Hãy gan dạ khi làm việc
Lượt xem: 13,615
Hãy quan sát trường hợp Richard Branson. Ai cũng thấy anh ta lúc nào không rong chơi thì bay khinh khí cầu, sống trên sà lan, hay bay đến nước Mỹ. Bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy anh ta bên bàn làm việc, trả lời điện thoại hay soạn thảo công văn. Thế mà đôi khi trong ngày, đó chính là việc anh ta phải làm.
Chỉ đơn giản là ta không nhìn thấy. Do đó, ta nghĩ Richard chỉ là một kẻ lông bông ở chỗ làm việc, một doanh nhân vô lo, vô nghĩ, một người thích giải trí nghịch ngợm. Đó là một hình ảnh tuyệt hảo và dường như anh ta rất hạnh phúc với hình ảnh đó, tại sao lại không cơ chứ?
Đó chính là hình ảnh người tuân thủ luật chơi gan dạ muốn xây dựng: lịch sự, ung dung, thư thái, điềm tĩnh, tự chủ và lạnh lùng. Bạn sẽ không bao giờ bỏ chạy, không hốt hoảng, thậm chí không vội vã. Tất nhiên bạn có thể phải thức đến gần sáng nhưng đừng bao giờ nói ra. Đúng là có thể bạn phải làm trong suốt kỳ nghỉ, ngày cuối tuần nhưng đừng bao giờ để lộ ra, đừng kêu ca là bạn đã phải làm việc vất vả như thế nào hay phải làm thêm bao nhiêu giờ. Đối với những người khác, họ sẽ thấy bạn ung dung, bình thản và vượt qua khó khăn một cách dễ dàng.
Đương nhiên để làm được điều này, bạn phải có khả năng làm tốt công việc của mình. Nếu không, bạn sẽ thất bại khi cố gắng thực hiện quy tắc này vì nó quá sức bạn. Vậy bạn sẽ làm gì nếu mình không phải là một người xuất sắc trong công việc? Bạn hãy chong đèn học, tích luỹ kinh nghiệm và kiến thức, đọc sách, đưa ra thắc mắc, xem lại bài, học miệt mài cho đến khi thấu hiểu công việc đến chân tơ kẽ tóc. Hãy làm điều này trước khi bạn học cách trông chững chạc và thư giãn.
Quy tắc này bao gồm một vài quy tắc khác:
- Không bao giờ xin thêm thời gian để hoàn thành công việc được giao.
- Không bao giờ cần nhờ ai làm hộ: không bao giờ nói việc đó nằm ngoài khả năng của mình. Bạn có thể nhờ hướng dẫn, khuyên bảo, cung cấp thông tin hay xin ý kiến, nhưng đừng bao giờ nhờ họ làm hộ.
- Không bao giờ kêu ca phàn nàn về khối lượng công việc bạn phải làm là quá nhiều.
- Học thái độ quả quyết để không bị quá tải - đây không phải quy tắc hướng dẫn bạn để người khác biết bạn đã làm việc vất vả thế nào. Tuy thế bạn không cần thiết phải làm quá nhiều việc.
- Đừng bao giờ để người khác thấy bạn mệt vã mồ hôi.
- Luôn luôn tìm cách giảm nhẹ khối lượng công việc (tất nhiên là kín đáo) và tìm cách tăng tiến độ công việc.