Khi nhân viên trẻ quá... bản lĩnh
Lượt xem: 13,327Tân, Giám đốc một công ty khá thành công trong lĩnh vực truyền thông, đã không ít lần phải bất ngờ trước cách ứng xử và phong cách làm việc thẳng thắn, bộc trực, đặc biệt là không hề biết e sợ trước người quản lý của những nhân viên trẻ, dù họ chỉ mới vào công ty.
Lúc đầu Tân cũng nhận định đơn giản rằng có lẽ nhân viên công ty mình hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thường xuyên tiếp xúc với công chúng cũng như các cơ quan báo chí, đặc trưng nghề nghiệp có nhiều nét chuyên biệt nên họ thực sự là những người có năng lực, biết ăn nói, bản lĩnh. Thế nhưng, khi nói chuyện với bạn bè mình cũng là các giám đốc công ty khác, Tân mới biết không chỉ nhân viên thuộc giới truyền thông mới có tố chất đó mà hiện nay, đâu đâu cũng có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người trẻ như vậy.
Theo nhận xét chung của những nhà quản lý, tầng lớp "lao động có bản lĩnh" như hiện nay chủ yếu thuộc đội ngũ trí thức, có năng lực thực sự và rất biết mình biết ta. Họ nhận thức được vai trò cũng như sự đóng góp của mình đối với công ty nên theo cách nghĩ chung của tầng lớp này thì không việc gì phải khúm núm hay sợ hãi trước bất cứ ai.
Sếp, với họ, đơn giản cũng chỉ là người quản lý, sắp xếp công việc chứ không thể làm được tất cả mọi việc. Đôi khi, một số nhân viên còn tự cảm thấy năng lực chuyên môn của sếp còn không thể bằng mình. Không thể dễ dàng vươn lên một tầm cao như mong đợi trong ngày một ngày hai nhưng các nhân viên kiểu này luôn tự tin để thấy được tương lai rộng mở trước mắt trên con đường thăng tiến của mình.
Thế nhưng, không ít ông sếp cảm thấy "gai" mắt trước những con người dám to tiếng như vậy. Chuyện thẳng tay sa thải nhân viên chỉ vì sự "cứng đầu" cũng nhiều như cơm bữa. Tuy vậy, những nhân viên này cũng chẳng lấy làm buồn bã khi bị "đá" ra ngoài cửa mà ngược lại, bản thân họ còn cảm thấy may mắn vì không phải gắn bó lâu dài với một môi trường "thiếu thiện chí" và tinh thần tiếp thu như vậy. Với những người giỏi, có quá nhiều cơ hội cho họ lựa chọn. Và không ai khác, chính họ mới là người được cho mình cái quyền lúc nào đi lúc nào ở.
Tốt nghiệp đại học ở Mỹ, Hùng trở về nước với không biết bao nhiêu lời mời mọc cũng những chế độ đãi ngộ theo kiểu rải thảm đỏ của các công ty tên tuổi. Nhanh chóng chọn cho mình một vị trí làm việc ưng ý, chế độ lương thưởng tương xứng cùng cơ hội thăng tiến thấy rõ nhưng với bản tính nói thẳng, không ít lần Hùng khiến sếp phải ấm ức khi những ý kiến sếp đưa ra trong các cuộc họp, bàn luận đều bị anh vạch rõ những yếu điểm và khả năng ứng dụng khó khả thi.
Bên cạnh đó, Hùng còn đưa ra gần như ngay lập tức những sáng kiến của riêng mình. Các ý tưởng của Hùng thì đến cả sếp, dù đang giận đến mấy cũng không thể không tâm phục khẩu phục. Hùng hiểu rằng một người có năng lực như anh thì có cho tiền, sếp cũng không dám nói đến hai chữ "sa thải".
Tuy thừa nhận có nhiều lúc thấy mất lòng sếp và tạo không khí căng thẳng, nhưng theo Hùng, nếu anh không dám lên tiếng bộc lộ rõ quan điểm của mình giữa các đồng nghiệp quen với việc im lặng khi sếp nói thì công ty sẽ không tiến lên một cách nhanh chóng được.
Những người trẻ như Hùng đang tạo ra một làn sóng mới trong giới nhân viên công sở hiện nay, một làn sóng đủ sức làm thay đổi cả một cơ chế quản lý thường theo lối cũ: sếp là trên hết và nhân viên thì phải biết nghe lời.
Môi trường làm việc hiện đại đang thực sự làm tăng lên số lượng những con người bản lĩnh, dám nghĩ dám làm. Chính họ chứ không ai khác sẽ khiến cho các ý tưởng được ra đời, các dự án được thực hiện không chỉ bởi một cái đầu của sếp mà là một sự cộng tác toàn diện. Tất nhiên, sếp cũng cần phải tùy cơ ứng biến để giúp những con người "mạnh miệng" này phát huy hết khả năng làm việc của mình mà không làm tổn hại đến môi trường làm việc của một công ty vì dù thế nào, công sở cũng là nơi cần "có trên có dưới".