Greenspan - Nhà quản lý tiền huyền thoại
Lượt xem: 15,803Không còn nghi ngờ gì nữa, Alan Greenspan chính là nhà quản lý tiền vĩ đại. Ông được coi là người có quyền lực cao nhất nước Mỹ bên cạnh Tổng thống.
Sự tăng trưởng cao và rất ổn định của kinh tế Mỹ, đặc biệt trong những năm 90 có công rất lớn của Alan Greenspan với vai trò quản lý vĩ mô.
Đối với kinh tế thế giới, thậm chí Alan Greenspan còn được các nhà kinh tế thừa nhận là người đàn ông có quyền uy lớn nhất thế giới. Chỉ riêng với việc 4 nhiệm kỳ liên tiếp làm Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), Alan Greenspan đã xứng đáng là một huyền thoại trong giới các nhà quản lý và điều hành chính sách tiền tệ. Ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng danh giá, trong đó đặc biệt nhất là giải thưởng Thomas Jefferson Award năm 1976.
Gần hai chục năm là người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Alan Greenspan đã trở thành một tượng đài khổng lồ. Tên tuổi của ông đã gắn liền với những nỗ lực có tính kỳ tích của FED khi kiểm soát được lạm phát ở mức thấp kỷ lục trong thời gian dài. Tuy vẫn có những thời điểm khó khăn nhưng nhìn toàn cục nói chung trong suốt thời gian Alan Greenspan làm Chủ tịch FED cho đến nay, kinh tế Mỹ đã trải qua một thời kỳ tăng trưởng rất dài và ổn định, bất chấp thường xuyên có những diễn biến phức tạp trên thế giới.
Số liệu thống kê cho thấy, từ khi Alan Greenspan nhậm chức năm 1987, kinh tế Mỹ đã có 3 chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ và chỉ có 2 lần ngưng trệ ngắn ngủi. Cùng với tăng trưởng kinh tế là 27 triệu việc làm mới được tạo ra. Đó là những con số mà các nước công nghiệp phát triển ở Tây Âu chỉ có nằm mơ.
Alan Greenspan không chỉ nổi tiếng về khả năng chuyên môn tài ba mà còn được khâm phục và ngưỡng mộ bởi ông là một nhà quản lý làm việc không ngừng, không biết mệt mỏi. Nhìn ông, với tác phong nhanh nhẹn, quyết đoán, không một ai lại dám nghĩ rằng chỉ còn ít ngày nữa là ông sang tuổi 80, hơn cả tuổi thất thập cổ lai hy từ lâu. Cũng nếu không vì tuổi tác rất cao như vậy thì chắc chắn Alan Greenspan sẽ còn lãnh đạo FED thêm một nhiệm kỳ nữa. Đó là điều chắc chắn và thực ra không chỉ các chính khách, các nhà kinh tế mà cả các doanh nhân cũng khẳng định như vậy.
Alan Greenspan đã ở đỉnh cao sự nghiêp quản lý tiền của mình trong thời gian rất dài. Việc ông sẽ nghỉ việc vào đầu năm 2006 đã để lại một bài toán khó trong việc tìm kiếm người kế nhiệm ông.
Nỗ lực hết mình để vươn lên đỉnh cao
Alan Greenspan là con trai của một gia đình theo đạo Do Thái. Ông sinh ngày 6 tháng 3 năm1926 tại thành phố New York. Khác với khá nhiều người ở vị trí quyền lực tương tự, Alan Greenspan không phải xuất thân từ gia đình giàu có hay danh giá. Những gì ông đã đạt được là cả một quá trình nỗ lực hết mình của bản thân. Không như nhiều người Do Thai có khả năng kinh doanh buôn bán, gia đình Alan Greenspan chỉ là thợ nghèo. Alan Greenspan lớn lên đúng vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 30 của thế kỷ 20. Rất nhiều doanh nghiệp, công ty phá sản và nhà Greenspan cũng bị vạ lây. Số cổ phiếu ít ỏi mà cha Alan Greenspan mua cũng bị trở thành mớ giấy lộn.
Tuy không phải con nhà khá giả nhưng Alan Greenspan học rất thông minh. Ông nổi tiếng giỏi toán từ nhỏ. Xử lí những con số, giải các bài tính khó là niềm đam mê của Alan. Bên cạnh đó Alan Greenspan còn được biết đến là người rất thích chơi nhạc, đặc biệt nhạc jazz.
Khi còn trẻ, ông đã qua lớp học nhạc tại một trường nhạc. Chắc bây giờ không ai hình dung nổi Alan Greenspan trước kia đã từng kiếm được những đồng tiền đầu tiên của mình từ chơi nhạc rong. Từ hàng chục năm nay, Alan Greenspan thành đạt và nổi tiếng với sự nghiệp quản lý tiền bạc ở cấp độ vĩ mô cao nhất. Đó là một công việc được coi là nặng nề và khô cứng khác hẳn với tính cách của ông thủa niên thiếu. Khi đó Alan Greenspan là một lãng tử chuyên thổi kèn saxophone cho một ban nhạc rong ngoài đường phố.
Tưởng rằng Alan Greenspan sẽ theo nghiệp nghệ sĩ nhưng không, năm 1945, ông đăng ký học chuyên ngành khoa học kinh tế tại trường Tổng hợp New York. Alan Greenspan học giỏi và học rất nhanh. Ông có bằng Bachelor năm 1948, rồi bằng Master năm 1950. Về sau, vào năm 1977 Alan Greenspan còn hoàn thành luận án Tiến sĩ về khoa học kinh tế cũng tại trường Tổng hợp New York.
Bắt đầu sự nghiệp, năm 1950 Alan Greenspan làm chuyên viên tư vấn tài chính cho một công ty đầu tư tại khu Mahattan nổi tiếng. Ba năm sau, khi đã có ít nhiều kinh nghiệm thực tế, Alan Greenspan nhảy ra kinh doanh riêng. Năm 1953, ông cùng với người bạn thân William Townsend thành lập công ty tư vấn doanh nghiệp "Townsend & Greenspan Company".
Năm 1958, đối tác đồng hành Townsend đột ngột chết và Alan Greenspan trực tiếp làm Chủ tịch công ty từ đó. Gần hai mươi năm trực tiếp kinh doanh trên thương trường, Alan Greenspan không chỉ có kiếm được tiền mà ông đã thành danh thực sự. Bằng những nỗ lực phấn đấu không ngừng, ông đã xây dựng cho mình một thương hiệu tư vấn gia cao cấp.
"Townsend & Greenspan Company" trở thành một tập đoàn tư vấn có tiếng còn ông Chủ tịch Alan Greenspan được công nhận là một chuyên gia tư vấn bậc thầy trong các vấn đề kinh tế và kinh doanh. Từ năm 1974 đến năm 1977, Alan Greenspan được mời làm Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh tế quốc gia dưới thời Tổng thống Richard Nixon và ngay sau đó là Tổng thống Gerald Ford.
Bên cạnh những kinh nghiệm kinh doanh trên thương trường, ba năm làm cố vấn kinh tế quốc gia đã giúp cho Alan Greenspan tiếp cận nhiều hơn với lĩnh vực quản lý kinh tế vĩ mô. Từ thời gian này, Alan Greenspan đã bắt đầu có được vị trí và uy tín nhất định trong chính trường, khi phải bàn đến các vấn đề chính sách kinh tế.
Trước khi trở thành Chủ tịch FED, từ năm 1981 đến 1983, dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, Alan Greenspan còn được bổ nhiệm làm Chủ tịch Uỷ ban cải cách an ninh xã hội quốc gia.
Quản lý vĩ mô bằng thực tiễn
Năm 1987, Alan Greenspan được bổ nhiệm làm Chủ tịch FED và trở thành người có quyền uy rất lớn về kinh tế, không chỉ đối với nước Mỹ mà có thể ảnh hưởng đến cả thế giới. Alan Greenspan là con người có bề dầy thực tiễn kinh doanh và do vậy ông giải quyết rất nhiều vấn đề bằng con mắt thực tiễn chứ không hề giáo điều, nặng về lí luận. Vừa mới làm Chủ tịch FED chưa được vài tháng thì Alan Greenspan đã có ngay thử thách đầu tiên với cuộc khủng hoảng trên thị trường chứng khoán cuối năm 1987 và ông đã vượt qua.
Trong khi các nhà quản lý vĩ mô và điều hành chính sách tiền tệ khác bao giờ cũng phải tìm ra cơ sở lí luận cho các quyết định của mình thì Alan Greenspan có triết lí và phong cách hoàn toàn khác. Với ông diễn biến thị trường là quan trọng bậc nhất và thực tế là trên hết. Đã không hiếm lần, khi các nhà kinh tế và cả nhiều nhà khoa học còn tranh luận dữ dội về chính sách này hay giải pháp kia thì Alan Greenspan đã cho ra đời những quyết định rất sớm.
Ông là người rất quyết đoán và tất nhiên phải chịu trách nhiệm về mình. Triết lí điều hành FED thiên về thông tin thực tiễn của Alan Greenspan không phải luôn có sự đồng thuận của các nhà nghiên cứu kinh tế nhưng giới kinh doanh tài chính trên thị trường Mỹ và cả thị trường thế giới rất hâm mộ ông.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ là cơ quan được độc lập và cũng có truyền thống độc lập rất cao với Chính phủ. Dưới thời lãnh đạo của Alan Greenspan, FED đã lại khẳng định một cách thuyết phục và mạnh mẽ về sự độc lập cần thiết của cơ quan quản lý tiền tệ quốc gia đối với chính phủ.
Ở vị trí Chủ tịch FED, Alan Greenspan đã trải qua tới 4 đời Tổng thống Mỹ. Những vị Tổng thống này từ Ronald Reagan, George Bush cha đến Bill Clinton và Bush con dù có những quan điểm chính trị và cả kinh tế khác nhau nhưng vẫn phải chấp nhận Alan Greenspan và đường lối quản lý, chính sách tiền tệ của ông. Không phải thời kỳ nào mà cả hai đảng đối lập Cộng hoà và Dân chủ đều có sự tin tưởng rất cao vào những quyết sách về chính sách tiền tệ và quản lý kinh tế vĩ mô của Alan Greenspan.
Mọi người còn nhớ, mặc dù mới được bổ nhiệm làm Chủ tịch FED chưa lâu, nhưng đã có lần năm 1989 Alan Greenspan vẫn kiên quyết thực hiện chính sách lãi suất của mình bất chấp sự phản đối công khai của Tổng thống George Bush.
Đánh giá về Alan Greenspan, các nhà nghiên cứu tiền tệ hàng đầu như Allan Meltzer và nhiều nhà kinh tế học nổi tiếng khác như Ricardo Reis hay Blinder cũng đã phải ngạc nhiên và khâm phục khả năng cảm nhận tinh tế của Alan Greenspan khi ông ra các quyết định về tiền tệ. Thậm chí Allan Meltzer khẳng định một cách tuyệt đối "Alan Greenspan rõ ràng là Chủ tịch FED xuất sắc nhất của Mỹ trong mọi thời đại".
Điều hành chính sách tiền tệ là một nghệ thuật
Alan Greenspan rất thích các con số từ nhỏ nhưng đó phải là những con số của thực tế thị trường chứ không phải là của mô hình này, giả định kia. Ông được đánh giá là người thiên hướng với chủ nghĩa thực nghiệm. Căn cứ đầu tiên để đưa ra các quyết định tăng giảm lãi suất hay các biện pháp điều hành khác phải là những diễn biến đang xảy ra trên thị trường. Thậm chí Alan Greenspan đã có lần cho dừng một cuộc họp chính thức của Hội đồng Thống đốc FED chỉ để ngồi nghe các thông tin nóng hổi của thị trường tài chính và tiền tệ chuyển về.
Thông thường khi nói tới quản lý vĩ mô và điều hành chính sách tiền tệ người ta hay nói về một trường phái hay phương pháp nào đó đã được xây dựng thành học thuyết. Thế nhưng rất nhiều chuyên gia khẳng định rằng Alan Greenspan không hề theo đuổi một chiến lược cụ thể nào, và lại càng không dựa vào bài bản sẵn có nào. Thế nhưng ông lại vẫn rất thành công.
Đây chính là câu hỏi chưa có lời giải thoả đáng về trường hợp của Alan Greenspan. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi Alan Greenspan còn được gọi là ảo thuật gia trong lĩnh vực điều hành chính sách tiền tệ. Alan Greenspan thường rất quyết đoán đưa ra những quyết định mạnh mẽ mà không cần có những giải trình mang tính lí luận làm cơ sở. Một lần nữa khi phân tích thời kinh tế hoàng kim của Mỹ vào những năm 90 của thế kỷ 20, người ta lại càng ngạc nhiên và khâm phục Alan Greenspan trước thực tế tăng trưởng cao, nhiều việc làm mà không bị lạm phát.
Mặt bằng lãi suất ở Mỹ được duy trì rất thấp, thấp hơn hẳn 2% so với châu Âu, trong khi kinh tế vẫn tăng trưởng từ 3,5% đến 4%. Trong năm 2005, tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là giá dầu mỏ lên quá nhanh và bất ngờ nhưng Alan Greenspan đã tỏ ra là một bậc thầy trong sử dụng công cụ lãi suất của FED trước những tình huống như vậy. Tổng cộng tính đến 1/11, trong cả năm 2005 FED đã tăng lãi suất 6 lần liên tục.
Thế nhưng chưa có dấu hiệu của gia tăng đột biến lạm phát, đồng Đôla vẫn ổn định và kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng. Với nhiều người đó là cả một nghệ thuật mà không dễ gì học được ở Alan Greenspan nhà quản lý tiền huyền thoại này.