Giúp bạn nhanh hòa đồng với công ty mới
Lượt xem: 15,699Sau bao ngày cố gắng, nỗ lực và chờ đợi cuối cùng bạn cũng đã được nhận vào làm việc tại một công ty mới. Môi trường, đồng nghiệp mới sẽ làm bạn cảm thấy bỡ ngỡ trong những ngày đầu tiên bước chân đến công ty. Vậy làm thế nào để có thể nhanh chóng hòa đồng trong một tập thể như vậy, dưới đây là một số gợi ý giúp bạn có thể phần nào giải quyết được thắc mắc trên.
Bước 1: Chuẩn bị tốt mọi kiến thức liên quan đến công ty
Thật bất lợi cho nhân viên mới khi không chịu tìm hiểu thông tin về công ty cũng như về phòng ban nơi bản thân họ sắp đến làm việc. Là một nhân viên mới, việc đầu tiên cần làm là bạn nên thu thập tất cả những tài liệu liên quan đến công ty của mình. Ví dụ: Công ty hoạt động như thế nào, giám đốc là ai, được thành lập từ năm nào, thành tích ra sao vv và vv…Nếu như bạn từ một công ty khác chuyển sang thì nên bỏ những thói quen không tốt như: hay đi làm muộn, lạm dụng giờ làm việc để làm việc riêng vv…Hãy nêu cao tinh thần: Sẽ cống hiến lâu dài cho công ty mới.
Bước 2: Ngày thứ nhất
Việc đầu tiên cần làm là chọn cho mình một bộ trang phục hợp với hoàn cảnh công việc mới của bản thân. Ví dụ, không nên ăn mặc quá cầu kỳ và diêm dúa khi mọi đồng nghiệp khác đều rất giản dị trong chuyện ăn mặc.
Khi bước vào công ty, bước chào hỏi cũng vô cùng quan trọng. Không nên chào hỏi quá vồn vã, thân mật khi bạn chưa từng gặp những người sẽ là đồng nghiệp mới của bạn. Như vậy, họ nghĩ bạn là người không đứng đắn và cơ hội. Chỉ nên chào hỏi một cách lễ phép với mọi người đồng thời biểu thị thái độ vui vẻ và sẵn sàng hợp tác làm việc với họ.
Bước 3: Ngày thứ hai
Phải nên nhớ rằng khi đã bước sang ngày làm việc thứ hai, tên mọi người và chức vụ những nhân viên trong phòng cơ bản bạn phải nắm rõ. Không nên chỉ nhớ tên người này mà lại quên tên người khác, như vậy là không tôn trọng họ. Hơn nữa, khi ngày làm việc thứ hai bắt đầu, bạn cũng nên tìm hiểu rõ hơn về không khí làm việc và nội dung công việc của mình.
Đối với những vấn đề chưa hiểu hoặc không biết bạn phải hỏi một cách trực tiếp, không nên cố tình tỏ ra mọi việc mình đều có thể làm được. Nếu như người được giao trách nhiệm giúp đỡ nghiệp vụ cho bạn là một người trẻ hơn thì bạn cũng phải luôn tỏ ra tôn trọng họ. Dù sao đây cũng là những người có nhiều kinh nghiệm và thâm niên làm việc nhiều hơn bạn. Đồng thời khi làm việc bạn cũng phải luôn chứng tỏ tinh thần làm việc thực sự cầu thị của mình.
Bước 4: Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7
Trong những ngày này, nội dung công việc, những thao tác sử dụng máy tính( đối với những người lần đầu đi làm) cũng phải dần dần thành thạo. Nếu trong thời gian này bạn vẫn chưa quen lắm với công việc của mình mà vẫn cần sự giúp đỡ của người khác thì cũng nên học hỏi thêm từ những đồng nghiệp khác. Không nên ngại mà giấu giếm kiến thức của mình. Nói chung, khi bước vào công ty mới, bạn cũng được dành một khoảng thời gian tương đối để học hỏi và thu thập kiến thức làm việc. Phải biết tận dụng khoảng thời gian này để giúp ích cho công việc hiện tại và sau này của mình.
Bước 5: Tuần thứ 2
Khi đã nắm rõ và khá chi tiết kiến thức và yêu cầu của công việc thì bạn nên làm việc với một thái độ tận tụy và chăm chỉ. Không một vị sếp hay đồng nghiệp nào lại tỏ ra hoan nghênh đối với một nhân viên mới mà còn lười biếng. Nếu như bạn muốn tìm hiểu rộng hơn nữa về lĩnh vực cần quan tâm thì có thể thẳng thắn học hỏi từ những đồng nghiệp khác.
Tuy nhiên trong giai đoạn mới này, bạn không nên làm việc hoặc yêu cầu vượt quá những gì công ty đã giao phó. Nếu như vậy, chắc chắn đồng nghiệp xung quanh sẽ dị nghị, họ cho rằng bạn quá kiêu ngạo hoặc muốn hơn người. Đừng nên làm mất lòng những đồng nghiệp của mình ngay từ những buổi đầu làm việc. Như vậy sẽ không có lợi cho công việc của bạn sau này.
Bước 6: Sau 4 tháng
Thời gian học hỏi đã qua đi, khi này bạn nên độc lập theo đuổi mục tiêu công việc của mình. Nên nhìn nhận lại những thiếu sót và khuyết điểm trong công việc cũng như trong quan hệ với đồng nghiệp và cấp trên ở những tháng đầu khi bắt tay vào công việc. Bạn sẽ rút ra được những bài học và kinh nghiệm thực tiễn, có ích rất nhiều cho công việc hiện tại của mình.