Học hỏi và thăng tiến
Lượt xem: 12,945Khi không thể giữ vững một sản phẩm hay dịch vụ nào đó, bạn nên mạnh dạn bỏ nó để gây dựng lại cái mới.
Chắc hẳn các bà nội trợ từng biết đến thương hiệu Mỹ Hảo. Đây là hãng sản xuất nước rửa chén, dầu gội đầu, xà bông, nước hoa (nói chung là mỹ phẩm) dành cho người tiêu dùng bình dân.
Câu chuyện của một hãng mỹ phẩm
Có một dạo, hãng này rơi vào ngõ cụt do bị các hãng mỹ phẩm cao cấp khác cạnh tranh gay gắt.
Thế nhưng, ông chủ của Mỹ Hảo vẫn không bỏ nghề sản xuất hóa mỹ phẩm này.
Ông chỉ thay đổi một số sản phẩm cho phù hợp với thị trường tiêu dùng. Sau một thời gian kiên trì theo đuổi cái nghiệp này, cuối cùng thương hiệu Mỹ Hảo đã có được thành công nhất định.
Đặc biệt, sản phẩm nước rửa chén Mỹ Hảo đã trở thành người bạn thân thiết của nhiều gia đình.
Sự thất bại thường tình trong kinh doanh.
Trên thực tế, những người kinh doanh không phải lúc nào cũng thành công. Đôi lúc, họ gặp thất bại tưởng chừng bỏ cả sự nghiệp.
Tuy nhiên, khi bình tâm lại, họ nhận ra chỉ có một trong nhiều sản phẩm lâm vào thế bí. Và họ không thể vì một mà bỏ đi tất cả.
Trong trường hợp này, chỉ cần mạnh dạn từ bỏ sản phẩm thất bại ấy là ổn.
Tại sao?
Cuộc đời của một nhãn hiệu khi bước ra thương trường lên xuống thất thường. Khi lên tới đỉnh, lúc rơi xuống vực.
Một khi không thể vực dậy, nếu bạn cứ nắm lấy, không khéo sản phẩm ấy lại gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các sản phẩm khác.
Bỏ sản phẩm giữ lấy nghiệp
Mạnh dạn từ bỏ một nhãn hàng là cách lấy lại thăng bằng cho người làm chủ về mặt tài chính, công sức, tâm lý và nhiều thứ khác liên quan.
Tuy nhiên, bạn đừng bao giờ từ bỏ toàn bộ sự nghiệp của mình. Chẳng hạn bạn chuyên kinh doanh vải, có trong tay 3 loại sản phẩm là lụa tơ tằm thiên nhiên nhãn hiệu A, hàng cotton X và thun lạnh W.
Trong 3 sản phẩm ấy, bạn giữ vững được hai thương hiệu, chỉ có mặt hàng thun lạnh là bán không chạy.
Bạn đã có nhiều cuộc cải tổ nhưng vẫn không đưa sản phẩm này đi lên được. Hàng tháng, nó làm thâm thụt một khoản tài chính rất lớn.
Trong trường hợp này, “giải tán” sản phẩm W là con đường đúng đắn. Bạn sẽ tập trung phát triển hai sản phẩm còn lại tốt hơn. Khi có điều kiện, bạn có thể thiết kế sản phẩm mới với thương hiệu mới.
Nhất nghệ tinh nhất thân vinh
Sự nghiệp của bạn là cả một quá trình gây dựng bằng ý chí, sự nỗ lực, tiền bạc, cơ hội, may mắn, chất xám, thời gian, công sức, nhân lực… Để thành công là một chặng đường dài gian nan.
Vì thế, khi đã khẳng định được thương hiệu, bạn phải ra sức giữ lấy nó. Nếu nóng vội nhảy sang một lĩnh vực khác, bạn sẽ chẳng bao giờ có được sự nghiệp bền vững.