Hớt váng thị trường- thắng & thua
Lượt xem: 14,028Có một kiểu kinh doanh mà dân SV mình lao vào nhiều vô kể, nhưng cũng thường xuyên phá sản. Đó là kinh doanh kiểu "hớt váng". Không có nghệ thuật, váng không hớt được, mà vợt cũng rụng luôn!
Canh nguội, váng hết, vợt rơi
Cách đây 5 năm, một loạt cửa hàng đĩa phần mềm mọc lên. Tiếp đến là mốt mở cửa hàng thời trang đồ Thái, đồ hip-hop. Mùa hè năm ngoái là Trào lưu trà trân châu và chụp ảnh Hàn Quốc... Đó gọi là lớp váng của "nồi canh" thị trường. Khi thị trường “sôi”, váng nổi lên, hàng loạt vợt cùng thò vào hớt váng. Nhưng quá nhiều vợt hớt, váng hết, canh cũng nguội dần. Chẳng còn cách nào khác, SV mình đã trót mua vợt thì đua nhau vứt vợt. Vợt rẻ thì lỗ ít, còn được bài học kinh doanh, vợt đắt quá thì cắn răng mà chịu đau, bao giờ mới hoàn vốn?
Có những người khi thấy thị trường nguội đi vẫn kiên trì bám trụ. Thắng, SV năm 3 khoa CNTT Việt Hàn kể: "Trong một năm, kinh doanh hai lần, lỗ cả hai, mất gần 11 triệu đồng. Lần thứ nhất, quê mình "sốt" đĩa software, mình bỏ ra gần 5 triệu, gồm tiền đĩa trắng, đầu ghi, đĩa mẫu, giấy dán mặt... để kinh doanh. Về đến nhà thì vấp phải chuyện không có tư cách pháp nhân, địa điểm, giá đĩa, bàn ghế... và nhất là quản lý. Vì mình chỉ về quê nghỉ hè được gần một tháng. Người đặt ghi đĩa rất nhiều rồi quên trả tiền. Tổng số tiền thu lại sau cả đợt là...20.000đ! Cuối cùng đành bán tháo đĩa trắng, ổ ghi...thu lại không đầy 2 triệu. Kế đó, Hà Nội rộ lên đợt chụp ảnh Hàn Quốc, quyết chí phục thù, mình vay mẹ 13 triệu đầu tư tiếp. Máy có sẵn, phần mềm hết 8 triệu, máy in màu, giấy in ảnh, máy ép... Ban đầu đang "sốt", khách đông kinh khủng, mình còn không có thời gian ăn trưa và tối. Có ngày mình thu được gần 1 triệu. Nhưng rồi hàng loạt cửa hàng cạnh tranh bung ra, chúng mình vẫn chưa đủ sức để mở rộng quy mô hoặc phát triển thêm dịch vụ, thế là khách đi dần. Có khi mấy ngày không có khách. Rút cuộc cả đợt thu được 4 triệu. Lỗ hơn 2/3. Bây giờ, dở khóc dở cười, bỏ máy móc thì tiếc, bán thì lỗ, phần mềm thì ai mua? Đành để mặc ở nhà cho mẹ vừa nấu cơm vừa..."chụp ảnh", được đồng nào đỡ đồng ấy. Mình cũng vẫn đang tìm kế để "chiến đấu" tiếp, nhưng nợ mẹ, rồi học phí, không biết bao giờ lo nổi?
Cũng tham vọng "cá kiếm" như Thắng, nhưng Dũng - SV năm 3 khoa Điện tử viễn thông - ĐH GTVT chạy theo "lớp váng" khác. Từ tháng 2, những ngày 8 độ C, dân tình còn co ro mặc áo bông đi giày cao cổ thì Dũng đã tính đên tháng 5, 37 độ C sẽ là "mốt" dép gì? Dũng định hướng sẽ là hàng "đặc chủng": dép cao su, rẻ, đẹp, bền, cá tính. "Tớ đã lên một kế hoạch rất chi tiết. khảo giá dép ở Lê Duẩn, Gầm Cầu..., tìm các đại lý bán lẻ để gửi hàng, marketing làm sao để đánh đúng tâm lý thích hàng "chất" của SV, kể cả việc nhờ đám bạn chuyên lượn khoảng 20 con SH, Dylan đi mẫu dép Tàu lượn vè vè ngoài đường hộ tớ để dần dần tạo trào lưu. Nhưng cuối cùng, đầu vào lại trục trặc, tớ nhờ bạn nhập hàng tận Sài Gòn, kế hoạch bị trì hoãn, quá "thời điểm vàng", kế hoạch đành huỷ. Vậy là công cốc. Hiện nay tớ đang phải theo dõi để "tạo váng" lại..."
Làm sao hớt được váng nóng?
Vũ Văn Tú - Lớp 814 Khoa Quản lý doanh nghiệp, ĐH Quản lý & Kinh doanh nói: "Mình thấy cách thức kinh doanh của Dũng là khá thông minh, chủ động và nhạy bén. Lớp váng của nồi canh thị trường tưởng nhiều, nhưng hớt vài hớt là sạch, tưởng nóng nhất nhưng lại nguội nhất. Mình thấy nguyên tắc quan trọng nhất của kiểu kinh doanh này là tốc độ: hớt nhanh, hớt nhiều và rút ngay khi người khác thò vợt vào. Nói thì đơn giản, nhưng còn phải đủ độ nhạy cảm để xem canh sẽ sôi trong bao lâu, khi nào nên ngừng vớt để đợi đợt sôi mới..."
Một kinh nghiệm "hớt váng" khá thành công là của Phạm Lan Hương, cô chủ cửa hàng Pi và hệ thống cửa hàng trang sức Phên Vàng trước đây, bắt đầu nổi lên từ trào lưu kinh doanh hàng "hot" của SV từ năm 2002. Hương khai trương cửa hàng Phên Vàng chuyên bán đồ handmade đầu tiên ở Hà Nội với 2 mét vuông và 1.300USD tiền vốn. Đến ngày 1.10.2005, Hương đã có trong tay 4 Phên Vàng, 1 Pi, giá trị thực khoảng hơn 3 tỉ đồng! 3,5 năm và sự gia tăng giá trị vốn đầu tư gần 200 lần, một con số mà các chủ hàng SV phải...choáng! Hương tâm sự: "Ngày mình mở Phên Vàng, nhiều người cho rằng quá mạo hiểm khi vay 19 triệu chỉ để mua mấy thứ gỗ, đá, xương vớ vẩn. Nhưng sau này khi các shop hàng handmade bùng nổ thì mình đã kịp mở được 4 Phên Vàng. Khi cơn sốt lên đến đỉnh thì mình đóng cửa tất cả các cửa hàng. Vì mình biết sau đó sẽ thoái trào nhanh, giá hàng sẽ giảm đến đáy, đầu tư tiếp là lỗ. Với việc bùng nổ của hàng handmade, không có gì còn là đồ độc với các teen khó tính nữa. Mình có một kế hoạch dài hơi hơn. Hết cơn sốt, mình mở lại cửa hàng và chuyển hướng sang xuất khẩu nguyên liệu thô, bán đồ dành cho số đông, thay vì số ít như trước. Tiền vốn các bạn đầu tư tốn kém nhất là vào các khoản: sắm bàn ghế, thuê cửa hàng, mua máy móc...Khi hàng hết "hot", tốt nhất là chuẩn bị sẵn kế hoạch chuyển tiếp là tìm một mặt hàng sắp hot để thay thế, hoặc "hạn chế thương vong" tối đa bằng cách "share" lại cửa hàng với người khác, bán bàn ghế, máy móc... Hàng nối hàng, kế hoạch nối tiếp kế hoạch. Vậy là bạn thực hiện mục đích lâu dài của mình qua từng chặng ngắn. Ai bảo kinh doanh hớt váng không làm được dài hơi?"
H.C
Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giảng viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân: "Cho dù là doanh nghiệp 2T, 20T, 200T hay thậm chí 2 tỉ cũng đều khởi sự từ những công việc rất cụ thể. Điều quan trọng nhất là bạn phải xác đinh được cái "nghiệp" của mình và theo nó đến cùng. Nếu chỉ làm cho vui, thì hớt chút váng cũng không ăn thua. Ranh giới giữa quyết đoán và tuỳ tiện là rất khó phân biệt. Khi các bạn SV chọn phân đoạn thị trường nhạy cảm này, các bạn nên có phương án dự phòng, cũng có thể tham vấn kinh nghiệm từ người đã thành công như Hương, hoặc những Trung tâm hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp (như VCCI chẳng hạn) để có kiến thức bảo vệ mình".