Hoạ sĩ truyện tranh: Đặt hy vọng vào người trẻ
Lượt xem: 22,675Cho dù không có khả năng của một hoạ sĩ, cơ hội của bạn vẫn còn. Miễn là có một trí tưởng tượng phong phú và khả năng sáng tác kịch bản lôi cuốn. Cộng với sự đam mê và...liều mạng theo đuổi. Năng khiếu hội hoạ. Óc tưởng tượng phong phú. Cảm xúc tinh tế. Và niềm đam mê dẫn đường...Đó là những tố chất để trở thành một hoạ sĩ truyện tranh.
Khởi đầu từ hai bàn tay
Nguyễn Thành Phong, SV ĐH Mỹ thuật Hà Nội tự hoạ theo kiểu manga
“Chúng tôi quen nhau từ 5 năm trước, khi cả hai vừa bước chân vào ngưỡng cửa cấp ba. Nhưng từ khi có kế hoạch vẽ truyện tranh cho đến khi có tác phẩm đầu tay là cả một chặng đường dài.
Tháng 10/2004 khi công ước Bern có hiệu lực tại Việt Nam, những người như chúng tôi mới có thể chính thức nghĩ tới sự khởi đầu. Trước đó, chúng tôi nghiên cứu thị trường truyện tranh Việt Nam, đọc các tài liệu về manga, phác thảo các kịch bản, và cố gắng hình thành một phong cách vẽ riêng so với các hoạ sĩ khác.
Cuối năm 2004, chúng tôi gửi tác phẩm đầu tay đến tạp chí TDDVFC của Phan Thị (lúc ấy đang lừng lẫy với bộ “Thần đồng đất Việt”). Vào thời điểm đó, TDDVFC đang là tạp chí truyện tranh duy nhất tại Việt Nam. Tác phẩm của chúng tôi đã gây sự chú ý. Ngay sau đó, Phan Thị đề nghị chúng tôi hợp tác trong mục “Bán chuyên” nhưng chúng tôi từ chối. Một sự dại dột- nhiều người bảo thế.” Nguyễn Khánh Dương cười.
Chỉ trong một thời gian ngắn, rất ngắn, hai cái tên Nguyễn Thành Phong- Nguyễn Khánh Dương đã trở nên nổi tiếng với các độc giả trẻ của truyện tranh.
Sau bộ “Thần đồng đất Việt” của hoạ sĩ Lê Linh thì tác phẩm của Phong-Dương đã được chấp nhận. Kịch bản truyện hấp dẫn với yếu tố hài hước nhẹ nhàng, phong cách vẽ ngay từ khi mới trình làng đã gây nhiều ngạc nhiên với sự mộc mạc nhưng tinh tế. Từ “Nhi và Tũn”, “Long Thần tướng” đến “Orange” đều có sức lôi cuốn mạnh mẽ, đặc biệt với đối tượng teen- vốn không mấy mặn mà với truyện tranh trong nước. Thành công lớn nhất của Phong – Dương là đã thoát ra khỏi ảnh hưởng của manga (Nhật Bản) gần như đã thành truyền thống trong phong cách vẽ của nhiều nhóm vẽ trẻ ở Việt Nam.
Những người trẻ như Phong Dương và nhiều nhóm vẽ khác như BRO, Clap, DMM..quả thật đã đem lại sự tươi tắn cho nền truyện tranh vốn già cỗi, quá nặng về giáo dục và kém hấp dẫn của Việt Nam. Cho dù đây mới chỉ là những bước khởi đầu. Và cũng là một sự lựa chọn nghề nghiệp đầy mạo hiểm và thú vị: nghề hoạ sĩ truyện tranh.
Không phải đến công ước Bern, người ta mới có đôi chút khái niệm về nghề vẽ truyện tranh. Nhưng với giới trẻ thì trở thành hoạ sĩ truyện tranh vẫn còn là cái gì đó quá xa lạ. Trong khi ở Nhật Bản, hoạ sĩ truyện tranh là một nghề có thể trở thành tỷ phủ, được xã hội tôn trọng.
Dân mỹ thuật ra trường không mấy ai ôm ấp hy vọng đi theo con đường này. Làm hoạ sĩ, nhà thiết kế... thậm chí thất nghiệp đi vẽ panô quảng cáo, nhưng trở thành hoạ sĩ truyện tranh thì...phải xem lại.
Hiện tại mới chỉ có một cơ sở duy nhất đào tạo chính thức trong lĩnh vực này: trường ĐHDL Hồng Bàng (TP.HCM) với chuyên ngành sáng tác truyện tranh mới được thành lập khoảng gần hai năm nay.
Thực tế, các hoạ sĩ trẻ của chúng ta gần như không qua một trường lớp đào tạo chính thức nào về chuyên ngành. Một phần không nhiều là xuất phát từ dân Mỹ thuật, Kiến trúc...Phấn lớn là sáng tác theo cảm tính, theo học một số lớp ngắn hạn do các công ty tư nhân tổ chức và học hỏi các bậc đàn anh.
Mọt hoạ sĩ truyện tranh chuyên nghiệp cần phải biết rất nhiều thứ: một nền tảng hội hoạ căn bản (kỹ thuật vẽ người, vẽ background, phối cảnh...), khả năng sáng tác kịch bản, xử lý tranh qua vi tính và thiết kế bố cục hình ảnh...Cũng gần giống như tạo nên một bộ phim: có khâu đạo diễn, kịch bản, thiết kế, bối cảnh...Nhưng khác là hoạ sĩ truyện tranh có khi phải làm tất mọi việc. Khả năng hội hoạ bằng hoạ sĩ chuyên nghiệp. Khả năng viết kịch bản tương đương dân truyền hình.
Trên thực tế, đòi hỏi ở một người toàn bộ những năng lực ấy là hơi khó. Một thành viên của tạp chí M Heaven nói: “Chúng tôi lập thành các nhóm vẽ để khai thác khả năng của từng người".
Phong- Dương là một ví dụ điển hình cho cách thức làm việc này. Nguyễn Khánh Dương đang là SV khoa Công nghệ thông tin (ĐHSP Hà Nội) phụ trách kịch bản, còn Thành Phong - SV ĐH Mỹ thuật thì lo toàn bộ khâu thực hiện.
Một nhóm vẽ truyện tranh có thể có nhiều thành viên. Do đó, cho dù bạn không có khả năng của một hoạ sĩ, cơ hội của bạn vẫn còn. Miễn là có một trí tưởng tượng phong phú và khả năng sáng tác kịch bản lôi cuốn. Cộng với sự đam mê và...liều mạng theo đuổi.
Sóng gió từ nhiều hướng
Còn đây là Dương
“Chúng tôi chịu áp lực rất lớn từ dư luận. Khi đưa ra một tác phẩm nào đó luôn bị kêu ca là sao mà giống truyện Nhật Bản thế? Họ không hiểu rằng ngay từ khi bắt đầu đã muốn tạo ra một tác phẩm mới lạ không chịu bất kỳ ảnh huởng nào là chuyện không tưởng. Ngay cả Nhật Bản, ban đầu cũng chịu ảnh hưởng của Âu Mỹ. Để tạo ra một phong cách đặc thù, chúng ta – cũng như họ – sẽ phải mất từ 10 năm trở lên.” Kiều Hưng- chủ nhiệm Hội Quán Truyện tranh trẻ miền Bắc nhận xét.
Thị trường truyện tranh Việt Nam, con số thực tế có thể lên tới 6- 8 triệu người. Nhưng lại là một thị trường đã quá quen với những tác phẩm đồ sộ của nước ngoài và cực kỳ khắt khe với những sản phẩm trong nước.
Một trong ba sáng lập viên của trang web Accvn.net (CLB truyện tranh và hoạt hình Việt Nam), Hitori đã bình luận “Nếu như chỉ biết vẽ đẹp thì họ (các nhóm vẽ trẻ) cũng chưa chắc đã sống được. Bởi phần lớn những tác phẩm của họ, đẹp thì có đẹp đấy nhưng cũng giống như bong bóng xà phòng, động một chút là vỡ vụn, không để lại một cái gì cả.”
Cũng trên trang web này, nhiều thành viên đã tỏ ý hoài nghi trước hàng loạt những lời tuyên bố thành lập nhóm vẽ của giới trẻ. “Khả năng ở đâu? Chuyên môn ở đâu? Người đi tiên phong ở đâu? Chính phủ cấp bằng ngành nghề như thế nào? Đào tạo chuyên nghiệp ở đâu? Vẽ như thế nào thì gọi là có tinh thần dân tộc?
Sâm (SV ĐH Sân khấu Điện ảnh - ban điều hành tạp chí truyện tranh MHeaven) từng kể rằng cô và các bạn tham gia xuất bản tạp chí này chủ yếu là do sở thích. “Còn dựa vào nó thì chắc chắn là khó sống được”.
Vậy mà vẫn không thiếu những người đam mê. Như Phong-Dương và nhiều người trẻ khác: “Chúng tôi chỉ mong muốn khắc hoạ cuộc sống Việt Nam, tâm tư Việt Nam đến với bạn đọc qua nét vẽ với tất cả sự trẻ trung, tươi mới của nó. Và trở thành một phần không thể thiếu của truyện tranh VN hiện đại.” Còn có thể trở thành một hoạ sĩ chuyên nghiệp hay không thì xin để thời gian và những nỗ lực tự trả lời.