Khi bạn là nhân viên mới
Lượt xem: 15,346
Một nhân viên mới cũng giống như một sinh viên mới tốt nghiệp. Bạn sẽ làm gì nếu mình rơi vào hoàn cảnh ấy: phải làm những công việc bình thường, phải tuân theo sự sắp đặt của những người đi trước, những người có kinh nghiệm; đôi khi còn bị “ma cũ” bắt nạt nếu chẳng may gặp phải một người “quái tính”.
Nếu bạn là một sinh viên mới tốt nghiệp với tấm bằng hạng ưu, cũng đừng vội khoe khoang điều đó với mọi người. Hãy thể hiện những khả năng nổi trội của mình, phù hợp cho công việc như sự thân thiện, khả năng tổ chức công việc, khiếu lãnh đạo, … Nói chung, để nhấn mạnh một điều gì đó với mọi người, bạn nên hành động thực tế chứ không nên nói quá nhiều.
Tham gia vào những khóa học hay các lớp huấn luyện ngắn hạn, chúng sẽ giúp bạn có được những kỹ năng cần thiết đáp ứng cho nhu cầu công việc. Và nếu bạn có một thành tích đặc biệt nào đó trong quá trình học tập hay làm việc, hãy tìm cách cho mọi người thấy được điều đó. Đồng thời, bạn cũng chứng minh luôn thành tích ấy là sự thật bằng những việc làm cụ thể của mình.
Bạn cũng có thể đề cập trong CV (hồ sơ việc làm) của mình bạn là người có khả năng tự học nếu những kiến thức ấy cần cho công việc. Ví dụ như những kiến thức căn bản về lập trình, phần mềm máy tính hay thiết kế web, … Tuy nhiên, hãy cẩn thận khi nói những điều này, tốt nhất bạn chỉ nên nói khi mình thật sự có khả năng.
Bạn nên thể hiện được sự nhiệt tình với công việc, sự năng động của tuổi trẻ, sẵn sàng đối mặt với những khó khăn trong công việc; để những người chủ của bạn thấy được sự nhiệt tình năng nổ của bạn, đó là những tố chất quí báu của người nhân viên mà hầu như các công ty đều rất cần.
Thực tế bạn là một người có khả năng học hỏi nhanh và rất cầu tiến trong công việc, bạn cũng từng có những kinh nghiệm tuyệt vời trong một công ty nổi tiếng nào đó chẳng hạn… hãy thể hiện điều đó cho mọi người biết, không phải để nhận được những ánh mắt ngưỡng mộ của các đồng nghiệp mà là để họ thấy được bạn là một người rất có tiềm năng và đáng để mọi người tin cậy, nhất là trong công việc.
Bạn là một nhân viên mới? Đừng ngần ngại hãy đề xuất với lãnh đạo của mình một khóa huấn luyện bổ sung các kỹ năng để có thể làm tốt công việc của mình, chú ý sắp xếp thời gian sao cho hợp lý để những khóa học này không ảnh hưởng đến công việc của mình.
Nói chung, để là một nhân viên mới tích cực, bạn nên:
Siêng năng và sẵn sàng làm việc nhiệt tình ngay trong những lúc gặp công việc khó khăn.
Là một trợ thủ đắc lực cho sếp nếu cần (với những ưu điểm vừa kể trên).
Một niềm say mê công việc và khát khao xây dựng cho mình một sự nghiệp vững bền cho mình.
Trong trường hợp công việc không đạt hiệu quả như mong muốn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn với lãnh đạo để tìm ra giải pháp khắc phục cũng như nâng cao hiệu quả cho công việc.
Những kiến thức được học trong trường luôn có ích với bạn, nhất là trong bối cảnh để làm tốt công việc cần có rất nhiều kỹ năng như hiện nay.
Ai cũng phải trải qua thời kỳ là một “nhân viên mới”, nếu bạn là một sinh viên mới tốt nghiệp thì thực tế này lại càng gần gũi hơn. Tuy nhiên, nếu bạn là một sinh viên mới tốt nghiệp thì không nên ứng tuyển và những công ty yêu cầu kinh nghiệm 5 năm trở lên, CV của bạn sẽ bị loại ngay từ đầu. Tốt nhất bạn nên nộp hồ sơ vào những công ty không cần kinh nghiệm hoặc yêu cầu một năm trở xuống. Bạn sẽ có cơ hội tốt hơn ở những nơi này.