Kỹ năng mới đi làm
Lượt xem: 22,215Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Nhân viên kinh doanh, kỹ thuật viên hay kiến trúc sư trước khi bắt đầu một công việc mới sau khi ra trường đều gặp những khó khăn khác nhau. Bởi kiến thức học trên trường thôi là chưa đủ. Trong chúng ta, ai cũng phải trải qua ít nhất là mười sáu năm đèn sách miệt mài, có người thậm chí còn lâu hơn nữa, có khi là mười tám, hai mươi năm. Nhưng mục đích cuối cùng của việc học đó là gì? Thực chất đó chỉ là trang bị cho bản thân một lượng kiến thức đầy đủ để có thể kiếm được một công việc như ý với mức lương phù hợp nuôi sống bản thân và gia đình mình. Tuy nhiên khi bắt tay vào công việc mới thì có lẽ không đơn giản chỉ dừng lại ở việc các bạn sử dụng lượng kiến thức của mình thôi đâu.
Thực vậy, kiến thức thì bao la rộng lớn, chúng ta biết học đến bao giờ là đủ, chính vì vậy, tôi xin lấy mốc kiến thức đủ là lượng kiến thức chúng ta có để đáp ứng với công việc sắp tới, và người kiểm tra, đánh giá mốc “thế nào là đủ” cho chúng ta chính là các nhà tuyển dụng.
Việc kiến thức của bạn, nó như là điều kiện cần để có được công việc bạn muốn. Còn các kỹ năng làm việc nó lại giống như điều kiện đủ để bạn làm tốt công việc trong môi trường mới. Và nếu như ai cho rằng, kiến thức mới là quan trọng, mà xem nhẹ kỹ năng làm việc thì bạn đã nhầm to.
Vì kỹ năng làm việc không chỉ thể hiện lượng kiến thức của bạn trong công việc mà còn thể hiện kiến thức của bạn trong nhiều lĩnh vực khác. Lấy ví dụ, khi bạn mới vào công ty với công việc là quản lý hệ thống mạng , lẽ dĩ nhiên bạn sẽ được giới thiệu sơ qua về công ty. Với người có kỹ năng làm việc, chắc chắn họ sẽ viết lại những chú ý quan trọng như đặc điểm, sản phẩm bán hàng của công ty……
Vì họ biết rằng, rồi sẽ có một lúc nào đó họ cũng được như sếp của mình đi giới thiệu lại công ty cho nhân viên mới, hoặc những lúc giao lưu với bạn bè, mình cũng có thể giới thiệu công ty mình, biết đâu đấy một mối làm ăn lại được bắt đầu từ đây. Còn với những người chưa có kỹ năng thì có lẽ chỉ chăm chăm chú ý tới phạm vi mình được giao còn những việc khác thì cho qua, vì rằng mình không quan tâm đến những việc đó cũng chẳng chết ai! Vì lẽ đó kỹ năng công việc là vô cùng cần thiết không thể thiếu nếu bạn muốn có một công việc tốt và lâu dài.
Dưới đây, tôi xin phép đưa ra một số kỹ năng tối thiểu khi mới vào làm việc.
1. Tác phong công nghiệp:
Là người mới nhất của công ty, bạn đương nhiên trở thành tâm điểm chú ý của mọi người, và dường như bạn không chỉ có một sếp mà có đến nhiều sếp. Bất kỳ một ai trong công ty cũng có thể khiển trách bạn. Nên việc chấp hành nghiêm chỉnh nội quy của công ty là điều cần thiết trước nhất. Và cũng xin lưu ý bạn một điều rằng nhìn và học tập theo mọi người là điều tốt, nhưng học phải có chọn lọc và áp dụng đúng thời điểm lại là cả một vấn đề.
Có những việc bạn có thể làm giống như các nhân viên khác, nhưng cũng có những việc bạn tuyệt đối tránh vì đó chưa hẳn đã là một tác phong tốt. Ví dụ, một nhân viên lâu năm có thể đến chậm mười, mười lăm phút, không sao cả. Nhưng bạn đến muộn năm phút là đã bắt đầu có chuyện. Có thể bạn sẽ bị khiển trách vì lỗi đến muộn, hoặc có thể không, nhưng do sếp muốn khiển trách người nhân viên lâu năm kia nhưng lại ngại va chạm, thì dĩ nhiên bạn sẽ là con mồi béo bở cho con cọp đói rồi.
Tác phong công nghiệp được thể hiện rõ nhất ở việc đúng hẹn, vì vậy, việc bạn đến công ty đúng giờ, giao nộp công việc đúng thời hạn sẽ tạo được lòng tin ở nơi người khác. Điều đó thật sự tốt cho công việc của bạn.
2. Nhiệt tình với công việc:
Công ty có nhu cầu tuyển dụng là công ty đang khiếm khuyết vị trí mà mình có thể đáp ứng. Công việc đó chưa có ai làm, mình được nhận vào công ty là để làm công việc đó. Đấy là một suy nghĩ sai lầm vô cùng. Trong một công ty, một vị trí, một công việc luôn có hai hoặc thậm chí nhiều người hơn có thể đảm đương một công việc. Do vậy người làm chính thức công việc này nghỉ thì cũng sẽ có người khác làm thay ngay.
Có điều là nếu như trong một khoảng thời gian dài thì họ sẽ không kham nổi khối lượng công việc hoặc chất lượng không cao. Do đó công ty mới phải tuyển thêm nhân viên mới. Nếu ai hiểu được như vậy thì có lẽ bài toán sẽ hoàn toàn khác. Không phải bạn được nhận vào làm là bạn được làm ngay đúng vị trí bạn muốn.
Mà là làm các công việc phụ khác liên quan tới công việc đó. Để bạn dần dần bắt kịp guồng quay của công ty, để rồi sau một thời gian bạn quen với công việc, thì khi đó bạn mới có thể làm công việc chính. Khoảng thời gian đó có thể là ba đến sáu tháng hoặc lâu hơn tùy theo năng lực của bạn.
Suy nghĩ theo hướng thứ hai mới là thực tế, nên bạn cũng đừng tự ti mà nghĩ rằng, mình vất vả bao năm học cuối cùng ra trường chỉ được làm những công việc x, y, …. này. Cái này dễ hiểu thôi. Vì một công ty được xây dựng ra, chủ doanh nghiệp đã phải tiêu tốn rất nhiều tiền, không những thế đó còn là nguồn sống của các cá nhân khác. Chỉ một chút sai lầm của bạn cũng có thể ảnh hưởng tới rất nhiều người.
Như vậy, dĩ nhiên là mọi người chưa thể tin ngay bạn được và bạn cũng chưa thể chứng minh được gì với chỉ bằng một hai tấm bằng. Mà ngược lại hãy suy nghĩ theo hướng tích cực hơn. Làm tốt mọi công việc được giao rồi sẽ có lúc mình được hưởng xứng đáng với những gì mình bỏ ra.
Nghĩ như vậy, bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi làm việc, nhiệt tình hơn trong mọi việc và dĩ nhiên chất lượng công việc sẽ đạt kết quả cao. Và khi công việc đạt kết quả cao, thì lòng tin của mọi người với bạn sẽ tăng, công việc sắp tới bạn làm sẽ quan trọng hơn và tiến gần hơn với công việc bạn mong muốn. Rất lôgic phải không?
3. Đừng cho mình là siêu sao:
Sau khi đã được nhận vào công ty, công việc gì đối với bạn cũng là mới mẻ. Nên hãy chú ý lắng nghe những lời hướng dẫn của mọi người. Việc bạn chưa biết thì đương nhiên bạn sẽ làm theo hướng dẫn, nhưng điều đáng nói là việc bạn đã biết làm, có thể là cách làm của bạn, bạn cho rằng sẽ đạt hiệu quả cao hơn, nhưng cũng đừng vội nói ngay, hãy lắng nghe và làm theo lời hướng dẫn của những người đi trước.
Vì cách làm trước mắt đã là được đúc kết và tổng hợp từ nhiều thế hệ nhân viên đi trước ta, và thứ hai nữa là nó mang tính ổn định và chắc chắn đúng, cuối cùng nữa là chừa lại cho ta một con đường sống. Nếu làm sai theo cách của mọi người chỉ, chúng ta còn có thể đi hỏi lại.
Chứ nếu làm theo cách của mình để rồi sai thì biết chạy đi đâu để hỏi. Mà như đã nói ở phần trên, đối với nhân viên mới thì “lòng tin” là điều vô cùng quan trọng. Cách làm mới bạn có thể làm thử ra một bản khác rồi đối chiếu với cách làm cũ. Cho đến khi nào bạn vững vàng, có khả năng tự kiểm tra kết quả theo cách làm cũ thì khi đó hãy sử dụng và đề xuất cách làm mới. Cho đến lúc đó, cách làm của bạn vẫn được coi là mới mẻ và hiểu quả mà phải không?
4. Cách xưng hô với mọi người trong cơ quan:
Chúng ta vừa ra trường, vừa mới được nhận vào làm, đương nhiên mình là người bé nhất. Do vậy trong cách xưng hô cũng nên đi kèm với các từ “vâng, ạ, dạ,…..”. Cái này thể hiện sự tôn trọng tới mọi người khác, đồng thời thể hiện sự cầu tiến của chúng ta. Không chỉ với những người hơn tuổi chúng ta mà ngay cả với những người chỉ hơn ta vài tháng làm việc, cũng không nên có thái độ xuồng xã. Vì trong công ty chúng ta là người bé nhất cơ mà.
Tôi đã từng gặp một trường hợp như vậy. Giám đốc chỉ hơn nhân viên một tuổi. Cả hai người đều rất trẻ và chỉ là sinh viên. Một lần giám đốc gọi cô nhân viên trên Yahoo để bàn công việc “ê, có đấy không?”. Cũng gọi như vậy ở lần sau, lập tức cô nhân viên đã bị mắng té tát, và khiến cô thực sự bị sốc. Tại sao lại như thế, người ta gọi được sao mình lại không? Đơn giản chỉ bởi vì trong công ty bạn là nhân viên còn họ là giám đốc!!
5. Đừng vội quan tâm đến lương:
Điều này nghe ra có vẻ mâu thuẫn với lời giới thiệu mở đầu. Nhưng thực ra không hề mâu thuẫn chút nào. Khi mới vào làm, hay còn gọi là thời gian thử việc, chúng ta đến với hai bàn tay trắng để tạo dựng nên một thứ gì đó. Ngay cả bản thân chúng ta cũng không thể biết chính xác mình có thể làm được bao nhiênu, mình làm tốt như thế nào. Thì làm sao có thể bắt người ta phải trả tiền cho một thứ mà người ta cũng chưa biết chất lượng ra sao.
Tốt nhất là hãy hăng say làm việc, còn tiền lương à, hãy để thời gian trả lời cho bạn Lúc này, lòng tin, khả năng làm việc quan trọng hơn nhiều đến tiền lương, và các sếp cũng nhìn vào những thứ đó để trả lương cho bạn chứ không phải là nhìn vào cái tấm bằng của bạn đâu. Một phép so sánh rất thực tế thôi, nếu có hai nhân viên, một nhân viên A có bằng giỏi nhưng thường xuyên đi muộn, công việc làm thường xuyên nộp chậm, với một nhân viên B bằng trung bình nhưng anh ấy nghiêm chỉnh chấp hành nội quy công ty. Hoàn thành tốt công việc được giao thì không có lý do gì ban lãnh đạo phải giữ lại nhân viên A với tấm bằng giỏi mà làm gì.
Ngoài ra việc quá quan tâm lương trong thời gian đâu sẽ khiến cho bạn mất tập trung trong công việc, suốt ngày chỉ lo nghĩ mức lương này đã thỏa đáng với mình chưa? Rồi so sánh với các bạn cùng trang lứa sẽ ngốn hết thời gian của bạn cho các công việc khác. Lúc đó hiệu quả làm việc thấp. Liệu bạn có được đi làm tiếp hay không còn đang là một dấu hỏi lớn chứ đừng nghĩ tới chuyện lương của mình sẽ là bao nhiêu?
Tiền lương quả thật rất quan trọng, nhưng nghĩ và yêu cầu nó vào lúc nào cho hợp lý còn quan trọng hơn. Nhất là trong thời kỳ mở cửa, người ta nhất định sẽ được trọng dụng, nên các bạn cứ yên tâm làm tốt công việc của mình đi. Khi mà ta đã có kiến thức cũng như kỹ năng làm việc thì lương sẽ phải nghĩ đến ta chứ không phải ta nghĩ đến lương đâu.