Khi tinh thần làm việc của nhân viên tụt dốc.
Lượt xem: 15,574
Ngày nay, chí khí làm việc của nhân viên công nghệ thông tin (CNTT) đang giảm sút nghiêm trọng. Đâu là nguyên nhân? Câu trả lời là nguồn lực cạn kiệt, yêu cầu công việc cao đến mức không thể đáp ứng được.
Thờ ơ, căng thẳng, sợ hãi, kiệt sức là những từ mà gần đây các chuyên gia CNTT luôn nhắc đến khi nói về cảm nhận của họ đối với công việc.
Điều này đã được minh chứng trong hơn 30 cuộc phỏng vấn và 200 bảng trả lời câu hỏi thu thập được trong một cuộc khảo sát. Kết quả khảo sát còn cho thấy nhân viên CNTT thậm chí chán ghét công việc họ đang làm.
Tinh thần làm việc của nhân viên CNTT đang tuột dốc như xe không thắng.
Một chuyên viên CNTT làm việc cho ngành ngân hàng trong 20 năm qua cho biết : “Đây là điều tồi tệ nhất từ trước đến giờ mà tôi chứng kiến. Tinh thần làm việc tuần này tệ gấp hai lần so với tuần trước.”
Các cuộc nghiên cứu đã chứng minh điều này. Vào tháng Sáu năm nay, gần ba phần tư trong số 650 công ty được Meta Group Inc. khảo sát cho rằng họ đang gặp khó khăn do tinh thần làm việc sa sút của nhân viên CNTT. Năm ngoái, hai phần ba các nhà quản trị cho rằng tinh thần làm việc đi xuống của nhân viên là vấn đề bức xúc cần phải giải quyết.
Theo báo cáo mới nhất của Công ty tuyển dụng Challenger, Gray & Christmas Inc. có trụ sở tại Chicago, ngành công nghệ Mỹ tiến hành thêm một đợt cắt giảm nhân sự vào quý 3 năm 2004. Tổng giám đốc John A. Challenger nói : “Việc cắt giảm nhân sự trong ngành công nghệ cao đang trên đà gia tăng vào dịp cuối năm.”
Từ tháng 7 đến tháng 9-2004, theo báo cáo nói trên, có đến 54.701 nhân viên bị mất việc làm, tăng 60% so với quý 2. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng mới lại không có.
Mất việc làm chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhân viên CNTT cho rằng nguyên nhân chính là nguồn lực bị vắt kiệt, những kỳ vọng phi thực tế, lãnh đạo thiếu tầm, chính sách và thủ tục tệ hại. Chúng làm cho họ sợ hãi, kiệt sức, uất ức, và từ đó, ảnh hưởng đến công tác cải tiến và năng suất lao động. Về lâu dài, sức khỏe của nhân viên CNTT cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Một cuộc khảo sát 9.854 nhân viên CNTT do tạp chí Computerworld tiến hành năm 2004 cho thấy có đến 88% số người được khảo sát cho biết công việc làm họ bị căng thẳng.
Nhìn thấy vấn đề
Mặc dù không hài lòng, nhân viên CNTT cho biết rằng nỗi lo lớn nhất của họ là mất việc làm vì hiện nay các công ty vẫn tiếp tục cắt giảm nhân sự bằng cách chuyển công việc sản xuất, bảo hành và hỗ trợ phần mềm cho các nhà thầu trong nước có chi phí thấp hơn và các trung tâm dịch vụ ở nước ngoài. Họ cũng thừa biết những đồng nghiệp bị mất việc gặp rất nhiều khó khăn khi đi tìm việc - việc thì ít, người cần việc thì đông.
Mặt khác, trong nhiều trường hợp, nhân viên CNTT cho biết việc cắt giảm nhân sự làm cho những người ở lại cảm thấy kiệt sức do phải liên tục làm thêm giờ. Theo một cuộc khảo sát về lương năm 2004 do tạp chí Computerworld thực hiện, nhân viên CNTT phải làm bình quân 47 giờ mỗi tuần so với 46 giờ cách đây một năm.
Thời huy hoàng đã qua
Nhân viên CNTT nay nuối tiếc một quá khứ huy hoàng của ngành này. Trước đây, họ được trả lương hậu hĩnh và được kính nể nhưng nay mọi việc đã khác. Một người cho biết : “Hiện nay chúng tôi phải làm nhiều giờ liền nhưng đồng lương lại thấp, điều kiện làm việc tồi tệ. Những thứ xa xỉ trước đây không còn nữa. Lãnh đạo công ty sẽ tỏ ra khó chịu nếu bạn yêu cầu cung cấp trang thiết bị mới. Chúng tôi không còn được xem như những chuyên gia không thể sa thải hoặc thay thế.”
Giám đốc dự án của một công ty tài chính Mỹ trị giá hàng tỷ đô la chua cay nói rằng CNTT trước đây là một nghề nhưng hiện nay chỉ là một công việc.
Lời khuyên của chuyên gia
Kay Palmer, Giám đốc CNTT của Công ty J.B. Hunt Transport Services Inc. có trụ sở tại Lowell, bang Arkansas (Mỹ), cho biết bà có thể hiểu được sự thất thần của nhân viên CNTT liên quan đến những thay đổi lớn trong ngành CNTT. “Họ nhận thấy rằng đầu tư vào CNTT ngày một ít đi và sự háo hức không còn như những năm 1990,” bà nói. “CNTT trước đây được mọi người đánh giá cao, được đối xử đặc biệt nhưng nay chỉ đón nhận sự thờ ơ.”
Ông K.C. Tomsheck, Giám đốc CNTT của Tập đoàn CDW Corp. có trụ sở tại Vermon Hills, bang Illinois (Mỹ), đề nghị các nhà quản lý nên xác định rõ ràng kế hoạch phát triển nghề nghiệp nếu muốn trấn an nhân viên CNTT. Vì vậy tất cả 153 nhân viên CNTT của công ty đều có kế hoạch phát triển cá nhân để biết chính xác nơi nào họ phù hợp với khả năng của nhất.
Còn tại Công ty Royal Caribbean Cruises có trụ sở ở Miami (Mỹ), 325 nhân viên của công ty đều có kế hoạch phát triển cá nhân. Kế hoạch này xác định vị trí mà họ đang đứng và kỹ năng nào họ cần bổ sung để có thể làm việc ở bất cứ nơi nào họ muốn. Giám đốc phụ trách hòa nhập Greg Martin cho biết : “Sau đó, chúng tôi kết hợp các khóa đào tạo, giao dự án, hướng dẫn, huấn luyện để tạo điều kiện cho nhân viên đạt mục tiêu mà họ đề ra.” Hàng quý hoặc hàng năm, công ty xem lại kế hoạch phát triển cá nhân của từng người và điều này giúp giảm sự lo lắng của nhân viên về khả năng họ đi chệch hướng trong nghề nghiệp.
Không phải sợ hãi
Jean Delaney Nelson, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc CNTT Công ty Bảo hiểm nhân thọ Minnesota Life (Mỹ), cho rằng cách tốt nhất để giúp nhân viên tránh nỗi lo bị sa thải là tránh việc sa thải. Để làm được điều này, công ty của bà tuyển dụng nhân viên rất khắt khe. “Không như các hãng hàng không, chúng tôi không tuyển dụng ồ ạt. Nếu cần giảm nhân sự, chúng tôi sẽ tiến hành từ từ. Chúng tôi chưa bao giờ sa thải nhân viên không phải vì không có chính sách sa thải, mà vì ngay từ ban đầu chúng tôi sử dụng nhân sự rất thận trọng.”
Công ty Minnesota Life đã chuẩn hóa việc sử dụng công nghệ cho tất cả các hoạt động kinh doanh, vì vậy họ tránh được việc sa thải nhân viên. Bà Delaney Nelson giải thích : “Tất cả những công ty xây dựng phần mềm ứng dụng cho chúng tôi đều hỗ trợ một bộ công cụ chuẩn. Nếu cần giảm nhân sự ở một bộ phận nào đó, chúng tôi dễ dàng chuyển họ đến bộ phận khác.”
Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là các giám đốc CNTT ở những công ty có mức độ hài lòng cũng như tinh thần làm việc của nhân viên CNTT tương đối cao nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giao tiếp chân thành, thường xuyên, rõ ràng với nhân viên CNTT. “Thiếu thông tin dễ gây ra sự hồi hộp, căng thẳng - không biết liệu công ty có giao việc làm hay thuê ngoài.
Hoặc biết có đợt cắt giảm chi phí, nhưng không biết nó xảy ra lúc nào,” bà Delaney Nelson nói. “Nếu nhân viên cảm thấy họ không được ngó ngàng đến, đó là nhân tố lớn tác động tinh thần làm việc. Bộ phận quản lý thường thông tin cho nhân viên hàng tuần và đồng thời tiến hành xem xét tinh thần làm việc của họ. Nếu bạn tin tưởng nhân viên, họ sẽ tin tưởng bạn.”
Những tình huống PHẢN TÁC DỤNG
Điều gì đã làm ảnh hưởng đáng kể điều kiện làm việc của công ty bạn trong năm qua ?
60% : Cắt giảm ngân sách
53% : Khối lượng công việc tăng (do cắt giảm nhân sự)
40% : Sa thải nhân viên thường xuyên
35% : Không tăng lương
35% : Không tuyển dụng thêm nhân viên
Cơ sở điều tra :
7.607 nhân viên CNTT, cho phép trả lời nhiều câu hỏi
(Nguồn : Điều tra lương do tạp chí Computerworld thực hiện năm 2004)