Kỹ năng làm việc theo nhóm
Lượt xem: 25,619Nếu để ý bạn sẽ thấy, có đến 60-70% các quảng cáo tuyển dụng yêu cầu ứng viên có khả năng làm việc theo nhóm. Tuy nhiên tại các trường đại học thì dường như kỹ năng này vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Nguyễn Hoàng Anh, Công ty Bảo hiểm Dầu khí từng tâm sự rằng: Khi bắt đầu bước chân vào công ty, tôi đã phải làm việc teamwork, từ những buổi học nghiệp vụ, đi dã ngoại, triển khai các dự án... lúc nào cá nhân cũng phải gắn vào tập thể.
Ban đầu tôi thực sự mệt mỏi. Tôi cảm thấy căng thẳng với cách làm việc của mọi người trong cơ quan, họ không thiện chí và tiếng nói của tôi chẳng có ý nghĩa gì cả.
Tôi đã nghĩ đến việc từ bỏ. Tuy nhiên sau một thời gian làm việc, tôi phải khẳng định rằng, sức mạnh tập thể to lớn như thế nào. Có những việc một cá nhân giỏi nhất cũng không thể làm được nhưng khi có sự góp sức của nhiều bàn tay thì thuận lợi hơn rất nhiều.
Thêm vào đó, khi làm việc tập thể, các cá nhân có thể học hỏi lẫn nhau, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy đơn độc.
Các chuyên gia kinh tế đã dự báo rằng thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ làm việc theo nhóm, vì tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, ngay cả văn học và nghệ thuật, một cá nhân cũng không thể đảm đương được. Vì vậy kỹ năng làm việc tập thể nếu được đào tạo từ trong trường đại học sẽ thực sự bổ ích.
Dân gian đã có câu rằng: Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Người Nhật cũng có cách ví rất hay như mỗi người là một viên ngọc, nếu kết hợp lại chúng sẽ thành một vương miện, để nói về sức mạnh của tập thể.
Trong cuộc sống, bạn không thể chắc chắn rằng bạn có thể làm tất cả mọi việc. Nhưng khi có sự hỗ trợ từ những người xung quanh, công việc đơn giản đi rất nhiều.
Đây cũng là lý do mà rất nhiều các công ty hiện nay, đặc biệt là các công ty nước ngoài yêu cầu ứng viên phải có khả năng làm việc theo nhóm: Khi đi xin việc làm, hình như mỗi người chỉ trang bị cho mình bằng cấp, khả năng quản lý, còn kỹ năng làm việc trong một tập thể lại bỏ đâu mất.
Thế là khi đi làm thì mặc sức mà đấu đá, tranh giành điểm với sếp, mặc cho công việc ra thế nào thì ra, miễn sao cái tôi của mình được thỏa mãn.
Nếu một người không biết hài hòa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, luôn đố kỵ, ghen ghét với các đồng nghiệp thì sẽ không tạo nên một tập thể đoàn kết, vững mạnh.
Tính cá nhân trong khi làm việc sẽ dẫn đến hậu quả là bảo thủ, cứng nhắc và không chịu thừa nhận sai lầm. Chúng tôi sẵn sàng “hy sinh” một người để tạo không khí làm việc thoải mái cho những người khác.
Tuy nhiên để cá nhân có thể làm việc hiệu quả hơn trong một tập thể thì một nguyên tắc bất di bất dịch là quyền lợi của họ vẫn được đảm bảo.
Khi những nhu cầu đó được đáp ứng một cách công bằng, chắc chắn mỗi cá nhân sẽ dễ dàng hơn trong việc liên kết với những cá nhân khác trong tập thể. Anh Hoàng Nam, phòng Nhân sự, Công ty Canon bày tỏ.
Hiện nay, tại một số trường đại học đã có sự làm việc theo nhóm như cùng thảo luận một đề tài, lớp học được chia ra các nhóm, tổ. Tuy nhiên, phương pháp này cũng không thu được nhiều hiệu quả.
Bạn Nguyễn Ngọc Hoa, trường ĐHKHXH và NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) nói: Học nhóm trên giảng đường có thể là một phương pháp hay nhưng nhiều sinh viên không mặn mà.
Tôi không thấy hiệu quả vì có ngồi với nhau thì cũng toàn nói chuyện. Tốt nhất là mình tự giải quyết, tự làm còn nhanh hơn, ai biết phận người ấy.
Chính điều này đã tạo ra một lổ hổng cực kỳ lớn trong tư duy và phương pháp làm việc của giới trẻ, khiến họ thực sự mệt mỏi và bỡ ngỡ khi phải làm việc trong một tập thể không ít cạnh tranh.