Kinh nghiệm làm ăn với người Pháp
Lượt xem: 15,334Chuẩn bị đến Pháp bàn chuyện làm ăn, bạn nên chú ý đến trang phục. Chúng phải hợp thời trang, hợp thời tiết từng mùa và có đủ các đồ phụ tùng phù hợp vì người Pháp là những người rất ý thức về thời trang.
Người đối thoại với họ với trang phục thanh lịch sẽ dễ dàng nhận được thiện cảm ngay từ cuộc tiếp xúc đầu tiên.
Ngôn ngữ - vũ khí gây thiện cảm
Ở Pháp, nhiều khách quốc tế sử dụng tiếng Anh, nhưng nếu bạn nói được tiếng Pháp thì sẽ được đối tác xem là khách quý ngay.
Trong giao tiếp hàng ngày ở thương trường, công sở, người Pháp rất tôn trọng nghi thức xã giao, hệ thống cấp bậc, chức vụ. Đại từ nhân xưng “vous” đầy vẻ trân trọng luôn được sử dụng, nên tránh từ “tu”, trừ khi được yêu cầu.
Tiếng “bonjour” (chào buổi sáng), nụ cười, cái cúi đầu, tiếng “merci” (cám ơn), lời chúc “bonne journée” (chúc ngày tốt đẹp)… dường như ở sẵn cửa miệng của họ.
Người Pháp rất chú trọng đến sự đúng đắn về thời gian, quy cách giao tiếp và cũng rất tôn trọng các ngày nghỉ, ngày lễ.
Thẳng thắn nhưng tinh tế
Các cuộc thương thảo làm ăn thường diễn ra thẳng thắn, trực tiếp, ánh mắt nhìn thẳng vào mặt, mắt của người đối thoại. Đối tác Pháp hay đưa những câu hỏi, thắc mắc hóc búa nhằm xem thử trình độ, bản lĩnh, tài ứng xử của những người bạn làm ăn tương lai.
Người Pháp thích tranh luận về mọi đề tài trong cuộc sống, ở phạm vi địa phương lẫn phạm vi toàn cầu nên nếu người ngoại quốc đối thoại với họ có nhiều kiến thức, có tài hùng biện và mạnh dạn tham gia ủng hộ hay chống lại đều được hoan nghênh.
Người Pháp cho là thô thiển khi mới bắt đầu cuộc thương thảo mà đã đề cập đến tiền bạc. Chuyện ấy chỉ nên nhắc ở phần gần kết thúc cuộc họp. Người chức vụ cao nhất luôn là người có quyết định cuối cùng và cũng là người tuyên bố cuộc họp kết thúc.
Điều phải nhớ nữa là người Pháp rất chuộng ăn ngon, uống ngon nên đừng từ chối và cũng đừng quên mời họ đi ăn tối, từ 20 giờ trở đi. Trong các bữa ăn ấy, tránh nói đến chuyện làm ăn và đừng quên rằng người Pháp còn rất thích thưởng thức vang nên dù bạn không biết uống rượu cũng cố góp vui với họ một vài ly. Uống vang ở bữa ăn trưa (thường từ 12h30 trở đi) trước khi trở vào bàn làm việc họp tiếp cũng là chuyện thường tình nơi con cháu của những Rabelais, Alexandre Dumas…