Học đàm phán lương như học một điệu vũ
Lượt xem: 12,686Tiến lên một bước, lùi lại một bước, bước cùng nhau, và lặp lại những động tác này. Đó là những điều một người thường làm khi khiêu vũ. Và bạn biết không, chúng ta cũng có thể tiếp thu bí quyết đàm phán lương như cách học một điệu nhảy. Cùng CareerViet.vn xem ngay nhé!!
Để thực hiện được điệu nhảy “đàm phán”, bạn phải có ý thức cân bằng tốt. Biết rõ giá trị bản thân sẽ giúp bạn tự tin hơn trong quá trình đàm phán lương. Nhà tuyển dụng dẫn dắt các bước, bạn thực hiện theo, hãy duy trì nhịp điệu! Cần phối hợp di chuyển nhịp nhàng trong suốt quá trình, chú ý không giẫm đạp lên nhau. Điệu vũ này sẽ không bao giờ trở nên gay gắt hay rơi vào tình trạng đối đầu, mà ngược lại sẽ thực sự mượt mà, hài hoà.
ĐẦU TIÊN ÂM NHẠC VANG LÊN
Bạn nên lùi lại một bước và cố gắng trì hoãn cuộc thảo luận này cho đến khi có thêm thông tin cần thiết. Chẳng hạn như là sự phản hồi cho câu hỏi “Anh/chị có thể chia sẻ với tôi phạm vi ngân sách cho vị trí này không?” hoặc là “Công ty thường trả mức lương bao nhiêu cho nhân viên có nền tảng và kinh nghiệm như tôi?”.
Trì hoãn là phương án tốt nhất dành cho mọi ứng viên, ít nhất là đến khi bạn nắm trong tay đủ thông tin giúp ra quyết định. Bằng cách nghiên cứu trước khi dự phỏng vấn hoặc bước vào giai đoạn đàm phán lương, bạn sẽ thấy rất tự tin vì biết rõ giá trị của mình. Tất nhiên vẫn có vài trường hợp cần bạn tiết lộ khoảng lương hoặc mức lương mong đợi, nhưng tốt hơn hết vẫn là chờ phỏng vấn viên dẫn dắt quy trình và đặt vấn đề trước.
Nếu nhà tuyển dụng xác định bạn phù hợp với công việc, họ sẽ đi trước một bước và đưa ra đề nghị. Đây chính là lúc bạn có thể chuyển điệu nhảy sang giai đoạn tiếp theo. Nhưng trước tiên hãy đánh giá gói chi lương bằng cách xem xét kỹ những điều sau đây:
- Tỷ lệ trung bình/thang lương cơ sở
- Những khoản thay thế/bổ sung cho lương như tiền thưởng, hoa hồng, lựa chọn cổ phiếu, chia lợi nhuận,…
- Các quyền lợi: BHXH, BHYT, ngày nghỉ hưởng lương, điều kiện làm việc…
- Các đặc quyền khác như tài trợ phương tiện di chuyển (xe hơi, xe máy…), chi phí học tập và đào tạo nâng cao, máy tính xách tay,…
HÃY ĐỂ ĐIỆU NHẢY BẮT ĐẦU
Bạn có thể gọi cho người quản lý tuyển dụng và nói rằng bạn rất vui mừng khi nhận được lời đề nghị, tuy nhiên vẫn còn vài câu hỏi và mối quan tâm. Kiểm tra cẩn thận và viết sẵn kịch bản đối thoại trước khi những trao đổi về lương diễn ra sẽ giúp giữ vững trạng thái mạnh mẽ và tự tin chia sẻ điều bạn mong muốn.
“Dựa vào kinh nghiệm hơn 8 năm làm việc trong ngành, bằng thạc sĩ (MBA) và khả năng gây quỹ cũng như xây dựng đội ngũ đã được chứng minh thực tế, tôi cảm thấy mức đề nghị ban đầu hơi thấp. Công ty có còn khoảng trống nào cho chút điều chỉnh hay không?”
Để sải bước cùng bạn, nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn đang nhắm đến mục tiêu như thế nào trong đầu. Và bởi vì đã tìm hiểu, luyện tập kỹ lưỡng, bạn biết giá trị của bản thân nên sẽ biết cách “bán mình” dựa trên những điều có thể mang lại cho công ty.
“Thông qua các nghiên cứu đã thực hiện, tôi cho rằng những người có kinh nghiệm và nền tảng chuyên môn như tôi thường có mức lương cao hơn con số mà chúng ta hiện đang thảo luận.”
Hãy giữ nguyên tư thế và đếm nhẩm đến 10. Im lặng là một công cụ mạnh mẽ trong các cuộc đàm phán. Người quản lý tuyển dụng thường sẽ chờ đợi một khoảng lặng rồi sau đó hứa sẽ trở lại với bạn. Nếu họ đồng bộ với các động tác của bạn, tức là bạn đã có một sự thể hiện rất tốt.
NHỮNG BƯỚC CUỐI
Dù cho bạn đang đàm phán để được tăng lương hoặc theo đuổi một số đặc quyền khác, quy tắc đàm phán vẫn nên giữ nguyên. Hãy cứ để nhà tuyển dụng dẫn dắt và tự duy trì cảm giác cân bằng của riêng mình. Bằng cách nghiên cứu, chuẩn bị và luyện tập trước, bạn sẽ thấy mình được trao quyền hơn trong quá trình này, với tư cách là đối tác cùng hoà chung một điệu nhảy. Nhịp điệu của cuộc đàm phán nếu suôn sẻ có thể giúp đôi bên tiến được đến bước cuối cùng là một sự chấp nhận và thoả thuận hợp đồng làm việc.
Nguồn hình: Freepik