Kế hoạch vào đời cho sinh viên năm cuối
Lượt xem: 33,519Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Trong một bài kiểm tra môn chính trị đầu năm học này, hơn 1.000 SV năm cuối Khoa kinh tế ĐH Quốc gia TP.HCM đã nhận được những câu hỏi hơi "khác thường": bạn cần chuẩn bị gì trước khi ra trường và sẽ tìm việc như thế nào?
Nhiều câu trả lời qua loa đối phó, nhưng cũng có nhiều bài viết cho thấy sự nghiêm túc của SV khi nghĩ về tương lai.
Mức lương cao 5 triệu đồng trở lên
"Nhiều SV tự tin cho rằng khi ra trường có thể đi làm ngay với mức lương 5 triệu đồng" - thạc sĩ Trần Minh Đức, giảng viên môn kinh tế - chính trị, cho biết. Một bạn gái tên T.T.H. muốn làm về vận tải, giao nhận hàng hóa tuyên bố: "Tôi muốn làm trong môi trường quốc tế vì ngành này ở VN chưa phát triển. Mức lương ít nhất là 500 USD/tháng xứng đáng với trình độ của mình. Tôi muốn tốt nghiệp loại giỏi và thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật".
Hầu hết các bạn đều không thích làm công việc nhà nước, kể cả những người ở ngành kinh tế học, kinh tế quản lý công. Họ muốn đi làm vài năm tích lũy kinh nghiệm rồi học lên nữa thành chuyên gia hoặc mở công ty riêng. Một số bạn muốn tìm việc làm đúng ngành để có thêm kinh nghiệm, nhưng cũng "đòi" mức lương khởi điểm phải từ 3 triệu đồng/tháng trở lên. Khái niệm "xin" việc làm đã thay thế bằng "tìm" việc làm. Có trình độ, có khả năng, công ty có nhu cầu, vậy thì vào làm, không phải xin xỏ gì cả.
SV Khoa kinh tế đang phải cạnh tranh khốc liệt với bạn bè từ những trường được xem là "có giá” hơn như ĐH Kinh tế, Ngoại thương...vốn có truyền thống lâu đời hơn. Thông tin từ các trường này cho biết SV tốt nghiệp không lo thiếu việc làm. Vấn đề là có được việc làm như mong ước không. Nhiều bạn rất tự tin và đang nỗ lực vươn tới mơ ước đó.
Sau năm năm nữa bạn là ai?
Mục tiêu của bạn năm năm sau khi ra trường là gì? Bạn hãy lập một kế hoạch để đạt mục tiêu đó? Đây cũng là một câu hỏi của bài kiểm tra. Bạn Th. H. học kinh tế đối ngoại nhưng đặt mục tiêu năm năm nữa sẽ lấy thêm hai bằng thạc sĩ về quản trị kinh doanh và tài chính tại một trường ĐH của Hà Lan. Bạn T.T.H. còn mơ ước cao xa hơn: trở thành chuyên gia trong lĩnh vực và có bằng tiến sĩ tại Nhật, rồi trở về VN lập một công ty liên doanh Việt - Nhật...
Chẳng thấy những bạn gái trên nói gì về gia đình riêng cả, trong khi đó bạn trai N.V.H. vạch kế hoạch rất chi tiết: " Tôi đã có một người bạn gái tuyệt vời. Chúng tôi định bảy năm nữa sẽ cưới nhau. Nghe xa vời quá phải không, nhưng thời gian sẽ trôi qua rất nhanh. Ra trường rồi cả hai sẽ đi làm cho công ty nước ngoài, dành tiền lập gia đình. Sau hai năm nếu kết quả không tốt, tôi và bạn gái sẽ quay lại trường học cao học. Mục tiêu lớn nhất là có một gia đình hạnh phúc và cuộc sống ổn định".
"So với mấy năm trước, SV năm này cho thấy nhiều nhận thức mới mẻ - thầy Trần Minh Đức kể - Qua các bài viết, tôi thấy SV đã quan tâm hơn rất nhiều những kỹ năng mềm: khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết khó khăn... Các bạn rất chú trọng việc thiết lập những mối quan hệ xã hội, muốn thật sự làm chủ cuộc sống của mình".
Bên cạnh những dự định nghiêm túc, nhiều SV vẫn đang mơ hồ về tương lai, hoặc viết qua loa đối phó cho xong chuyện. Tuy nhiên đây sẽ là một kênh rất tốt để nắm bắt tâm lý SV, để Khoa kinh tế có hướng tổ chức những diễn đàn về việc làm, những buổi nói chuyện, những sinh hoạt câu lạc bộ phù hợp... nhằm giúp SV của mình được chuẩn bị tốt hơn trước khi ra trường.