Khi nhân viên tạo dựng “thương hiệu”
Lượt xem: 12,591Làm việc cho một công ty quảng cáo nhưng tiếng tăm của Dung lại được khá nhiều người trong cùng lĩnh vực biết đến. Khả năng làm việc và sức chịu đựng áp lực công việc của Dung thật khiến cho nhiều vị sếp phải mơ ước. Ngay từ lúc phỏng vấn xin việc vào công ty, Dung đã khiến cho lãnh đạo hiện nay của cô bất ngờ vì phong cách cũng như khả năng giao tiếp bản lĩnh và nhanh nhẹn của cô. Chính vì vậy, mặc dù không vượt trội so với các ứng viên khác về chuyên môn nhưng Dung đã nhẹ nhàng vượt qua họ bởi “thương hiệu” của bản thân.
Dung bộc lộ “Ai cũng có những mặt mạnh của mình và đó là con cờ để một ứng viên đưa vào trận đấu so tài cao thấp. Thế nhưng nếu không biết cách đi quân cờ đó như thế nào cho đúng thì bạn cũng không thể thắng được. Điều đó cũng có nghĩa là một nhân viên không thể khẳng định được “thương hiệu” bản thân thì thật khó để thành công”.
Từ ngày bắt đầu đi làm đến bây giờ, khi đã là trưởng phòng nắm trong tay hàng chục nhân viên, Dung vẫn luôn là người đến sớm nhất và cũng ra về muộn nhất công ty. Kế hoạch cấp trên giao xuống luôn được Dung và các đồng nghiệp hoàn thành trước thời hạn và kết quả thì thường vượt quá sự mong đợi. Nhắc đến Dung, các nhân viên khác không quên nhắc về nguyên tắc từ trước đến nay Dung vẫn dùng để làm việc và quản lý cấp dưới “không chấp nhận bất cứ sai sót và sự chậm trễ nào, dù là nhỏ nhất”. “Thương hiệu” của Dung gắn liền với hai chữ “tận tâm” và “kỉ luật”.
Nhìn nhận một thứ gọi là “thương hiệu” của nhân viên thực ra không phải là thứ gì đó mơ hồ. Đó là một chuỗi các biểu hiện của một nhân viên hết mình vì công việc và vì sự phát triển của công ty, doanh nghiệp mà họ chỉ là một cá nhân nhỏ bé trong tập thể lớn. Với nhiều nhân viên, giá “thương hiệu” của họ sẽ được xác định bằng chính bảng thành tích công việc từ trước đến nay mà họ có.
Trường là một chuyên gia “nhảy việc” nhưng chưa bao giờ phải chịu cảnh thất nghiệp. Sự luân chuyển giữa các công ty với Trường chỉ là cách để anh làm dài thêm bản thành tích đáng nể của mình. “Nhiều người bảo tôi thích chứng tỏ bản thân và hơi liều lĩnh nhưng tôi thích được biết đến nhiều hơn trong lĩnh vực của mình. Tạo dựng “thương hiệu” bằng cách “nhảy việc” có vẻ hơi mạo hiểm nhưng tôi có năng lực và tôi nghĩ mình không việc gì phải lo ngại. Các công ty tôi muốn làm việc chưa bao giờ từ chối tôi vì với họ, resume của tôi đã đủ để họ cảm thấy hài lòng”.
Chắc hẳn nhiều vị sếp đều mong muốn nhân viên của mình có “tiếng” hơn là những cái bóng mờ nhạt trong văn phòng, công sở. “Thương hiệu” của nhân viên đôi khi lại chính là thước đo đánh giá khả năng quản lý và lãnh đạo của cấp trên và cũng góp phần không nhỏ trong việc gây dựng thêm thương hiệu của công ty. Tạo dựng xung quanh mình những cấp dưới có “giá” như thế luôn là điều mơ ước và sếp thì phải biết cách giúp đỡ nhân viên của mình làm nên được tên tuổi. “Thương hiệu” là bản sắc riêng, nhân viên ngày nay luôn khiến mình có thể trở nên nổi bật hơn, vì sự thăng tiến của bản thân và cũng vì công ty, doanh nghiệp mà họ đang cố đưa nó phát triển không ngừng.