Học ngắn hạn, hiệu quả cao

Lượt xem: 36,205

“Một hãng hàng không chỉ tuyển dụng nhân viên làm việc trong 3 năm mà thôi. Bạn có nghĩ rằng việc sa thải 1 nhân viên sau 3 năm làm việc tận tuỵ là một việc làm nhẫn tâm không?”, câu hỏi của ông Toda, Giảng viên lớp đào tạo ngắn hạn về Makerting của Trung tâm hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC) khiến lớp học trở nên sôi nổi. Những khoá đào tạo ngắn hạn kiểu này đang nở rộ ở Việt Nam.

Trăm hoa đua nở.


Dạo qua các đường phố lớn ở Hà nội, có thể thấy tràn ngập băng - rôn quảng cáo về các khoá học ngắn hạn dành cho giới lãnh đạo doanh nghiệp hoặc về những lĩnh vực đang “hot” như: Nghiệp vụ Kế toán, Phân tích tài chính, Makertting, PR, Bất động sản, Chứng khoán, Văn hoá doanh nghiệp…

Tuỳ theo chất lượng, thời gian và điều kiện học tập mà mỗi khóa đào tạo như vậy có giá từ vài trăm ngàn đồng đến hàng chục triệu đồng. Không kể những khóa học có sự hỗ trợ của Nhà nước và các Tổ chức Quốc tế, nhìn chung học phí ở những trung tâm đào tạo có uy tín tương đối cao. Chẳng hạn, một khoá học về “Nghề nhân sự” của Trung tâm đào tạo Quản trị Kinh doanh (Inpro) mỗi học viên phải trả tới 9,6 triệu đồng cho 14 buổi học, khoá học về “Quan hệ Công chúng” là 5 triệu đồng…, một khoá học về định giá Bất động sản của Viện quản trị và tài chính (IFA) là 2,5 triệu đồng cho 82 tiết học… Giảng viên của các lớp đào tạo loại này thường là những người giàu kinh nghiệm thực tế và có khả năng diễn đạt tốt.

Trở lại tình huống mà giảng viên Toda nêu ở trên, phần lớn học viên trong lớp đều cho rằng “không nên sa thải 1 nhân viên sau khi họ đã cống hiến hết mình trong 3 năm làm việc”, có người đặt câu hỏi: “Làm như vậy liệu có mâu thuẫn với chính sách tuyển dụng suốt đời và coi trọng những nhân viên trung thành trong các doanh nghiệp Nhật Bản?”…

Câu trả lời của ông Toda, một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm của nhãn hiệu Panasonic (Nhật Bản) là: “Bạn có thể cho rằng như thế là tàn nhẫn, nhưng sau 3 năm làm việc trong lĩnh vực hàng không, sức khoẻ của họ sẽ kém đi. Vì vậy, không ký hợp đồng tiếp với họ là hợp lý. Khi bị sa thải họ vẫn còn trẻ, và với sự hỗ trợ của công ty cũ, họ có thể tìm được một việc làm khác. Làm như vậy sẽ tốt hơn là để đến khi họ đã quá tuổi và khó tìm một công việc tốt”. Ông Toda cũng cho biết, hiện nay Nhật Bản đang chuyển từ công nghiệp chế tạo sang phát triển công nghệ thông tin, phần mềm... Vì thế, xu hướng tuyển dụng cũng đã có phần thay đổi, không phải doanh nghiệp nào cũng có chính sách tuyển dụng suốt đời như trước kia nữa.

Học ngắn lợi ích nhiều.

Ông Quách Thanh Sơn, Giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng ngoài quốc doanh (VPBS) cho rằng, việc nở rộ các khoá đào tạo ngắn hạn là tất yếu. Trong một nền kinh tế mở như hiện nay, xu hướng tất yếu là không ngừng cập nhật, trang bị thêm các kiến thức mới.

Anh Vũ Quang Tuyến, nhân viên Công ty Thương mại và Du lịch Vinatour tổ ra rất hào hứng với phương pháp thảo luận sôi nổi kiểu như giảng viên Toda áp dụng. “Học viên được chủ động đặt ra những câu hỏi mà mình cần thông tin đối với giáo viên, được hướng dẫn phương thức làm việc theo nhóm, biết cách tổng hợp ý kiến của mọi người và đưa ra phương án giải quyết tối ưu nhất”, anh Tuyến nói.

“Trong trường đại học, chỉ được đào tạo những kỹ năng cơ bản, chứ không thể được đào tạo đầy đủ các kỹ năng mà công việc yêu cầu”, anh Minh Hoàng, phụ trách PR của công ty Tinh Vân Media lý giải. Minh Hoàng tốt nghiệp khoa Tiếng Anh của Đại học Bách Khoa Hà nội, Hoàng đã trải qua nhiều lớp đào tạo ngắn hạn về PR, makertting… cả trong và ngoài nước. “Học các lớp ngắn hạn, đặc biệt là học ở nước ngoài thực sự hỗ trợ mình về tư duy , phong cách và thái độ làm việc chuyên nghiệp. Có những dự án mà để hoàn thành nó, cả nhóm phải thức suốt đêm là chuyện thường. Khi có tình huống đột xuất, mình không luống cuống như trước nữa mà phản ứng một cách nhanh chóng. Các thành viên trong nhóm phản biện ý kiến của nhau một cách tích cực. Hơn nữa, khi tham gia các khoá học, mình có thêm cơ hội để trao đổi, so sánh, tổng hợp kiến thức và có thêm liên hệ mỗi khi có vấn đề cần hỏi han, chia sẻ”, Hoàng cho biết thêm.

Vì vậy mà nhiều doanh nghiệp, từ bé đến lớn đều cố gắng cử nhân viên tham gia các khoá đào tạo ngắn hạn hoặc mở lớp ngay tại công ty. Và “cơ hội được đào tạo” trở thành một trong những quyền lợi được doanh nghiệp nhắc tới trong quá trình tuyển dụng. Có kỹ năng làm việc theo nhóm, có chứng chỉ nghiệp vụ…. cũng khiến CV của các ứng viên đẹp hơn trong mắt nhà tuyển dụng.

Ông Quách Thanh Sơn, Giám đốc công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoài quốc doanh cho rằng, các khoá đào tạo ngắn hạn không tốn nhiều thời gian mà tập trung vào những vấn đề chuyên sâu, nhân viên lại học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn. Do đó, “có kiến thức nền tảng tốt thì sau khi học thêm các lớp đào tạo nghiệp vụ sẽ làm việc hiệu quả hơn”.

“Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng về kinh tế nhưng lại yếu về kinh nghiệm quản lý. Vì vậy, nội dung các khoá học của chúng tôi thường có tỷ lệ giữa lý thuyết và thực hành là 30% và 70%, nhiều doanh nghiệp rất hào hứng với các khoá đào tạo ngắn hạn kiểu này”, Ông Đỗ Văn Trung, Giám đốc trung tâm hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC) cho biết.

Phải học cách lựa chọn.

Không phải tất cả các khóa đào tạo ngăn hạn đều có chất lượng tốt. Không hiếm trường hợp nghe quảng cáo thì rất hoành tráng, nhưng nội dung lại không có gì đặc sắc. Thu Hằng, nhân viên văn phòng 1 doanh nghiệp phần mềm ở thành phố Hồ Chí Minh kể: “Có lần, mình đăng ký học 1 lớp ngắn hạn về Văn hoá doanh nghiệp, địa điểm tại 1 khách sạn lớn, nghe họ quảng cáo thì có vẻ rất chuyên nghiệp. Tuy nhiên, khi đến học thì giáo trình hết sức sơ sài, giảng viên nói những thứ rất chung chung mà những thông tin ấy có thể đọc được ở trên báo chí”…

Trước rừng băng – rôn và quảng cáo về các khoá đào tạo ngắn hạn như hiện nay, người có nhu cầu học cũng tỏ ra rất bối rối. “Nghe tên thì khoá học nào cũng cần thiết, cũng hay nhưng để chọn trung tâm có uy tín thì phải hỏi qua rất nhiều bạn bè mới biết được”, chị Hiền, nhân viên một công ty truyền thông cho biết.

Theo ông Quách Thanh Sơn, khi bỏ tiền ra học, người học phải qua nhiều nguồn để thẩm định chất lượng của các khoá đào tạo. “Chúng tôi phải cử người đi kiểm tra, xác minh xem các khoá học trước đó có đạt yêu cầu không, rồi xem nội dung đào tạo, giảng viên đào tạo. Cái quan trọng nhất là Giảng viên, phải là người có kinh nghiệm, có kiến thức và khả năng truyền đạt tốt, nói chung là rất cẩn thận”.

Còn chị Ngô Thuý Kiều, nhân viên một công ty cung cấp thiết bị mỏ cho biết, mức học phí của các lớp đào tạo ngắn hạn khá cao so với thu nhập của chị. Do đó “tham gia vào các khoá đào tạo ngắn hạn có sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc các tổ chức Quốc tế thì chi phi sẽ rẻ hơn, mà có thể yên tâm về chất lượng của đội ngũ giảng viên”, chị Kiều chia sẻ kinh nghiệm.

Bài viết khác

Khám phá các chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEFL, TOEIC và Cambridge. Cùng CareerViet tìm hiểu đặc điểm, mục đích và cách chọn chứng chỉ phù hợp với nhu cầu.

Xem thêm

Interior Design là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong ngành xây dựng - nội thất. Vậy Interior Design là gì? Hãy tìm hiểu qua bài viết của CareerViet nhé!

Xem thêm

Nhân sự là gì? Cùng khám phá ngay khái niệm nhân sự, việc làm nhân sự, tiền lương và tính cách phù hợp để trở thành chuyên viên nhân sự nhé!

Xem thêm

PR là gì? Hay PR là viết tắt của từ gì? Vai trò và các loại hình PR phổ biến hiện nay? Cùng CareerViet tham khảo ngay qua bài viết này để hiểu rõ hơn nhé!

Xem thêm

Bạn muốn tìm hiểu về ngành Animation? Bài viết này sẽ giới thiệu chi tiết về animation là gì, từ định nghĩa cơ bản đến những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.

Xem thêm

Mockup là cầu nối giữa ý tưởng và thực tế. Tìm hiểu mockup là gì, vai trò của mockup trong thiết kết tại sao mockup lại là công cụ không thể thiếu của designers

Xem thêm
Gửi tôi việc làm tương tự
Tạo ngay