Kỹ năng săn tìm công việc
Lượt xem: 13,369Làm sao không phải... run khi lần đầu "mặt đối mặt" với nhà tuyển dụng(TD)? Làm sao sinh viên (SV) mới ra trường, không có kinh nghiệm có thể lọt vào "mắt xanh" nhà TD? Bạn thực sự muốn gì từ công việc? Những câu hỏi hay bị ứng viên coi thường là gì?...
Học cách... thua đẹp!
Với lối nói chuyện dí dỏm và dễ hiểu, anh Trần Hữu Đức - chuyên viên nhân sự, Công ty Tư vấn & Đào tạo BCC đã đưa ra những kiến thức, kỹ năng tìm việc rất bổ ích cho SV. Theo anh Đức, khi săn tìm một công việc ưng ý, các ứng viên cần phải biết rõ bản thân mình muốn gì và thích gì trước khi tiến hành tìm hiểu thông tin TD, tìm hiểu doanh nghiệp. Anh Đức lưu ý những điểm cơ bản mà các nhà TD thường chú ý, đó là: hồ sơ xin việc trang trọng, rõ ràng, ngắn gọn; tạo ấn tượng tốt ngay trong lần phỏng vấn (PV) ban đầu; hãy đưa ra những hành vi sinh động để chứng minh năng lực của mình trong phần cuối cuộc PV; nêu rõ kinh nghiệm và động cơ, thái độ khi lựa chọn công việc. Ở phần hậu PV, nhiều người đã quên không đề nghị người PV cho mình được phép giữ liên lạc với họ để biết được tiến độ hoặc kết quả TD... Một cán bộ nhân sự Công ty kiểm toán DTL chia sẻ kinh nghiệm trong những cuộc PV, nhất là những cuộc PV kéo dài cả ngày, những ứng viên biết đặt ngược lại một số câu hỏi thú vị sẽ góp phần giúp nhà TD giảm... stress đồng thời để lại một ấn tượng tốt đẹp.
Bạn sẽ làm gì nếu bị thất bại trong lần TD này? Theo anh Đức, bạn nên gọi điện hỏi thăm là lần sau, bạn cần làm điều gì khác để có nhiều cơ hội TD hơn đồng thời hãy gửi lời cảm ơn nhà TD đã dành thời gian PV bạn. Bạn cũng nên bày tỏ cảm tưởng, nguyện vọng muốn được xem xét trong tương lai nếu có công việc phù hợp hơn. "Cách thua của bạn như vậy là... quá đẹp. Và nếu đợt sau có một công việc tương tự, nhà TD sẽ lập tức nhớ tới bạn!"- anh Đức nhận định. Trên thực tế, rất nhiều ứng viên đã bị "out" vì coi thường, trả lời qua loa hoặc chẳng ăn nhập gì trước những câu hỏi vốn không kém phần quan trọng, đó là : Hãy nói về bản thân bạn? (tình huống này theo chuyên gia tư vấn là bạn nên thể hiện mình là ai, có giá trị hoặc điều gì độc đáo mà doanh nghiệp cần có); hãy hoạch định nghề nghiệp cho tương lai của bạn? Bạn hiểu như thế nào về công việc mà bạn đang dự tuyển? Đối với công việc này, bạn nghĩ mình có những điểm nào cần khắc phục? Bạn mong muốn mức lương là bao nhiêu?...
Cần những người "máu lửa"
Em mới ra trường, không có kinh nghiệm thì làm sao được TD?- nhiều SV bày tỏ thắc mắc "muôn thuởã" nhưng cũng rất "nóng" này. Chuyên gia tư vấn kỹ năng tìm việc cho rằng, khi bạn từng làm cán bộ lớp, tham gia đoàn thể hay câu lạc bộ hoặc bạn thực tập nghiêm túc, hay có đi làm thêm trong khi đi học (phục vụ bàn chẳng hạn)... là bạn đã sở hữu một "mớ" kinh nghiệm rồi đấy! Còn nếu bạn như... tờ giấy trắng, chẳng có kinh nghiệm gì? Lời khuyên của nhà tư vấn: bạn hãy biến điều này thành “điểm mạnh” nếu như bạn chứng tỏ mình là người cầu tiến, tiếp thu nhanh và đáp ứng những tiêu chuẩn đào tạo lại của doanh nghiệp. Đặc biệt, cho dù bạn chưa có kinh nghiệm thì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng rất thích những SV "máu lửa", tức là đầy nhiệt huyết, tự tin, dám ước mơ và biết hoạch định thực hiện mơ ước đó!
Tư duy và nhận thức của ứng viên lúc đi tìm việc là điều được anh Giản Tư Trung- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty PACE đánh giá rất quan trọng. Tìm việc gì? Các doanh nghiệp cần gì ở một SV mới ra trường? SV muốn "các công ty mời mình làm việc chứ không muốn tự đi kiếm việc" thì phải làm sao để người ta trải thảm mời mình về?...Anh Trung đánh giá rằng thị trường lao động hiện đang rơi vào "khủng hoảng về chất xám chứ không phải về bằng cấp". Theo anh Trung, nhiều công ty thành công thường có điểm chung khi tuyển người là không coi là quan trọng việc bạn học ở trường nào, có những bằng cấp gì mà chính là bạn sẽ làm được gì cho họ.