Giải "Sao vàng đất Việt" cho một thương hiệu Nhật?

Lượt xem: 12,976

38 tuổi, ông chủ của một thương hiệu Việt mang tên và phong cách Nhật Bản, Đậu Mạnh Hùng đã “đánh liều” gây dựng nó bởi không kiềm chế nổi “máu” kinh doanh.

Người ta bắt đầu thực sự chú ý và tò mò về Hùng sau khi anh cùng Công ty Cổ phần Nikko Việt Nam nhận giải “Sao vàng đất Việt” dành cho các doanh nhân và doanh nghiệp trong nước. Tại sao một doanh nghiệp Nhật Bản lại được nhận giải thưởng này? Nói chuyện với vị giám đốc trẻ này, hóa ra câu chuyện không đơn giản như thế.

"Một dại khờ…"

Từ bé Hùng đã có máu kinh doanh, đến khi vào học Đại học Ngoại thương Hà Nội, cái máu kinh doanh ấy càng có cơ hội lớn lên khi rất nhiều bạn bè trong trường cũng đã kinh doanh và khá nhiều người thành đạt, dù chưa phải là công to việc lớn gì.

Hết kỳ thực tập tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cậu sinh viên Đậu Mạnh Hùng được đặc cách nhận vào làm việc tại Ban Quan hệ Quốc tế của cơ quan đại diện cho khối doanh nghiệp cả nước này.

Bảy năm làm việc tại đây, những kiến thức, những kinh nghiệm trong kinh doanh ngày càng đốt cháy ham muốn trở thành một doanh nhân của Hùng.

“Thú thực, mình không thể chịu đựng nổi khi biết rằng mình chưa làm một việc gì gọi là kinh doanh. Do đó, trong khi làm việc, mình đã cùng các thầy và đồng nghiệp trong Ban Quan hệ Quốc tế, sau này mình chuyển sang làm ở Ban Tư vấn, thực hiện khá nhiều ý tưởng được cho là táo bạo. Tất nhiên, thành công có mà thất bại cũng có, nhưng tất cả đều đem lại cho mình một thứ quý giá là hiểu biết và kinh nghiệm”, Đậu Mạnh Hùng giãi bày.

Lần kinh doanh đầu tiên của Hùng cũng là ý tưởng mà đến nay chưa thấy xuất hiện tại Việt Nam: Sản xuất máy… đánh giầy.

“Hồi ấy, dự án máy đánh giầy của mình được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, vì kỹ thuật khi đó không cho phép nên những chi phí bỏ ra đành phải tự coi là… học phí”, Hùng kể.

Ra được 200 sản phẩm, cũng có bán được vài chục cái, nhưng rồi do tìm chất liệu lông lau, đánh bóng xi không nổi nên chất lượng thiếu độ bền. Số sản phẩm còn lại đành đem đi tặng anh em, bạn bè.

Việc thứ hai Hùng cùng đồng nghiệp trong VCCI thực hiện là lên dự án sản xuất bao da máy điện thoại. Song do dự án khá lớn nên Hùng đành phải kéo dài và chờ đợi nó đến tận sau này.

Bước ngoặt lớn của anh để thành Tổng giám đốc Đậu Mạnh Hùng ngày nay chính là khi anh có một quyết định mà khá nhiều người, nhất là người thân trong gia đình gọi là dại khờ: Rời khỏi vị trí làm việc mơ ước của biết bao nhiêu người tại VCCI để bước ra thương trường.

Năm 1998, Công ty Tân Đại Việt được thành lập và hoạt động với việc tiếp tục dự án sản xuất bao da điện thoại mà vị giám đốc trẻ đã theo đuổi từ khi còn là một anh “cán bộ” và làm thêm công việc là phân phối sản phẩm điện thoại Alcatel.

Quyết định lớn

Tuy nhiên, sau một thời gian thì Hùng và Công ty Tân Đại Việt cũng vấp phải một số khó khăn mà anh cho là “bình thường” khi dự án bao da điện thoại không thành công, đồng thời sản phẩm điện thoại Alcatel do công ty cung cấp cũng bị đổ vỡ.

Song có lẽ đó dường như cũng là một may mắn. Ngay sau thời điểm ấy, một doanh nghiệp tư nhân chuyên về sản phẩm điều hòa, tủ lạnh của Nhật Bản đề nghị hợp tác. Đậu Mạnh Hùng đã có một “quyết định lớn” là không làm nhà phân phối, không trở thành thành viên của công ty này mà mua hẳn công nghệ cùng thương hiệu của họ để biến nó trở thành cái của mình.

Đây chính là điều khiến không ít người thắc mắc và cũng là nguyên nhân tạo nên sự lạ khi thương hiệu Nikko - một cái tên Nhật Bản - lại là một thương hiệu Việt.

Anh giải thích, Tân Đại Việt mua được công nghệ và thương hiệu này chính là bởi khi đó Nikko Nhật Bản chỉ là một doanh nghiệp tư nhân của một địa phương. Nếu là một doanh nghiệp, một tập đoàn và là thương hiệu lớn thì hợp đồng mua bán này không bao giờ có thể xảy ra, ít nhất là theo quy luật trên thương trường.

Lẽ thứ hai, theo anh là nếu trở thành nhà phân phối khi liên doanh, dần dần có thể sẽ bị “nuốt chửng” để doanh nghiệp ấy biến thành một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, hoặc thực tế anh sẽ chỉ là người làm thuê. Và anh đã quyết định “mua đứt” rồi phát triển nó thành của riêng mình.

Thương hiệu Việt mang phong cách Nhật

Sau một thời gian làm ăn không được suôn sẻ, Tổng giám đốc Đậu Mạnh Hùng đã đưa ra một quyết định là bỏ hết những công việc khác để tập trung cho các dòng sản phẩm Nikko. Việc đầu tiên, anh quyết định đổi tên Tân Đại Việt thành Công ty Cổ phần Nikko Việt Nam.

Theo anh, đó cũng chính là một lợi thế trong kinh doanh khi sản phẩm và doanh nghiệp được mang cái tên Nhật Bản, ít nhất cũng có thể lấy đó làm mục tiêu cạnh tranh với các thương hiệu Nhật khác.

Ông chủ trẻ giãi bày, quyết định được như thế đã là khó, còn cái khó hơn chính là làm sao phát triển đúng tầm của quyết định ấy và đặc biệt là tránh được trường hợp khách hàng hụt hẫng khi nhận ra kiểu đầu voi đuôi chuột nếu chất lượng tồi.

Và thế là, anh đã lên đường sang Nhật Bản để học hỏi mọi thứ anh coi là đáng để học hỏi. Sau vài chuyến đi, anh đã đưa ra được slogan khá ấn tượng đồng thời cũng là kim chỉ nam trong hoạt động, kinh doanh của công ty: “Mang phong cách Nhật đến Việt Nam”. “Phong cách ấy tối thiểu phải thể hiện được ở văn hóa doanh nghiệp, ở chính sản phẩm đồng thời phải được bắt đầu ngay từ bản thân kẻ cầm chịch, đó mới tạm coi là chấp nhận được”, anh nói.

Chính những quyết tâm đó của ông chủ đã làm “đòn bẩy” cho hoạt động và những quyết định táo bạo của công ty.

Đậu Mạnh Hùng thừa nhận, các dòng sản phẩm của Nikko chưa phải là hoàn hảo và anh cũng chưa dám khẳng định sự hơn thua so với các dòng sản phẩm của những doanh nghiệp cạnh tranh như LG, Sanyo, Sony… Tuy nhiên, có một điều anh dám đảm bảo cho quyết định về thời gian bảo hành 3-5 năm, hơn hẳn so với các đối thủ khác trong khi giá “mềm” hơn là chất lượng sản phẩm và hoạt động chăm sóc khách hàng của hơn 400 đại lý trên cả nước.

Với những thành công đáng ghi nhận, vị Tổng giám đốc trẻ đồng thời kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nikko Việt Nam đã đưa ra một quan điểm và cũng kinh nghiệm “xương máu” trong thương trường là dám làm, dám chấp nhận:

“Có doanh nghiệp đang trên đà “lên như diều” bỗng một loạt hàng bị hỏng và bị trả lại. Đại lý tẩy chay. Giám đốc, nhân viên đôn đáo khắp nơi bê máy về..., tưởng như phá sản đến nơi. Nếu trong thời khắc đó, một chút mất phương hướng, một quyết định sai có thể sẽ xóa tên một doanh nghiệp, cũng có nghĩa là chấm hết sự nghiệp của một doanh nhân".

Bài viết khác

Khám phá các chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEFL, TOEIC và Cambridge. Cùng CareerViet tìm hiểu đặc điểm, mục đích và cách chọn chứng chỉ phù hợp với nhu cầu.

Xem thêm

Interior Design là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong ngành xây dựng - nội thất. Vậy Interior Design là gì? Hãy tìm hiểu qua bài viết của CareerViet nhé!

Xem thêm

Nhân sự là gì? Cùng khám phá ngay khái niệm nhân sự, việc làm nhân sự, tiền lương và tính cách phù hợp để trở thành chuyên viên nhân sự nhé!

Xem thêm

PR là gì? Hay PR là viết tắt của từ gì? Vai trò và các loại hình PR phổ biến hiện nay? Cùng CareerViet tham khảo ngay qua bài viết này để hiểu rõ hơn nhé!

Xem thêm

Bạn muốn tìm hiểu về ngành Animation? Bài viết này sẽ giới thiệu chi tiết về animation là gì, từ định nghĩa cơ bản đến những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.

Xem thêm

Mockup là cầu nối giữa ý tưởng và thực tế. Tìm hiểu mockup là gì, vai trò của mockup trong thiết kết tại sao mockup lại là công cụ không thể thiếu của designers

Xem thêm
Gửi tôi việc làm tương tự
Tạo ngay