“Đứt gánh giữa đường”
Lượt xem: 14,042Khi ông chủ đã “phát tín hiệu” rằng không còn “chuộng” bạn nữa, rằng bạn sắp phải ra đi, hãy chuẩn bị tinh thần để đối phó với những mánh khóe của sếp, sao cho việc “đứt gánh” của bạn không quá tổn hại.
Đừng bao giờ đồng ý lên chức
Cho dù thế nào bạn cũng nên từ chối lời đề nghị có vẻ rất thiện chí này. Nếu sếp có vẻ đã chán bạn mà lại “mời” bạn lên chức thì đó chắc chắn là một cái bẫy đấy. Trong quá trình thay đổi công việc, rất có thể bạn lại nhận được lời đề nghị thôi việc, lúc này có thể bạn sẽ không được nhận số tiền đền bù thỏa đáng.
Đừng quá nhân nhượng
Phần lớn người lao động thường chỉ biết làm việc chứ ít khi tìm hiểu rõ quyền lợi của mình. Khi bị sếp chèn ép, họ thường giữ thái độ quá nhân nhượng. Hãy tìm hiểu quyền lợi chính đáng của mình để đối phó với những vị sếp không biết điều. Nếu họ cho bạn thôi việc không rõ lý do thì chính họ mới là kẻ phải xuống nước bởi họ rất sợ bị kiện tụng lôi thôi.
Không nên vội vàng
Hãy thật bình tĩnh và cẩn trọng khi quyết định mọi chuyện hay ký bất kỳ loại giấy tờ nào. Trước khi đặt bút ký hay chấp nhận quyết định nghỉ việc, hãy tham khảo ý kiến của gia đình, đồng nghiệp, người tư vấn tài chính hoặc luật sư.
Thu thập thông tin
Copy hồ sơ cá nhân, các chính sách thưởng phạt của công ty cũng như các tài liệu liên quan khác, phòng khi bạn cần để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Nếu có thể hãy liên hệ với những người có cùng hoàn cảnh với bạn.
Hiểu rõ điều bạn cần
Luôn nhớ rằng tiền không phải là yếu tố duy nhất trong mọi cuộc đàm phán. Hãy cân nhắc xem bạn đã làm gì cho công ty, mang lại bao nhiêu lợi nhuận cho họ. Liệu bạn có thể tiếp tục được hưởng chế độ bảo hiểm nhân thọ nữa hay không, các chính sách về y tế, thưởng phạt cho con cái và gia đình bạn trong bao lâu kể từ khi bạn chính thức nghỉ việc… Đó mới là điều quan trọng.
Nhắc nhở các nhà lãnh đạo
Hãy luôn nhắc nhở họ về những đóng góp của bạn cho công ty trong suốt thời gian làm việc. Có như vậy bạn sẽ được hưởng xứng đáng quyền lợi của mình khi nghỉ việc.
Không nên qua cầu rút ván
Tuyệt đối đừng đe dọa ông chủ của bạn rằng bạn sẽ kiện ông ta ra tòa hay thông báo cho các cơ quan chính quyền, các phương tiện thông tin đại chúng,… Ông chủ của bạn có thể tức điên lên và sẵn sàng làm bất cứ việc gì, miễn là “đuổi cổ” được bạn ra khỏi công ty. Người chịu thiệt cuối cùng vẫn là bạn. Và nên nhớ rằng bạn còn phải đi tìm việc ở nơi khác nữa, ý kiến của ông chủ cũ vô cùng quan trọng.
Quyết đoán
Hãy thật dứt khoát khi thông báo cho công ty biết bạn cần điều kiện gì khi nghỉ việc. Cương quyết, không nhún nhường và ngẩng cao đầu, để ông chủ phải cảm thấy ân hận về quyết định của mình.
Thuê luật sư
Nếu vụ việc nhỏ hoặc lý do cho thôi việc là chính đáng, bạn không cần phải gọi luật sư bởi chi phí thường rất đắt đỏ. Nếu bạn đang làm việc cho một công ty đa quốc gia và khả năng được nhận đền bù của bạn là rất lớn thì bạn nên thuê luật sư riêng để đảm bảo rằng bạn không bị thiệt thòi. Thông thường thì chỉ sau khi bạn đã trực tiếp đàm phán và phía công ty không thông qua thì lúc này mới cần đến các vị luật sư.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :