Khi mức lương bị tiết lộ...
Lượt xem: 33,267Tiền lương là một vấn đề vô cùng nhạy cảm ở chốn văn phòng. Cũng chính vì vậy, đây luôn là tâm điểm nóng bỏng, được mang ra bàn luận dù dưới hình thức “công khai” hay “úp úp mở mở”…
Lương bao nhiêu – cấm tiết lộ!
Chị Hương, nhân viên kinh doanh, kể lại câu chuyện “xương máu” của mình về chuyện vô tình tiết lộ mức lương: “Mỗi khi nhớ lại tôi luôn cảm thấy hối tiếc vì mình đã quá thật thà, chẳng suy nghĩ gì lúc nói chuyện mức lương mình đang hưởng. Lần ấy, mấy chị em bạn bè đi ăn cùng nhau, vừa ăn vừa nói chuyện. Một người bạn làm ở một công ty khác hỏi tôi mức lương hiện tại là bao nhiêu, như một phản xạ tôi đã không cần đắn đo suy nghĩ mà… nói “toạc” ra luôn. Sau này tôi mới thấm thía hậu quả từ lời nói thẳng của mình. Vì từ lúc đó trở đi, việc gì người bạn đó cũng “xỏ” tôi rằng: “Lương cậu cao thế còn gì nữa”, “Chuyện đó chẳng là gì so với mức lương của cậu”… Tệ hơn nữa là hầu như ai cũng biết mức lương của tôi…
Lúc vô tình tiết lộ mức lương của mình, chị Hương không nhớ rằng công ty của chị lâu nay có quy định bất thành văn là phải giữ kín mức lương của mỗi nhân viên. Cũng như công ty nơi chị Hương làm việc, các công ty khác hiện nay thường trả lương cho nhân viên qua tài khoản, nếu trả bằng tiền mặt cũng hạn chế tối đa việc để các nhân viên biết và tìm hiểu thông tin về lương, thưởng của nhau. Tuy vậy, thật khó có thể ngăn cấm “nhu cầu thiết yếu” – tìm hiểu, thậm chí là xem trộm hay dò la để phát hiện lương bổng của đồng nghiệp của một số nhân viên.
“Tại công ty của mình có quy định rõ ràng là nếu vô tình hay cố ý tiết lộ tiền lương của mình cho người khác biết thì sẽ bị kỷ luật. Và mình cũng nghĩ rằng tự bản thân mỗi nhân viên sẽ không muốn cho người khác biết lương của mình đâu. Có biết thì cũng chỉ mập mờ thôi: Thứ nhất là nếu lương người khác cao hơn mình thì tự động mình sẽ cảm thấy… ghen tỵ, không vui, bất mãn. Thứ hai là sẽ có sự phân bì, so sánh giữa những người cùng chức vụ, công việc. Thứ ba là sẽ sinh ra lòng đố kỵ giữa các nhân viên, mất tình đoàn kết. Chính vì vậy, có nhiều lý do mà mức lương của ai thì người ấy tự biết chứ người khác sẽ khó biết được”, chị Mai, phụ trách truyền thông của một công ty bảo hiểm, phân tích.
Do quen biết, Trang được nhận vào làm cho một công ty tương đối lớn. Cũng vì quen biết, Trang rất ngại đề cập đến chuyện lương bổng cũng như những khoản ưu đãi khác. Mấy tháng đầu công việc có vẻ “ngon lành” nhưng được một gian sau, Trang bắt đầu cảm thấy mình được trả lương không tương xứng, khi cô vô tình biết được mức lương của cô bạn đồng nghiệp cùng tính chất công việc nhưng lại cao hơn cô rất nhiều.
Cảm giác “bị bóc lột” khiến Trang chán chường với công việc. Mỗi ngày lên công ty, với Trang, chẳng khác nào là sự ép buộc. Hơn nữa, quan hệ thân thiết với cô bạn đồng nghiệp trở nên không còn như xưa, xen vào đó là cảm giác ghen tỵ, bực bội… Cứ thế, cho đến khi cô không thể chịu đựng được nữa và nộp đơn xin nghỉ việc.
Như vậy, có thể thấy khi bí mật lương bổng được giữ kín lâu ngày bị bật mí ngay sau đó sẽ có vô vàn những điều… bùng nổ. Đầu tiên là không khí trong phòng làm việc trở nên có vẻ căng thẳng hơn, mọi người dường như e dè nhau hơn với thái độ làm việc lạnh lùng, không hợp tác. Nếu đó là quan hệ giữa nhân viên cũ và mới thì chắc chắn sẽ khó có sự hòa hợp. Nhân viên mới dễ trở nên chán nản và mệt mỏi vì bị đồng nghiệp chèn ép và cô lập, nhân viên cũ thì cảm thấy mình đang bị đối xử bất công…
“Giấy không gói được lửa”!?
Ở khía cạnh ngược lại – đó là khi công ty công khai lương bổng của nhân viên. Chị Tuyết làm việc ở một công ty xây dựng cho biết: “Công ty nơi tôi làm việc là công ty nhà nước nên hầu như ai cũng biết mức lương của nhau cả, vì đều theo hệ số lương đã quy định. Và những người có mức lương cao, một phần là đã làm lâu năm, phần khác là những người thực sự giỏi, làm xuất sắc công việc của mình nên đã được tăng lương trước thời hạn hay đột xuất… Đó là những tấm gương để chúng tôi phấn đấu thăng tiến”.
“Tôi là nhân viên kế toán mới đi làm được khoảng 5 năm. Tôi nghĩ tại sao công ty không công khai chính sách lương bổng để nhân viên không bất mãn và hiểu lầm lẫn nhau. Một gợi mở là nhà quản lý có thể đưa ra một biểu đồ lương cụ thể (cụ thể đến mức nào thì do các nhà quản lý quyết định) qua đó sẽ kích thích tinh thần phấn đấu của nhân viên để đạt được mức lương phù hợp. Bởi theo tôi thì không có cách nào để giấu nhẹm lương của nhân viên mãi được”, chị Hà, làm việc ở một công ty du lịch đề xuất.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :