Học lực không còn là tất cả
Lượt xem: 12,904Một tờ báo Anh gần đây đã đăng một phóng sự điều tra về tình hình tìm việc của sinh viên nước này sau khi tốt nghiệp. Một sự thật đáng giật mình từ số liệu điều tra của “Hiệp hội sinh viên tìm việc Anh quốc” là đại đa số các doanh nghiệp của Anh không còn coi trọng bằng cấp của sinh viên. Điều mà các công ty quan tâm hàng đầu bây giờ không phải là điểm số mà là năng lực thực sự của những sinh viên họ tuyển vào. Như vậy, quan điểm muốn có công việc tốt phải có tấm bằng đẹp đã dần dần thay đổi.
Học lực có còn là tất cả?
“Lấy học lực để đánh giá năng lực thực sự của sinh viên hiện không còn chính xác nữa”- chủ tịch “Hiệp hội sinh viên tìm việc Anh quốc” cho biết.
Ông còn nhấn mạnh: “Cuộc điều tra của chúng tôi cho thấy, giữa các trường với nhau, thậm chí là giữa các khoa khác nhau trong cùng một trường đại học hoặc cao đẳng, hệ thống đánh giá điểm hoàn toàn khác nhau. Tình trạng học lực tách rời năng lực đã trở nên phổ biến. Thật đáng tiếc khi nhìn vào bảng điểm mà không đánh giá được năng lực thực sự của một sinh viên.”
Chú trọng đến năng lực
Nói như vậy không có nghĩa là học lực không có ý nghĩa gì trong quá trình tìm việc của sinh viên. Mặc dù họ không còn quá coi trọng bằng cấp nhưng để có được vị trí làm việc tại các công ty lớn, mọi sinh viên đều phái trải qua các bài kiểm tra tư duy logic, khả năng sử dụng máy tính, khả năng chịu áp lực cao…. Đồng thời những nhà tuyển dụng cao cấp còn có thể cho sinh viên làm các “bài thi mềm” để đánh giá thêm tố chất của bạn như: năng lực lãnh đạo, khả năng giao tiếp hay khả năng giải quyết các vấn đề nhạy cảm...
Số liệu điều tra của “Hiệp hội sinh viên tìm việc Anh quốc” còn cho thấy: Không phải sinh viên nào có học lực tốt cũng đều hoàn thành tốt các bài kiểm tra. Hiện nay kiểu kiểm tra như thế này đã trở nên khá phổ biến tại các công ty ở Anh . Cũng theo số liệu của cuộc điều tra, hơn 200 công ty nhận định: "Cách kiểm tra năng lực như trên đạt hiệu quả rất cao, họ có thể sàng lọc được những sinh viên chỉ có điểm số đẹp mà không có năng lực như công ty đề ra".
Ngoài ra, các nhà tuyển dụng còn rất chú ý đến kinh nghiệm làm việc mà sinh viên có được khi còn đang ngồi trên giảng đường đại học vì từ đây họ còn đánh giá được khả năng giao tiếp hay tinh thần làm việc theo nhóm của các ứng viên. Do vậy, học lực không phải là thước đo duy nhất để đánh giá năng lực cá nhân nữa.