Khi gặp phải “quái sếp”
Lượt xem: 14,023Bạn biết đấy, những kẻ hay la hét lớn tiếng, những người có “khuynh hướng bạo lực” lại thường là những người kiểm soát thu nhập của bạn. Bởi thế dù muốn hay không, bạn vẫn phải học cách chung sống với sếp.
Những ông chủ kiêu căng
Họ kiêu căng bởi vì họ ở một vị trí có quyền lực. Nhưng sự kiêu căng đó chứng tỏ họ không biết cách vận dụng quyền lực một cách hiệu quả. Một ông chủ kiêu ngạo hay yêu cầu bạn làm việc như ông ta. Một trong những cách đối phó tốt nhất là cứ thong thả tham gia trò chơi đó.
Bạn đừng sống chết với những gì ông ta muốn bởi vì những gì sếp muốn bạn làm không có giới hạn mà có chiều hướng làm cho bạn kiệt sức hoặc tệ hơn là không còn nhận ra chính bản thân mình. Thay vào đó hãy nói cho ông ta biết ông ta rất quan trọng với bạn vì đã giúp bạn thăng tiến và bạn không thể làm gì được nếu không được sếp nâng đỡ.
Cấp trên có tính nhỏ nhen
Những người này luôn để ý mọi chuyện nhỏ nhặt thì việc chứng minh bằng tư liệu những gì bạn đã làm là cách hay nhất. Hãy cân nhắc thật kỹ rồi gửi báo cáo chi tiết cho sếp biết chính xác những gì bạn đã làm và những gì còn lại phải hoàn tất. Thật ra, những gì người hay để ý đến chuyện nhỏ nhặt sẽ nắm bắt rất nhanh những gì bạn báo cáo bằng văn bản. Do vậy, hay cho họ có cảm giác kiểm soát được bạn.
Thêm nữa các ông chủ là một loại người đặc biệt. Bạn có thể nói với các đồng nghiệp một cách thẳng thắn và chân thành những điều bạn đang nghĩ về sếp khi bạn tìm được một chỗ làm mới. Còn trong trường hợp bạn vẫn coi trọng công việc đang làm thì nên đề cập đến vấn đề này một cách hết sức tế nhị.
Nếu sếp là một người hết sức tệ
Hãy nhanh chóng học thủ thuật sau: Khi có vấn đề, nhiều nhân viên cảm thấy cần phản ứng lại, nghĩa là la hét lại. Đó chính là một sai lầm lớn. Những trận nổi giận lôi đình của sếp thường chỉ là một sự bột phát nhất thời, chỉ kéo dài trong một vài phút và mau chóng qua đi.
Cách tốt nhất để đối phó với những cấp trên hay la hét chính là sự kiềm chế bản thân. Một chương trình quảng cáo chất khử mùi có câu slogan như thế này: “Đừng bao giờ để họ thấy bạn đang vã mồ hôi”. Một lời khuyên tốt đấy. Thậm chí trong trường hợp bạn đúng thì cũng cứ để ông ta nói bạn sai. Trong những cuộc đụng độ kiểu này, có một câu mà nhiều người muốn nói với sếp của họ: “Anh là một thằng ngốc!” Nếu được nói toạc câu này vào mặt một ông chủ đáng ghét đang la hét thì “đã” biết mấy, đúng không?
Nhưng sếp có thể nổi khùng còn bạn thì không thể. Nếu bạn cảm thấy ngột ngạt thì cố gắng đếm thầm đến 20 trong khi sếp đang trong cơn giận dữ và làm ầm lên chứ đừng lọt vào cuộc xung đột đó. Nếu đếm đến 20 vẫn chưa đủ, nếu sếp vẫn còn la hét, đếm từ 30-60.
Tự cho bạn một khoảng thời gian để thở và cứ để sếp trút cơn giận khi bạn đang thở. Dù sao thì trong khi tập trung vào hơi thở bạn cũng sẽ không thể để tâm lắm vào những điều con người giận dữ kia đang gào, nên sẽ không bị tổn thương mấy.
Còn một cách nữa là bạn điều chỉnh âm lượng của mình bằng khoảng 75% âm lượng của sếp và nói rằng: “Tốt nhất tôi sẽ trở lại sau và chúng ta tiếp tục giải quyết vấn đề này”.
Nếu sự việc trở nên tồi tệ quá sức chịu đựng bạn có thể nói chuyện với người có trách nhiệm ở phòng nhân sự để họ tìm cách hòa giải hoặc đề nghị họ trình vấn đề này lên cấp cao hơn. Nhưng bạn nên biết rằng khi vấn đề của bạn được đem lên cấp cao hơn có nghĩa là bạn đã đặt sếp bạn vào một tình huống khó chịu. Cũng có khả năng là việc hòa giải thành công nhưng nếu thất bại, thì sếp bạn sẽ có ác cảm và nghĩ bạn không trung thành.
Khi sếp chỉ quan tâm đến mình
Hãy cẩn thận trong lời nói khi có một cấp trên hay lạm dụng người khác. Bạn đang tham gia một cuộc họp và cấp trên của sếp bạn cũng có mặt. Lúc đó cả bạn và sếp bạn lại là những người cùng cảnh ngộ, nghĩa là đều muốn khẳng định mình trước mặt sếp lớn. Đây là lúc bạn phải tập trung cùng với sếp tạo ấn tượng tốt cho bộ phận bạn, cho dự án đang thực hiện và đặc biệt là làm mở mày mở mặt cho sếp trực tiếp.
Nếu bạn cứ nhất quyết dành lấy cơ hội này cho mình, rất có khả năng sau cuộc họp sếp trực tiếp sẽ nói: “Tại cuộc họp, cô khiến mọi người nhìn tôi như nhìn một thằng ngốc!”. Có thể, đó là những lời cuối cùng ông ta nói với bạn.
Điều cuối cùng
Những ông chủ tệ là những người có khả năng làm cho một công việc tốt đẹp thành một cơn ác mộng khủng khiếp. Nếu bạn cảm thấy quá chán mọi thứ, kể cả hòa giải. Nếu bạn cảm thấy khó chịu khi làm việc mỗi ngày vì phải đối mặt với một người như thế thì đã đến lúc tìm một công việc khác.
Rời bỏ cuộc sống hôn nhân vì sự không hòa hợp giữa hai người cũng là chuyện bình thường và từ bỏ công việc vì một ông chủ quá đáng, quá sức chịu đựng cũng là chuyện đương nhiên. Nhưng phải chắc chắn rằng bạn đã thật sự chán mọi thứ, cố gắng đừng từ bỏ công việc ngay từ lần đầu tiên xích mích.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :