Game developer - nghề vừa làm vừa chơi
Lượt xem: 15,260GD không chỉ là vẽ đồ họa 2D, 3D mà còn làm quản lý dự án, phát triển ý tưởng, thiết kế kịch bản trò chơi, màn chơi (video game designer), lập trình và người chuyên chơi để tìm lỗi của game (game tester).
Bước chân vào phòng máy của các công ty như Gameloft VN, GlassEgg, Sáng Tạo… các bạn trẻ thích game sẽ bị “choáng” bởi những giàn máy hiện đại, những đồ chơi tân kỳ nhất, những trò mới nhất… Trên bàn làm việc của một nhân viên Gameloft, ngoài máy tính còn có hai, ba chiếc điện thoại cầm tay.
Giám đốc sản xuất Phùng Việt Hưng cho biết: “Chúng tôi làm nhiều game cho điện thoại di động, nên hầu hết nhân viên thường xuyên chơi game để test (thử nghiệm) những cái mình vừa làm, hoặc tìm cảm hứng sáng tạo mới”.
Anh Trần Minh Thông, một GD đã làm cho Sáng Tạo bảy năm nay kể lại cảm giác thích thú của mình: “Chúng tôi làm xong phần đồ hoạ game đua xe Burnout Revenge và cảm thấy rất ưng ý. Thế rồi mới đây game này được tung ra thị trường, mọi người vào chơi bàn tán đây xe này của tôi vẽ, xe kia do anh làm… thấy khoái gì đâu!”.
Minh Thông tốt nghiệp ngành multimedia trường Hoa Sen, đang là GD chủ lực của công ty. “Chúng tôi làm việc rất thoải mái về giờ giấc, bất kỳ lúc nào cảm thấy thích là làm, miễn sao đảm bảo công việc. Làm thấy mỏi mệt thì chơi game để tìm cảm hứng”, anh nói.
Nếu Sáng Tạo, GlassEgg chuyên về gia công đồ hoạ cho game, thì với Gameloft, số GD lên tới gần 220 người và làm game từ A tới Z. Họ đều rất trẻ, khoảng 23-27 tuổi, tốt nghiệp các trường NIIT, Mỹ thuật, ĐH Mở bán công, ĐH Kinh tế…
Hiện nay các công ty game đều có nhu cầu tuyển GD và thường xuyên nhận hồ sơ tìm việc. Việt Hưng cho biết mỗi tháng Gameloft tuyển chừng 10-15 lập trình game, 20 tester nhưng thường là cung không đủ cầu. Quy trình tuyển dụng chung của các công ty là ứng viên nộp hồ sơ, qua được vòng hồ sơ sẽ làm các bài test kỹ thuật liên quan từng lĩnh vực. Những người qua vòng test sẽ được phỏng vấn để tuyển dụng chính thức.
Các công ty không tiết lộ mức lương, nhưng theo Phùng Việt Hưng, thu nhập của GD thường cao hơn so với công việc làm phần mềm thông thường. “Mức lương khởi điểm của một GD có thể là 5-6 triệu đồng/tháng”, Giám đốc sản xuất Ung Hoàng Việt của Sáng Tạo cho biết. Còn theo một nhà quản lý khác: “Người ta chia công việc của GD theo các mức thấp (junior), cao (senior) và hơn nữa (lead senior), và lương cao có thể là 15 triệu đồng/tháng trở lên”.
GD là một nghề mang tính tự học nhiều, rồi tùy theo điều kiện làm việc từng công ty mà tay nghề nâng cao. Đối với người làm đồ họa, những phần mềm 3D, 2D phụ trợ là cái cơ bản phải có. Đối với tester, ứng viên được tuyển dụng sẽ được đào tạo về qui trình kiểm lỗi và quản lý chất lượng để trở thành một người thử game chuyên nghiệp. Nhưng quan trọng nhất là đam mê sáng tạo.
“Tất nhiên là nghề nào cũng cần đam mê, nhưng với GD, dù làm việc nhiều nhưng bạn luôn phải ở trong trạng thái phấn khích thì mới theo được. Có những GD suốt ngày cứ vẽ xe hơi nên đâm chán rồi bỏ việc”, Minh Thông cho biết. “Sáng tạo cũng là điểm mà nhiều GD của chúng ta còn thiếu, trong khi về kỹ thuật chúng ta không thua kém các nước khác", theo lời Ung Hoàng Việt. "Người sáng tạo sẽ ít bị ảnh hưởng, bắt chước các game khác. Game mới thịnh hành ở VN gần đây và đang hình thành nên một lớp người đam mê mới còn rất trẻ. Tôi nghĩ một thời gian nữa VN sẽ có một thế hệ GD mới trình độ hơn hẳn so với bây giờ”.
Khoảng một năm trở lại đây, thế giới đang phát triển loại game mới: cho phép người chơi được “chế biến” game, tạo sự tương tác giữa họ và trò chơi. Ví dụ khi chơi đua xe, game thủ có thể “độ” chiếc xe theo cách mình thích sao cho độc đáo hơn, chạy nhanh hơn chẳng hạn. Và như vậy vùng “tung hoành” cho các GD là rộng lớn vô cùng, tất cả chỉ phụ thuộc vào tài năng và đam mê sáng tạo của họ.