“Giải mã” ngôn từ trong bản mô tả công việc
Lượt xem: 14,509Dưới đây là những cụm từ thường được sử dụng trong bản tin tuyển việc và cách “ giải mã” ý nghĩa thực sự của chúng:
“ Nhiều cơ hội phát triển”
Cụm từ này thường được các công ty mới thành lập với khát vọng lớn nhưng ngân sách hạn hẹp sử dụng. Điều họ không muốn nói trực tiếp với bạn là họ muốn bạn làm việc với khoản tiền lương ít ỏi để đổi lấy “ cơ hội phát triển”. Bạn có thể phải làm việc vất vả cả vào cuối tuần.
Hãy cảnh giác với những cụm từ như thế bằng cách đảm bảo rằng đây là công ty bạn thực sự muốn gắn bó và dù không phải là công việc hoàn hảo nhưng bạn vẫn muốn thử thách. Hãy tìm hiểu kĩ lưỡng về công ty trước khi quyết định bởi suy cho cùng, những cơ hội phát triển lâu dài sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu bạn cảm thấy mệt mỏi sau vài tuần làm việc hoặc công ty sắp phá sản.
“ Thời gian làm việc linh hoạt”
Đây cũng là một cụm từ phổ biến của những công mới và nhỏ. Nó có nghĩa là bạn có thể phải làm việc vào cuối tuần, thức đêm hay chỉ có một tiếng đồng hồ để chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng. Tóm lại, nhà tuyển dụng không có ý “ linh hoạt” với lịch trình làm việc của bạn mà bạn phải “ linh hoạt” với điều kiện của họ.
Để tránh hiểu lầm khi bạn bắt đầu vào làm việc, hãy hỏi nhà tuyển dụng hoặc đề cập tới vấn đề này trong cuộc phỏng vấn.
“ Có khả năng xác định và giải quyết vấn đề”
Hiểu một cách đơn giản và thực tế, cụm từ trên có nghĩa là “ Công ty này đang rối loạn và chúng tôi hi vọng bạn có thể giải quyết vấn đề”. Một số ứng viên cảm thấy sự hấp dẫn của tình trạng lộn xộn hiện tại sẽ hăng hái gửi hồ sơ xin việc và tìm ra hàng đống giải pháp để giúp công ty. Nếu là người ưa thách thức, bạn có thể làm như vậy. Còn nếu không muốn làm việc cho một công ty có nhiều rắc rối, bạn nên tiếp tục quá trình tìm việc.
“ Sẵn sàng làm việc độc lập”
Rõ ràng là ai cũng muốn có quyền tự chủ trong công việc mà không bị ai nhòm ngó, sai khiến. Tuy nhiên, đôi khi cụm từ “ Sẵn sàng làm việc độc lập” lại ám chỉ tới sự lãnh đạo rời rạc, thiếu kết nối trong công ty nên người ở vị trí này phải làm việc mà không có sự hướng dẫn, chỉ bảo từ cấp trên.
Nếu bạn tham gia cuộc phỏng vấn với sếp tiềm năng của mình, hãy cố gắng để ý xem anh/ cô ấy có phải là người có trách nhiệm với công việc hàng ngày. Được tự chủ trong công việc là một điều thuận lợi nhưng đôi khi bạn cần sự giám sát, hướng dẫn cũng như sự khích lệ, động viên của sếp để tiến xa hơn trong sự nghiệp.