Khi sếp là người thiếu tính tổ chức
Lượt xem: 13,900
Bạn thật sự hài lòng khi nhận được quyết định tuyển dụng: lương cao, môi trường làm việc tiện nghi, đi lại thuận tiện? Tuy nhiên, chỉ tuần đầu sau khi đi làm, bạn nhận ra mình đang đối mặt với một vị sếp thiếu tính tổ chức một cách toàn diện.
Vị sếp đáng kính ấy không hề đưa ra bất kỳ một sự phác thảo cơ bản nào cho công việc của bạn. Mọi kế hoạch hoạt động của công ty không hề được thông báo trước để bạn có thể chuẩn bị một cách tốt nhất. Thậm chí, vị sếp ấy còn làm thất lạc những bản báo cáo mà bạn đã nộp, khiến bạn phải bắt đầu lại trong tình trạng nước sôi lửa bỏng. Bạn gặp khó khăn trong việc phát triển các mối quan hệ công việc bởi sếp trót quên giới thiệu những đối tác quan trọng cho bạn…
Trong tình cảnh đi không nỡ, ở chẳng xong ấy, bạn sẽ phải làm gì?
Bắt đầu từ chính bản thân
Hầu hết những vị sếp thiếu tính tổ chức như vậy đều biết rất rõ những nhược điểm cá nhân của mình. Song họ chưa chú tâm hay thật sự là chưa có cơ hội để tạo nên sự thay đổi cho bản thân. Bạn tuyệt đối không nên chỉ trích hay đi thẳng vào nhược điểm của sếp, tránh tạo những ấn tượng không hay cho sếp. Hãy làm cho sếp cảm nhận được sự ngăn nắp và có tổ chức trong những công việc được sếp giao phó.
Biết người biết ta…
Hãy tạo dựng cho mình một mối quan hệ chân thành với đồng nghiệp. Qua đó, bạn có thể tìm được nhiều thông tin có ích về vị sếp đáng kính của mình, đặc biệt là những người đã có dịp làm việc trực tiếp với sếp trước đây. Một sự hiểu biết thấu đáo sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc “cải tạo” sếp.
Hãy là một người trợ thủ đắc lực của sếp
Điều này không chỉ đơn giản là hoàn thành phần việc được giao. Khi có điều kiện, bạn hãy giúp sếp làm những việc đơn giản như sắp xếp lại bàn làm việc, tư vấn cho sếp cách xếp lịch cho những cuộc gặp gỡ đối ngoại… Không yêu cầu bạn kiêm luôn phần của một thư ký chuyên nghiệp mà điều cốt lõi ở đây là bạn sẽ tạo được một ấn tượng về tính trách nhiệm và lòng tin đối với sếp.
Chọn đúng thời điểm
Thông qua những khoảng thời gian gặp gỡ ngoài lề, bạn có thể đưa ra những ý kiến chủ quan để tạo nên những thay đổi trong thói quen công việc của sếp, song hãy tế nhị, lịch sự và mọi thứ phải được tạo dựng một cách chắc chắn. Điều quan trọng là bạn phải cảm nhận được sự chân tình của sếp trước khi đưa ra ý kiến của mình.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :