Không “sốc” khi nghe lời phê bình
Lượt xem: 32,056
Bạn cảm thấy khó khăn khi phải nghe những lời phê bình của đồng nghiệp? Tuy nhiên, nếu những lời phê bình đó là có cơ sở và được hiểu một cách đúng đắn thì nó có thể giúp bạn tiến bộ hơn rất nhiều.
Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn có cách nhìn nhận tốt hơn về những lời phê bình và tiếp nhận chúng sao cho có hiệu quả.
Hãy nghĩ rằng không ai là hoàn hảo
Ai cũng từng có sai lầm và những người thành đạt là những người biết rút ra bài học từ sai lầm đó. Thật vậy, ngạn ngữ có câu “Thất bại là mẹ thành công”. Đôi khi bạn có thể vấp ngã nhưng điều quan trọng là bạn phải đủ bản lĩnh để đứng dậy và bước tiếp. Chính vì vậy, hãy luôn luôn chuẩn bị để có thể vững vàng trong mọi tình huống.
Biết cách nhìn nhận lại sự việc
Thay vì phản ứng một cách tiêu cực, bạn hãy tự đặt những câu hỏi như “Tại sao anh/cô ấy lại nói như vậy?” hay “Mình đã nỗ lực hết sức mình cho công việc chưa?”… Có thể là đồng nghiệp muốn bạn có ý thức hơn về khuyết điểm của mình để lần sau bạn không mắc lại khuyết điểm tương tự.
Chính vì vậy, hãy lắng nghe những lời phê bình và đề nghị đồng nghiệp của bạn nói rõ ràng hơn về những sai sót của mình. Qua đó bạn cũng sẽ đánh giá được lời phê bình đó mang thiện ý giúp đỡ bạn hay còn có mục đích gì khác.
Luôn giữ bình tĩnh
Đừng bao giờ đặt cảm xúc của mình lên trước tiên. Có thể bạn khó chịu khi phải nghe những lời nhận xét không hay, đó là điều hoàn toàn dễ hiểu nhưng đừng vì thế mà tranh cãi với đồng nghiệp. Điều đó không mang lại cho bạn gì cả mà chỉ làm bạn tốn năng lượng vô ích.
Dù cho những lời nhận xét có căn cứ hay không thì tốt nhất là bạn hãy tỏ ra cởi mở và tại sao lại không chứng minh cho người khác thấy rằng anh/cô ấy đã nhầm? Với thái độ cầu thị, cuộc trao đổi giữa bạn và đồng nghiệp sẽ thoải mái hơn và cả hai sẽ dễ dàng tìm ra tiếng nói chung.
Tìm ra một giải pháp
Đừng tỏ ra thụ động hoặc tệ hơn nữa là tự cô lập mình, điều đó sẽ không giúp ích gì cho bạn. Cố chấp, cảm giác mình không được mọi người hiểu sẽ không thể làm bạn tiến bộ lên được. Thay vào đó, bạn hãy xem xét lại vấn đề để tìm ra cách khắc phục khuyết điểm.
Nếu bạn bị phê bình vì làm việc thiếu tính chính xác? Hãy cố gắng làm mọi việc có chiều sâu hơn. Còn nếu đồng nghiệp phàn nàn rằng bạn quá hồn nhiên. Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi làm việc gì đó và tỏ ra chín chắn hơn trước mắt mọi người nhé!
Ngược lại, nếu bạn nhận được những lời phê bình không có cơ sở và chỉ nhằm mục đích làm bạn mất mặt trước các đồng nghiệp khác thì bạn không nên mất thời gian, hãy coi như không biết và cho mọi người thấy bạn không như vậy!