Hủy lời mời tiếp nhận công việc? Không sao đâu (Phần 1)
Lượt xem: 18,233Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Bạn đã bao giờ ở trong hoàn cảnh đó chưa? Bạn đọc được một mô tả công việc thiết kế đồ họa, lập trình viên hay nhân viên marketing. Bạn nhận thấy như thể công việc này sinh ra là để dành cho mình với mức thu nhập đúng như bạn mong muốn. Bạn vui mừng gửi CV, đi phỏng vấn, rồi trở về nhà trong sự hồi hộp…
Voila! Một ngày đẹp trời, vũ trụ như nghe thấy lời nguyện cầu của bạn, và chiếc mail bạn mong mỏi đã tới với lời đề nghị nhận việc.
Nhận được một lời mời làm công việc mà bạn mong muốn là một trong các giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc sống… cho đến khi nó không còn hiệu lực nữa.
Dù hiếm khi xảy ra, nhưng vẫn có thời điểm lời mời hợp tác bất ngờ bị rút lại, có thể không kèm theo bất kỳ lời giải thích nào.
Dẫu có hẫng hụt, nhưng để phản ứng phù hợp với những lời từ chối, chúng ta cần phải: hiểu nó xảy ra như thế nào - làm quen với sự thật rằng có những thứ chúng ta có thể và không thể kiểm soát - hiểu rằng phản ứng một cách chuyên nghiệp là điều chúng ta có thể lựa chọn.
Hiểu tại sao lời đề nghị bị rút lại
Thật sự sẽ là một sự lãng phí về thời gian và nguồn lực trong suốt thời gian tuyển dụng, và cũng chẳng ích lợi gì nếu rút lại lời đề nghị ứng viên nhận việc. Vì thế, các công ty sẽ không làm vậy trừ khi nó thực sự cần thiết.
Khi lời mời được rút lại, thường sẽ rơi vào một trong các trường hợp sau:
- Vị trí công việc không còn tồn tại hoặc bị hoãn vô thời hạn do các thay đổi ngoài dự kiến trong công ty. Có thể là do khó khăn về tài chính, buộc phải cắt giảm số lượng nhân viên trong một bộ phận cụ thể, hoặc nhân viên cũ quyết định không rời đi.
- Bạn đã thực hiện một điều gì đó sau khi đề nghị được đưa ra khiến công ty phải suy nghĩ lại về việc đưa bạn vào vị trí dự định. Chẳng hạn:
- Bạn không xác nhận vào email mời nhận việc và cũng không phản hồi cho bộ phận tuyển dụng. Khả năng bạn là một người thiếu tính tổ chức, có kỹ năng giao tiếp kém hoặc không nhiệt tình với công việc.
- Bạn cũng nhận được đề nghị từ các công ty khác và vì thế, cố thỏa thuận lại với mức lương cao hơn so với đàm phán ban đầu.
- Thái độ thiếu chuyên nghiệp từ ứng viên bao gồm cả những bình luận tiêu cực trên mạng xã hội liên quan đến công ty.
- Trong quá trình kiểm tra lý lịch hoặc tham khảo từ mạng lưới tuyển dụng, họ phát hiện ra bạn không trung thực về kỹ năng, kinh nghiệm hoặc học vấn.
Đáng buồn là thông thường chính các hành động của ứng viên chứ không phải yếu tố khách quan từ công ty dẫn đến việc nhà tuyển dụng rút lại lời đề nghị. Tuy cũng không phải không có trường hợp nhà tuyển dụng nhận được thông tin sai lệch, hoặc có sự phân biệt đối xử về giới (vd: xuất hiện ứng viên nam phù hợp hơn bạn - một ứng viên nữ - cho một vị trí gai góc, hoặc ngược lại).
Giảm nguy cơ bị rút lại lời mời nhận việc
Ngoài việc tránh các lỗi bên trên, các ứng viên còn có thể giảm thiểu rủi ro bằng thái độ chuyên nghiệp khi được phỏng vấn. Đây là những vấn đề hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của bạn:
1. Đừng nói dối trong lí lịch.
Hãy trung thực khi trả lời các câu hỏi phỏng vấn; đừng làm biến dạng sự thật để khiến mình trông phù hợp với công việc hơn thực tế.
Có vết gợn trong quá trình làm việc - một ấn tượng xấu, ví dụ như các bài đăng trên mạng xã hội nhận xét về dịch vụ mà công ty từng thực hiện - có thể khiến công ty ngừng đề nghị hợp tác khi phát hiện ra không? Hãy chuẩn bị tinh thần để nhắc đến nó trong cuộc phỏng vấn. Tốt hơn nên chủ động để các nhà tuyển dụng biết thông tin kèm theo lời giải thích hơn là để họ va phải nó khi kiểm tra và đối chiếu lý lịch.
2. Chuyên nghiệp nhưng chủ động
Ngoài ra, sau khi nhận được mail mời nhận việc hãy mạnh dạn hỏi người trực tiếp phỏng vấn các thông tin sau nếu muốn chắc chắn: Bao giờ công ty cần bạn đến nhận việc và sắp xếp vị trí, thiết bị? Thư mời có thay cho một hợp đồng chính thức không? Trường hợp nếu gửi đi giấy mời nhận việc/ hợp đồng ký kết rồi mà lời đề nghị nhận việc bị rút lại thì công ty sẽ xử lý văn bản đó ra sao?
>>> Xem tiếp: Hủy lời mời tiếp nhận công việc? Không sao đâu (Phần 2)
Nguồn hình: Freepik