Khởi nghiệp từ ghế giảng đường
Lượt xem: 13,175Một chút đam mê, một chút liều lĩnh và... nhiều ý tưởng, nhiều sinh viên đang tự bước vào đời như một cách thử thách mình, bằng năng lực của mình. Điều quan trọng: họ khẳng định được chính mình.
Từ những ý tưởng thuở học trò
Phương Hạnh, cô SV năm 2 khoa kinh tế Trường ĐH Thương mại, nung nấu ý tưởng kinh doanh của mình từ khi còn học phổ thông. Vào những dịp lễ tết như Noel, Valentine, quốc tế phụ nữ... chính những việc tặng quà lẫn nhau của các bạn trong lớp, có một nữ sinh nảy ra... ý tưởng kinh doanh.
Một chút năng khiếu vẽ, một số tiền nuôi heo đất làm vốn kinh doanh và thêm những ý tưởng, Hạnh đã thiết kế những mẫu thiệp chúc mừng bán ngay cho bạn bè trong lớp theo kiểu... chi phí nguyên vật liệu là chính. Những hình vẽ ngộ nghĩnh, bắt mắt, cách cắt dán, thắt nơ khéo léo của cô bé đã tạo ra những chiếc thiệp nhỏ xinh xắn. Lô hàng “xuất xưởng” đầu tiên đã tiêu thụ hết ngay trong lớp 12A của Phương Hạnh.
Phương Anh - SV năm 2 khoa thiết kế Viện ĐH Mở - cũng bắt đầu bằng niềm đam mê của mình như thế. Từ khi còn học phổ thông, cô bé có một sở thích không giống ai: tận dụng những miếng vải dư thừa, Phương Anh tạo ra những chiếc váy, áo, găng tay xinh xắn cho mình, thậm chí làm quà tặng bạn bè cùng lớp nhân dịp sinh nhật, ngày lễ. Căn phòng trên gác, thế giới riêng của Phương Anh, là một “xưởng may” tí hon luôn bừa bộn.
Với chuyện của Minh Dũng, vốn từ hồi còn là SV năm 3 khoa công nghệ thông tin Học viện Kỹ thuật quân sự đã bức xúc rất SV: “Thích uống cà phê nhưng ngoài quán bán đắt quá”, Dũng nung nấu quyết tâm lập một quán cà phê mà mình là... ông chủ. Cố gắng tìm hiểu, phân tích nhu cầu của khách hàng vốn cùng trang lứa với mình, Dũng mạnh dạn thực hiện những ý tưởng. “Muốn thu hút được giới trẻ phải thật sự mới lạ, độc đáo” - Dũng khẳng định để không lâu sau biến chúng thành hiện thực ngay khi còn là SV.
Đến những doanh nhân SV
Ghé đến hiệu may thời trang Người Mẫu ở phố Tây Sơn (Hà Nội), khách ra vào nhộn nhịp, đặc biệt là những bạn gái. “Bà chủ” cửa hiệu là cô SV năm 2 Phương Anh cho biết: “Cửa hàng mình nhiều khách có lẽ do những mẫu thiết kế mang phong cách trẻ mà mình cảm hứng (về mẫu, gam màu) ngay trong cuộc sống, cách điệu lại một chút, cũng có thể do mình thiết kế theo sở thích, tính cách của khách hàng”.
Phương Anh còn có kiểu “lăng xê” cho thương hiệu sản phẩm của mình rất SV: những mẫu thiết kế mới nhất, nàng mặc luôn đến giảng đường để... quảng cáo và “hợp đồng” đặt hàng ngay ở trường học. “Bạn bè gọi đùa mình là manơcanh sống trên giảng đường” - Phương Anh dí dỏm.
Minh Dũng thì mạnh dạn góp vốn chung với hai người bạn “cổ đông” khác, đầu tư số vốn ban đầu gần 50 triệu đồng mở quán cà phê Wifi - PDA. Chàng sinh viên công nghệ thông tin đã biết sử dụng những kiến thức về công nghệ thông tin cập nhật của mình để đầu tư thiết bị cho quán theo kiểu “2 trong 1”: khách vừa uống cà phê vừa có thể thực hiện dịch vụ hotspot (truy cập Internet không dây) miễn phí. Dù giá cả ở mức trên... bình dân nhưng quán của Dũng luôn đông khách. “Mình nhắm vào khách hàng hi-tech (công nghệ cao), nhân viên văn phòng...” - Dũng bảo.
Riêng Phương Hạnh thì ngay khi vào học khoa kinh tế Trường ĐH Ngoại thương đã hăng hái tham gia khóa học “Khởi sự kinh doanh” của FPT. Ý tưởng làm thiệp “ngây ngô” hồi còn học lớp 12 trở thành ý tưởng kinh doanh có triển vọng. Những khái niệm “phân đoạn thị trường, mẫu mã sản phẩm...” trong môn học marketing không còn là lý thuyết suông mà được Hạnh vận dụng ngay vào thực tế.
Cô tiếp tục xin vào làm thêm tại Công ty chế bản Sabacu để nâng cao tay nghề của mình. Kết quả ra sao? Dịp 8-3 vừa rồi vay thêm một ít tiền của bố mẹ, Hạnh đặt in 3.000 tấm thiệp và... bán sạch.
Số tiền lãi Hạnh quyết định gom lại đầu tư cho dịp Noel năm nay. “Sắp Noel rồi, có lẽ mình sẽ tăng số lượng thiệp in lên 4.000 bản với mẫu mã cố gắng đa dạng, lạ mắt hơn” - Phương Hạnh mím môi đầy quyết tâm.