Khắc phục nhược điểm “mít ướt”
Lượt xem: 89,892Bạn thuộc tuýp người nhạy cảm và mau nước mắt. Một chuyện nhỏ thôi cũng khiến bạn bị tổn thương. Ở cơ quan, có biết bao nhiêu chuyện khiến bạn phải buồn lòng và rơi lệ.Tuy nhiên, quả thật, khóc nơi văn phòng là việc chẳng nên làm chút nào. Nước mắt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến công việc của bạn. Nước mắt khiến bạn trở nên yếu đuối trong mắt đồng nghiệp, họ có thể thấy thương cảm, cũng có thể coi thường bạn.
Khóc lóc thường gợi cảm giác bạn đang mè nheo, làm nũng đồng nghiệp và sếp. Ở cơ quan, bạn phải khẳng định mình bằng năng lực chứ không phải bằng nước mắt. Chẳng hạn bạn đang được sếp cân nhắc lên một vị trí lãnh đạo, bỗng nhiên bạn khóc lóc vì một việc chẳng đáng gì, sếp sẽ thấy bạn chưa đủ bản lĩnh cho nhiệm vụ mới. Và a lê hấp, bạn bị loại ra khỏi cuộc chơi.
Nếu bạn quá yếu đuối, hãy học cách chế ngự nước mắt bằng những lời khuyên sau:
Chuẩn bị tinh thần trước khi làm việc
Nếu bạn biết mình sắp dự một cuộc họp khủng hoảng, đầy những quan điểm bất đồng thì hãy chuẩn bị tinh thần từ trước. Hãy chuẩn bị những ý kiến đóng góp tích cực, hợp lý, và chặt chẽ để không ai bắt bẻ được bạn, nhẩm những ý chính trong đầu và thực tập hùng biện trước ở nhà. Nếu chuẩn bị kỹ bạn sẽ chẳng bao giờ bị lúng túng đến mức phát khóc.
Thư giãn đầu óc
Khi bầu không khí trong văn phòng trở nên căng thẳng, bạn nên đi dạo một lúc để thư giãn. Khi cảm thấy cuộc tranh cãi sắp lên đến đỉnh điểm bạn hãy học cách rút lui. Nếu bạn không làm thế rất có thể bạn sẽ bị tổn thương. Chỉ nên quay lại vấn đề khi mọi người đều bình tĩnh và sáng suốt. Thứ lỗi cho chính mình và rửa mặt cho tỉnh táo, hít thở sâu, trốn ra một góc khuất không ai trông thấy bạn, thư giãn vài phút ở đó rồi quay lại với công việc. Bạn sẽ dễ chịu hơn và cảm thấy mình thật kiên cường và cứng rắn.
Nghỉ ngơi
Nếu bạn đang có một ngày làm việc tồi tệ, cảm thấy chán nản, buồn bực, bạn chỉ muốn được khóc ngon lành. Đừng hy vọng tìm tới sự cảm thông của vị sếp khó tính hay những đồng nghiệp đang bận bù đầu. Hãy tự thu xếp công việc và xin nghỉ phép vài ngày để khoẻ khoắn hơn, phấn chấn hơn rồi hẵng toàn tâm toàn ý trở lại với công việc.
Kìm chế “nước mắt”
Hãy tìm cách ngăn dòng nước mắt ngay khi nó chực trào ra. Hãy nghĩ đến những tình huống hài hước, tự véo vào mình hoặc uống một ly nước lạnh. Hầu như ai cũng có kinh nghiệm để nhấn nút “stop” khi muốn khóc. Hãy nhận ra bạn sắp khóc trước khi quá muộn nhé.
Nếu bạn bị đồng nghiệp “chơi xấu”, bị sếp mắng thì cũng đừng lo lắng. Ai mà chẳng có lúc phạm sai lầm, đó không phải là ngày tận thế, chẳng việc gì bạn phải quá xúc động. Hãy học cách bình tĩnh, tự răn mình trước bằng những tình huống xấu nhất.
Tất nhiên, bạn không nên có một tâm hồn chai sạn, ráo hoảnh trước nỗi đau của người khác, nhưng với nỗi buồn của mình thì lại cần biết cách chế ngự nó, vượt qua thất bại bằng bản lĩnh.
Top những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất:
Cần tìm việc làm gấp tại Hà Nội | Việc làm tiếng Nhật Đà Nẵng | Tuyển dụng việc làm Bắc Ninh | Tuyển dụng việc làm Hải Phòng | Tìm việc tại Bắc Giang