Được tăng lương - Khó hay dễ?
Lượt xem: 13,505
Việc tăng lương không chỉ tính bằng tiền mà còn thế quy ra những chế độ đãi ngộ khác. |
Thông thường các công ty hàng năm đều có một hoặc hai lần tăng lương cho nhân viên và còn có chế độ tăng lương theo thâm niên công tác cho từng người.
Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng có chính sách và chế độ đãi ngộ rõ ràng và thỏa đáng, thế nên mới có chuyện có người làm việc ở công ty mấy năm rồi mà lương vẫn không thay đổi so với ngày mới vào làm nhân viên chính thức.
Gặp khó khăn với sếp:
Nếu bạn không được lòng người quản lý mà việc tăng lương lại do người này quyết định thì bạn khó có thể lên lương. Vì thế từ lâu khi đi làm, được lòng sếp và được sếp ưu ái đã là một trong những công việc phải làm trong việc tạo mối quan hệ nơi công sở. Không phải là nịnh hót hay xun xoe, nhưng có được sự quan tâm và giúp đỡ của sếp thì tất yếu bạn không những có khả năng lên lương cao mà còn có cơ hội đảm nhận những chức vụ có nhiều bổng lộc.
Bộ phận nhân sự:
Các công ty có chế độ quản lý và có bộ phận nhân sự đàng hoàng thì việc đánh giá lên lương ngoài ảnh hưởng của người quản lý còn có sự tác động của bộ phận nhân sự. Bộ phận nhân sự chính là một thành phần tham gia đánh giá khả năng làm việc và đóng góp của bạn trong công ty.
Hơn nữa, nếu một công ty có những bài kiểm tra đánh giá cho nhân viên định kỳ thì hoàn toàn do bộ phận này sắp xếp và “ra đề”. Vậy nên mới có chuyện cố tình lấy lòng bộ phận nhân sự nhằm có một kết quả tốt hơn trong bản đánh giá. Và cũng thật không may cho những ai bị một người nào đó trong bộ phận nhân sự ghét bỏ.
Tăng lương theo cạnh tranh:
Việc này nghe có vẻ công bằng nhưng lại khiến việc đấu đá tranh giành lẫn nhau của các nhân viên trở nên vô cùng trầm trọng. Nó sẽ khiến hiệu quả công việc tăng cao nhưng vô tình lại khiến các nhân viên có mối quan hệ trong công ty không tốt với nhau và dễ gây chia bè cánh.
Nếu một công ty có chính sách rất rõ ràng: một phòng hay một bộ phận hay toàn công ty mỗi năm chỉ có 20% nhân viên được tăng lương thì bạn hãy xác định tinh thần làm việc không ngừng nghỉ để được đánh giá tốt và đánh bại những đối thủ khác. Khi đó không đơn giản chỉ là cạnh tranh để có được sự tăng lương của người này cao hơn người khác nữa mà còn là sự cạnh tranh để có được tăng lương hay không.
Tuy nhiên, dù có nhiều chính sách và quy tắc thế nào đi chăng nữa thì việc tăng lương vẫn có vai trò rất lớn của sếp, bởi vì chính sếp mới là người đánh giá và quyết định xem có nên tăng lương cho bạn hay không. Vì thế ngoài chuyện tự khẳng định bản thân mình thì cũng nên cư xử thân thiện hòa nhã nơi công sở - kể cả với sếp hay các nhân viên khác - bởi vì bất cứ việc gì cũng có thể được đánh giá dưới con mắt của nhà quản lý, và bạn có thể mất điểm trong một phút sơ xuất nào đó.
Mặt khác, để tránh việc mình bị mù tịt thông tin về lương lậu khi vào làm việc trong công ty, hãy mạnh dạn đề cập đến vấn đề tăng lương, thưởng, chế độ đãi ngộ, nghỉ ngơi khi bạn tham gia buổi phỏng vấn. Một công ty không có chế độ rõ ràng cũng khó có thể là một công ty khiến bạn quyết định gắn bó lâu dài được.
Cuối cùng, nếu công ty bạn chẳng hề đả động gì đến chuyện lương thưởng trong một thời gian dài (hơn 1 năm) hoặc công việc bạn đang làm quá vất vả, bạn làm việc hiệu suất cao (đi sớm, về khuya, làm thêm, overtime hay kí kết được những hợp đồng mới) mà vẫn không thấy tăm hơi thông báo tăng lương của sếp thì hãy mạnh dạn đề nghị. Một số công ty thường dùng chiêu thức tăng lương khi nhân viên xin nghỉ, nhưng không cần đến viết đơn xin nghỉ việc mà bạn vẫn có thể được tăng lương nếu bạn thật sự xứng đáng
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :