Khi bạn bị phê bình trong công việc
Lượt xem: 41,263Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Tất cả những người thành công trong sự nghiệp đều hiểu rằng, lý do duy nhất khiến họ gặt hái được những thành quả đáng kể đó chính là họ tự cho mình được phép thất bại. Đã có nghìn lẻ một câu chuyện các doanh nhân thành đạt từng trải qua bao cay đắng, thất bại mới có ngày "chạm" tới được vinh quang, thành công thì đếm trên đầu ngón tay nhưng thất bại với họ quả là câu chuyện không có hồi kết.
Tất nhiên bên cạnh lý do đó vẫn còn một điều khác tuy không rõ ràng như vậy nhưng cũng có vai trò không kém trong việc quyết định thành công của họ, đó là họ biết cách khai thác khía cạnh tích cực từ những lời phê bình gặp phải trong suốt quá trình làm việc.
Có thể nói, năng lực giải quyết những phê bình, chỉ trích chính là yếu tố quan trọng trong bất cứ thành công nào. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những cách nhận diện các kiểu chỉ trích và phương pháp giải quyết.
Nhận diện các kiểu chỉ trích
Mọi chỉ trích đều chia thành hai loại: mang tính xây dựng hoặc xỏ xiên, phá hoại. Bạn cần phải giải quyết cả hai loại này một cách cẩn thận, tất nhiên là với những thái độ khác nhau.
Phần đa mọi người đều có xu hướng gắn thái độ tiêu cực với từ "phê bình" vì có vẻ như nó mang một "cảm giác" phá hoại nào đó. Những phê phán hầu như chẳng có lý do chính đáng nào thường ám ảnh tất cả chúng ta từ khi còn rất nhỏ cho tới tận lúc trưởng thành.
Những chỉ trích tiêu cực
Chỉ trích tiêu cực thường là những phê phán động chạm sâu sắc tới lòng tự trọng cá nhân, tổn thương tâm lý mạnh mẽ và khiến công việc của chúng ta trở nên kém hiệu quả.
Một kiểu phê phán tiêu cực điển hình mà bạn có thể gặp phải là: "Trời ơi sao anh/chị lại có thể phạm cái lỗi ngu ngốc như thế nhỉ, tôi không hiểu anh/chị đã nghĩ cái gì nữa? Tôi không biết sao tôi lại thuê anh vào vị trí ấy cơ chứ!".
Có thể sếp bạn chỉ nghĩ rằng nếu la mắng theo kiểu đó sẽ khiến bạn làm việc tích cực hơn, nhưng hậu quả lại ngược lại, bởi thái độ này chỉ khiến bạn thêm phiền lòng và nung nấu ý định rời bỏ tới chừng ngào "giọt nước làm tràn ly". Tại sao lại thế ư, vì đây chính là kiểu chỉ trích chung chung nhất, tiêu cực và không hề chỉ ra cách cải thiện công việc giúp bạn.
Những chỉ trích theo lối này chẳng đem lại bất cứ ích lợi nào. Tất nhiên nó cũng giúp bạn hiểu là bạn đã sai sót hay nhầm lẫn đâu đó, nhưng nếu sếp không đưa ra bất cứ giải pháp nào cũng như tỏ ý tin tưởng về khả năng sửa chữa lỗi lầm thì rõ ràng hiệu quả của phê bình là hoàn toàn "bế tắc".
Với những phản hồi vô ích kiểu đó, cách giải quyết đơn giản nhất là bạn nên phớt lờ và tự cố gắng chuyển đổi mọi thứ theo chiều hướng tích cực hơn.
Chỉ trích mang tính xây dựng
Vậy là chúng ta đã tường tận về khía cạnh tiêu cực của phê bình, nhưng bên cạnh đó, chúng ta hoàn toàn có thể khai thác khía cạnh tích cực trong việc đó để cải thiện công tác của bản thân.
Quay trở lại với ví dụ khi trước, thay vì sỗ sàng phê phán như thế, một người sếp điềm đạm sẽ có cách nói khác thuyết phục hơn, chẳng hạn: "Cảm ơn anh/chị đã gửi cho tôi phần báo cáo công việc, tôi hiểu là anh/chị đã cố gắng rất nhiều trong việc đó. Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng anh/chị có thể dành thêm chút thời gian để tóm tắt nó gọn hơn và bổ sung một số ảnh khác. Về nội dung thì đã cô đọng và súc tích rồi, nhưng nếu anh/chị có thể bổ sung thêm những thay đổi như tôi vừa nói thì tôi sẽ rất trân trọng cố gắng đó của anh/chị".
Tại sao kiểu phê bình này lại dễ nghe và tại sao bạn cảm thấy dễ đón nhận nó hơn?
Nếu đây là tình huống với những người vừa mới bắt đầu làm quen với công việc, rõ ràng người lãnh đạo vẫn có thể truyền đạt vấn đề cốt lõi nhất. Bạn có thể hiểu chính xác báo cáo của bạn cần bổ sung thêm yếu tố gì. Và hẳn là với những nhận xét, phê bình như vậy, bạn sẽ cảm thấy mình được giao phó trách nhiệm và cũng đã làm được một vài phần hiệu quả trong công việc được giao.
Nói tóm lại bạn cần hiểu rằng có những nhận xét, phê bình xuất phát từ quan điểm mang tính xây dựng rất tích cực. Bạn cần hiểu rõ điều đó và nếu cần có thể hỏi lại cho rõ để tìm ra những điểm cần thay đổi nhằm nâng cao chất lượng công việc. Điều cuối cùng, đừng quên cảm ơn những người đã phê bình bạn chính đáng và giúp bạn tiến bộ hơn trong công việc.
Chuyển từ tiêu cực sang tích cực
Nếu gặp phải những chỉ trích tiêu cực, bạn có thể chuyển biến nó thành tích cực như thế nào?
Trước hết, hãy cố gắng tự phân tích để hiểu cặn kẽ những lời phê bình. Đừng quá duy lý công việc của bạn, có thể bạn đã làm rất tốt công việc đó rồi. Tiếp theo, hãy hỏi rõ những người phê bình về việc học không thích điểm nào trong công việc của bạn và tại sao lại thế. Thứ ba, hãy hỏi họ về cách thức sửa chữa sai sót. Trường hợp họ không thể nói với bạn những điều đó, hãy bỏ qua những chỉ trích hàm hồ đó và cứ coi như là công việc bạn đã làm là tốt. Trong cuộc sống không phải thiếu những người cứ thích xỏ xiên như vậy đâu.
Nếu người phê bình bạn có lý, bạn cần tham khảo ý kiến của họ để tìm ra xem bạn nên làm gì tiếp theo.
Bước cuối cùng cần làm chính là chỉnh sửa những sai sót cần thiết. Đừng quên kiểm tra lại công việc trên cơ sở đối sánh với những phê bình tích cực để đảm bảo mọi thứ đều ổn thoả.
Hãy luôn bản lĩnh đối mặt với các chỉ trích
Nếu bạn luôn cố gắng nhìn nhận mọi phê bình ở góc độ tích cực và giải quyết nó theo những phương thức mà chúng tôi vừa hướng dẫn bạn phía trên, chắc chắn bạn sẽ thành công và thu được các kết quả đáng kể.