí ứng tuyển.
Bạn cũng có thể đề cập tới vị trí công việc tiềm năng nào đó hay những quan tâm khác của bạn với nhà lãnh đạo tương lai. Cùng với đó thì một bức thư giới thiệu tốt cũng sẽ thể hiện khả năng viết lách của bạn, một khả năng luôn cần thiết trong mọi vị trí.
Hãy nhấc điện thoại lên
Các ứng viên thường dùng email để hỏi tin tức từ nhà tuyển dụng sau khi nộp đơn. Cách làm này có mắc míu ở chỗ thư của bạn rất dễ bị “ngập” trong hàng đống thư từ khác của họ, chưa kể còn có thể bị đưa vào thùng thư rác. Đó là một trong những lý do mà bạn nên gọi điện thoại khi cần, nó sẽ khiến bạn nổi bật hơn so với các ứng viên khác.
Cùng với đó, khi gọi điện cho nhà tuyển dụng, bạn đã tạo ra một mối liên hệ cá nhân nhất định, điều này sẽ khiến người ta nhớ bạn hơn. Trong khi gọi điện, bạn có thể khẳng định lại một lần nữa những quan tâm của bản thân với vị trí công việc và nhấn mạnh ngắn gọn những kỹ năng khiến bạn trở thành một nhân viên lý tưởng.
Trong thời đại kinh tế nhiều thách thức như hiện nay, các ứng viên phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn bao giờ hết, do đó, bất cứ thủ thuật nào giúp bạn có thể nổi bật lên cần phải trở thành ưu tiên của bạn. Những chiêu thức nói trên đã được thử thách qua thời gian rất dài, vì vậy bạn hãy yên tâm mà áp dụng, chắc chắn bạn sẽ gặt hái những thành quả nhất định.