Kỹ năng của bạn
Lượt xem: 13,401
Bạn đã xác định được các mối quan tâm cốt lõi cũng như các “giá trị về công việc” để quản lý việc phát triển nghề nghiệp. Đồng thời bạn cũng cần đánh giá các kỹ năng công việc của bạn. Ba phẩm chất này sẽ cùng nhau lập nên nền tảng về kiến thức bản thân mà bạn cần có để chọn cơ hội phát triển nghề nghiệp phù hợp nhất.
Nhưng chính xác thì kỹ năng công việc là gì?
Có nhiều loại kỹ năng và có những cách khác nhau để mô tả chúng. Sau đây là một số ví dụ:
+ Sử dụng đôi tay – như lắp ráp, vận hành máy móc, sửa chữa đồ vật…
+ Sử dụng ngôn ngữ - như đọc, viết, nói, giảng dạy…
+ Sử dụng cảm giác – như chẩn đoán, thanh tra, điều trị…
+ Sử dụng tính sáng tạo – như phát minh, thiết kế…
+ Sử dụng khả năng lãnh đạo – như khởi sự một dự án mới, tổ chức, chỉ đạo, ra quyết định…
Đánh giá các kỹ năng của bạn
Các kỹ năng mạnh nhất của bạn là gì? Khi khám phá các cơ hội phát triển ở tổ chức của bạn, bạn cần biết những kỹ năng mạnh nhất của bạn là gì và những kỹ năng nào ma bạn muốn tăng cường hay nhận được. Cũng nên nhớ rằng một số kỹ năng có thể chuyển giao còn một số thì không. Những kỹ năng có thể chuyển giao là những kỹ năng có giá trị bất kể bạn sử dụng chúng trong bối cảnh công việc nào, chẳng hạn như viết lách và quản lý nhân viên, tổ chức dữ liệu và bán bất động sản.
Tại sao cần phải biết các kỹ năng của bạn có thể chuyển giao hay không? Vì các kỹ năng có thể chuyển giao có thể mở rộng phạm vi lựa chọn các cơ hội làm việc tiềm năng có sẵn cho bạn. Chẳng nếu bạn có các kỹ năng về kế toán và tài chính, sự chuyển tiếp từ một công ty điện tử sang một công ty chế tạo thép không phải là một vấn đề lớn. Nếu con đường sự nghiệp của bạn bị tắc nghẽn ở nơi mà bạn đang làm hôm nay, bạn có thể chuyển sang nơi khác mà không cần đào tạo lại.
Nhưng điều gì xảy ra nếu những kỹ năng của bạn không thể chuyển giao được? Những kỹ năng không thể chuyển giao là những kỹ năng chỉ dành riêng cho công ty. Chúng chỉ có giá trị đối với công ty hiện bạn đang làm việc.
Khi đánh giá các kỹ năng, hãy suy nghĩ về khả năng chuyển giao. Điều này sẽ tác động lớn đến khả năng chuyển đổi công việc của bạn. Đồng thời hãy nhớ những điểm sau:
1) Các kỹ năng là những ngưỡng có thể thay đổi theo khả năng thực hiện công việc thành công của bạn
2) Dễ dàng thay đổi các kỹ năng của bạn. So với các mối quan tâm cốt lõi và các giá trị công việc, kỹ năng của bạn có thể thay tương đối dễ dàng. Tức là bạn có thể tăng cường các kỹ năng hiện tại của mình hoặc thu nhận thêm các kỹ năng mới thông qua luyện tập, đào tạo và các kinh nghiệm mới.
3) Mọi người đều có điểm yếu. Một số người cho rằng họ phải hoàn hảo về mọi mặt. Sự thật là tất cả chúng ta ai cũng có những điểm mạnh và điểm yếu. Thành công đến từ cách biết vận dụng các điểm mạnh và làm những gì có thể để giảm bớt các điểm yếu.
4) Hãy tính toán lợi ích của việc phát triển các kỹ năng mới so với chi phí phải bỏ ra. Việc phát triển kỹ năng mới có thể tốn kém về thời gian, công sức và có thể là tiền bạc. Vì thế khi bạn đánh giá một cơ hội mới tiềm năng ở nơi làm việc, hãy xem xét chi phí phát triển các kỹ năng mà cơ hội đó đòi hỏi.
Sau khi đã đánh giá các kỹ năng của mình, bước tiếp theo là kết hợp đánh giá với những gì bạn đã biết về các mối quan tâm cốt lõi và giá trị công việc của bạn. Những yếu tố này sẽ cùng nhau đem lại cho bạn một bức tranh hoàn chỉnh về vị trí và nguyện vọng, quan điểm nghề nghiệp.
Hãy dùng kiến thức này khi bạn tìm ra và đánh giá các cơ hội phát triển nghề nghiệp. Khi làm như vậy, hãy nhớ rằng các mối quan tâm và giá trị vẫn có ý nghĩa quan trọng nhất. Hãy chắc chắn rằng bất kỳ cơ hội nào mà bạn theo đuổi cũng phải phù hợp với các mối quan tâm cốt lõi và giá trị công việc của bạn. Như vậy, bạn mới có thể quyết định đúng đắn để có được những kỹ năng giúp bạn thực hiện tốt ở vị trí mới.