Khi bạn để “tuột” cơ hội thăng chức
Lượt xem: 14,573Sốc, bàng hoàng, tiếc nuối,… là tâm trạng tất yếu của những người vừa để tuột mất cơ hội thăng tiến trên con đường sự nghiệp của bản thân. Thay vì tự trách và buồn rầu hãy bình tĩnh và nghĩ xem bạn cần làm gì tiếp theo.
Lịch sự
Thay vì tự trách và buồn rầu hãy bình tĩnh và nghĩ xem bạn cần làm gì tiếp theo
Đây là thái độ bạn nên đặt lên hàng đầu sau khi bạn “đánh rơi” cơ hội của mình. Dẫu cho bạn cảm thấy xấu hổ, thấy bang hoàng và thậm chí là không tin vào sự thật nhưng nếu bạn nóng vội hay tức tối bạn cũng chẳng thay đổi được gì có khi còn làm mất hình ảnh của mình trong mắt đồng nghiệp. Sự tức giận khiến những người ủng hộ bạn thất vọng và những người chẳng ưa gì bạn thích thú. Vì thế hãy khôn khéo che giấu cảm xúc của mình và xem mọi thứ diễn ra bình thường.
Deborah Brown, chuyên gia nghề nghiệp trung tâm New York nói: “Bạn phải lịch sự trong mọi hành động, thái độ lịch thiệp như bạn vẫn thể hiện là cách tốt nhất bạn nên làm để cho thấy sự chuyên nghiệp nơi bạn. Không gì có thể ảnh hưởng đến tinh thần thép mà bạn đã tôi luyện.
Như vậy, dù để “tuột” mất cơ hội lần này nhưng những gì bạn thể hiện khiến đồng nghiệp và cấp trên tin rằng cơ hội bạn lên “sếp” sẽ cao hơn rất nhiều. Một người quyết đoán, mạnh mẽ, không dễ bị khuất phục và luôn chuyên nghiệp sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời cho vị trí “sếp” trong tương lai”.
Đi tìm câu trả lời
Khi bạn đã cố gắng hết sức nhưng cơ hội vẫn chưa mỉm cười với bạn và bạn không hiểu chuyện gì xảy ra hãy tự đi tìm câu trả lời cho chính mình. “Sau khi bạn đã làm chủ được cảm xúc của mình, thiết lập một cuộc họp với những người ra quyết định và yêu cầu họ cho bạn một lý do chính đáng. Bạn hoàn toàn có quyền được biết sự thật. Khi bạn đã biết lý do, bạn sẽ tìm ra hướng đi sau đó cho riêng mình. Trau dồi thêm kinh nghiệm, vạch ra chiến lược tiếp theo hoặc yêu cầu ban quản lý trao cho bạn một khóa đào tạo chuyên nghiệp để nâng cao năng lực..Và hãy bắt đầu thay đổi kế hoạch”, Deborah chia sẻ.
Chấp nhận
Chấp nhận sự thật là con đường thăng tiến của bạn bị gián đoán nhưng chấp nhận không có nghĩa là bỏ cuộc và phó mặc cho số phận. Chấp nhận đơn giản là cách bạn tự động viên và an ủi bản thân rằng may mắn chưa mỉm cười với bạn nhưng bạn sẽ “phục thù” trong lần sau. Chấp nhận không mang nghĩa chịu đựng thất bại mà là thành công chưa tới. Khi bạn chấp nhận lùi một bước thì con đường bạn tiến lên sẽ xa hơn rất nhiều so với những gì bạn tưởng tượng.
Một điều đánh nói nữa khi bạn chấp nhận thực tế đó là bạn cần học cách làm quen với nó và bắt đầu những “chiêu” mới cho chiến lược lên “voi” của mình. Sau khi để “tuột” mất cơ hội, bạn cần nhanh chóng lấy lại phong độ trong công việc, không ngừng cố gắng và luôn thể hiện cho đồng nghiệp thấy “đẳng cấp” đích thực của bản thân. Hãy nhớ rằng thành quả mà bạn đạt được trong công việc giống như bạn đang tích điểm cho cuộc chạy đua marathon, chức vô địch sẽ chỉ đến với người khôn khéo, thông minh,không ngại khó khăn và luôn cầu tiến.
Di chuyển
Nếu câu trả lời bạn nhận được không làm bạn thỏa mãn và bạn đã cố học cách chấp nhận nhưng bạn không thể hãy nghĩ đến việc di chuyển. Đi tìm một môi trường làm việc phù hợp, biết trân trọng giá trị của bạn cũng là một cách tốt. Dẫu cho bạn có thể sẽ phải bắt đầu lại từ con số không nhưng nếu bạn tiếp tục làm ở công ty cũ với cái đầu “không thông” thì bạn sẽ chỉ dậm chân tại chỗ. Thay vì chấp nhận thực tế phũ phàng rằng bạn sẽ chẳng có cơ may lên “sếp” hãy giải thoát cho chính mình. Đi tìm cơ hội mới ở môi trường mới biết đâu bạn sẽ thăng tiến như bay trên con đường sự nghiệp của mình.
“Khi bạn còn trẻ, hãy tận dụng tuổi trẻ, sức trẻ của mình để thử sức ở nhiều môi trường khác nhau. Đó là cách giúp bạn góp nhặt được nhiều kinh nghiệm, rất có lợi cho con đường thăng tiến của bạn trong tương lai ”, Deborah nói.