Kỹ năng để thành công
Lượt xem: 13,525
Công việc của các đồng nghiệp thì tiến triển khá thuận lợi, còn bạn thì không biết lý do tại sao sự nghiệp vẫn cứ trì trệ như vậy. Bạn nên nhớ, ngoài yếu tố bằng cấp thì trong công việc còn đòi hỏi những kỹ năng làm việc khác để có được thành công.
Dưới đây là những “bí quyết” đó:
Tránh “buôn dưa lê” nơi công sở
“Buôn” chuyện nơi công sở thể hiện kỹ năng làm việc thiếu tính chuyên nghiệp và có thể gây tổn hại cho nhiều người.
Nếu bạn chỉ “tán phét” về một bộ phim tối qua hay giá cả thị trường hiện nay vào những giờ nghỉ thì đó là những cuộc nói chuyện vô hại nhưng nếu bạn thì thầm to nhỏ với mọi người về mối quan hệ của sếp với một nhân viên nữ mới nào đó thì lại là vấn đề hoàn toàn khác. Bạn không thể lường trước được hậu quả của câu chuyện sẽ đi đến đâu vì môi trường công sở rất nhỏ.
Để tránh khỏi những rắc rối không biết trước bạn nên tránh những cuộc “buôn dưa lê” bất cứ khi nào. Bạn nên biết rằng “buôn” chuyện nơi công sở là cách nhanh nhất để đánh mất niềm tin của mọi người vào bản thân bạn.
Để trở thành nhân viên xuất sắc (không phải bằng cách “bợ đỡ”)
Dù là kết quả của công việc nhỏ nhất nhưng nếu bạn không nói ra thì sếp không thể nhận ra khả năng của bạn. Tự đề cử bản thân không phải là để khoe khoang mà chính là cách tiến thân trong sạch mà không cần nịnh bợ ai.
Bằng việc nói ra những ý tưởng của bạn cho bất cứ vấn đề gì hay sẵn sàng tiếp thu ý kiến của mọi người cho công việc của bạn. Mọi người cũng như sếp sẽ thấy bạn là người năng nổ trong công việc và ham học hỏi.
Thừa nhận khi bạn mắc lỗi
Bạn chưa hoàn thành một bản báo cáo? hay bạn đã làm không chỉn chu một công việc nào đó? Cách tốt nhất để mọi người chấp nhận khi bạn làm việc gì đó sai trái là thú nhận việc làm đó.
Chị Christina Donaghy, chuyên gia về IT của công ty United Way nói rằng: “Khi làm việc gì đó không đúng, lúc nào tôi cũng cảm thấy day dứt và còn tồi tệ hơn nếu việc tôi làm ảnh hưởng đến sếp và công việc chung”. Thật không may là chỉ có ai đã từng trải qua mới hiểu được việc “xin lỗi khi mình làm sai” này quan trọng như thế nào, nó chứng tỏ sự trưởng thành và chuyên nghiệp của bạn trong công việc.
Hòa hợp với đồng nghiệp
Hầu hết thời gian ban ngày bạn đều ở công sở cùng với các đồng nghiệp. Vì vậy không có gì khó khăn để tạo ra mối quan hệ bạn bè thân thiết với những người đó. Ngoài giờ làm hoặc vào giờ nghỉ trưa bạn có thể rủ mọi người ra ngoài ăn trưa hoặc mời mọi người đi uống nhân dịp nào đó. Đó là cơ hội làm cho các đồng nghiệp hiểu nhau hơn trong cuộc sống nhờ vậy trong công việc mọi người sẽ nhiệt tình giúp đỡ lẫn nhau để đem lại kết quả công việc cao.
Không đánh giá thấp mọi công việc
Cho dù là những công việc không quan trọng, không cần chuyên môn hay những công việc chỉ dành cho nhân viên tập sự và bạn thì đã là một quản lý hay bạn đang ở một vị trí được đánh giá cao thì bạn cũng không nên có thái độ coi thường bất cứ công việc nào được giao. Bạn nghĩ rằng bạn không thể đi làm những công việc như pha cà-phê hay photo tài liệu vì chúng không xứng đáng nhưng bạn nên biết rằng rất nhiều nhân viên cao cấp đều tự đi photo cho họ.