Hãy biết ơn những trắc trở từng gặp trong sự nghiệp!
Lượt xem: 39,548Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Giáo sư, nhà tâm lý học người Mỹ Robert Emmons đã nói rằng: “Thật dễ dàng cảm thấy biết ơn khi cuộc sống tốt đẹp. Nhưng khi những thảm hoạ xảy ra, lòng biết ơn là giá trị của sự nỗ lực”. Thái độ biết ơn không chỉ có ích trong tình huống thử thách mà nó còn là phẩm chất quý giá giúp con người tiếp tục đứng vững và phát triển. Khi bị mất tinh thần, lòng biết ơn có sức mạnh tiếp thêm sinh lực. Khi đối mặt với sự tan vỡ, lòng biết ơn có tác dụng chữa lành. Trước sự tuyệt vọng, lòng biết ơn mang lại thêm hi vọng. Nói cách khác, nó có thể giúp chúng ta đối phó và vượt qua những ngày khó khăn.
Tất nhiên, lòng biết ơn không tự nhiên mà đến hoặc dễ dàng có được khi bạn đang trong các cuộc khủng hoảng. Chẳng ai lại thấy vui mừng hay biết ơn khi bị mất việc, đau bệnh hoặc kinh doanh thất bại cả. Nuôi dưỡng lòng biết ơn cần có sự hiểu biết đúng đắn và quá trình tập luyện. Trong đó, quan trọng nhất là phân biệt được cảm giác biết ơn và có lòng biết ơn. Chúng ta không thể điều khiển được hoàn toàn cảm xúc, nên sẽ không dễ dàng cảm thấy biết ơn, bớt chán nản hay vui lên trong những hoàn cảnh khó khăn. Nhưng khi đã luyện được lòng biết ơn, lúc này nó là một lựa chọn, là xu hướng phản ứng và hành động của bạn. Thái độ thường trực này sẽ giúp bạn bớt bị choáng ngộp bởi các tình huống tạm thời, không sa sút tinh thần và trở nên quá bi quan. Viễn cảnh có được lòng biết ơn thực sự khó đạt tới, nhưng theo các nghiên cứu của chuyên gia tâm lý Robert Emmons thì rất đáng để bạn nỗ lực.
Khi đã hiểu về giá trị của lòng biết ơn, hãy cùng CareerViet.vn xem 5 lợi ích mà những trắc trở trong sự nghiệp sẽ mang lại cho bạn khi bạn có lòng biết ơn nhé!
1. THẤT BẠI LÀ CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN THÀNH CÔNG
Hãy nghĩ về những người hùng trong các lĩnh vực kinh doanh, nghệ thuật và đổi mới. Họ thường có điểm chung gì? Hầu hết đều thất bại, ở một mức độ khá nặng nề, trước khi chạm đến thành công. Gặt hái thành công mà không gặp rủi ro hay nguy cơ thất bại là điều bất khả thi. Hãy cứ thường xuyên đặt mục tiêu lớn, dù biết rằng đôi ba lần sau đó bạn sẽ không thể đạt được kế hoạch đề ra. Bởi điều tốt là thất bại xây dựng nền tảng cho thành công.
2. NHỮNG ĐẤU TRANH DẠY BẠN SỰ ĐỒNG CẢM
Hãy suy nghĩ về việc bạn sẽ là ai, nếu cuộc sống của bạn là một chuỗi thành công không ngừng. Chắc chắn, bạn sẽ rất vui vẻ, nhưng lại không hiểu gì về đấu tranh – điều này có nghĩa là bạn đã bỏ lỡ mất một điểm kết nối quan trọng với những người xung quanh. Không có sự đồng cảm, bạn rất khó trở thành lãnh đạo giỏi hoặc một đồng đội hữu ích.
3. SỰ TRÌ HOÃN DẠY BẠN TÍNH KIÊN NHẪN
Tốc độ là một điều rất quan trọng trong bối cảnh kinh doanh ngày nay, nhưng đôi khi, bạn không thể hối thúc được sự hoàn hảo. Bạn sẽ bị buộc phải chờ đợi, để được thăng chức, có một câu trả lời, tìm ra manh mối việc cần làm tiếp theo trong sự nghiệp của mình… Hãy nhắc nhở bản thân rằng kiên nhẫn là đức tính tốt. Hãy suy nghĩ về các cuộc đàm phán lương, thông thường ai đưa ra con số trước sẽ là người thua trong cuộc chiến định giá. Người kiên nhẫn có thể giữ im lặng khi một điều gì đó là lợi ích tốt nhất cho chính họ.
4. LÀM VIỆC VỚI SẾP “DỞ” BẠN SẼ BIẾT ĐIỀU KHÔNG NÊN LÀM
Chỉ đến khi nào bạn làm việc cho một nhà quản lý vi mô (micromanager), một ông chủ thiếu quyết đoán, hoặc một người giám sát thường xuyên hét lên thay vì giao tiếp lịch sự, thì bạn mới hiểu được các tình huống trong công việc có thể tệ đến mức nào. Nếu bị mắc kẹt với một người quản lý kém, hãy thật tập trung chú ý! Họ đang chỉ cho bạn biết đâu là những việc không nên làm trong các nhiệm vụ mà bạn phụ trách.
5. VẬN RỦI NHẮC BẠN PHẢI GIỮ LẬP TRƯỜNG RIÊNG
Người sử dụng lao động dành rất nhiều thời gian và tiền bạc để thuyết phục người lao động rằng hãy làm việc trung thành, gắn bó. Nhưng thực tế nên biết là, đôi khi họ có thể cho bạn thôi việc ngay ngày mai nếu họ nghĩ điều đó mang lại lợi ích tốt nhất cho công ty. Vì thế, nên xem những tình huống ít lý tưởng trong hiện tại của mình như một lời nhắc nhở, hãy đứng về phía bản thân mình trước. Bạn có thể là một đồng đội rất tốt, một nhân viên xuất sắc, một cá nhân tuyệt vời, nhưng vẫn phải nhớ rằng trách nhiệm đầu tiên của bạn là “đối xử tốt” với bản thân và sự nghiệp của mình.
Còn có những điều gì khác bạn cảm thấy biết ơn trong sự nghiệp của mình nữa.CareerViet.vn rất muốn nghe từ bạn, hãy chia sẻ nhé!
Nguồn hình: Freepik