Làm giàu từ tre, trúc
Lượt xem: 17,034
Anh Lê Văn Quyết và những người thợ của mình đang sản xuất giỏ, rổ từ tre, trúc |
Đến ấp Xóm Mới, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi-TPHCM hỏi cơ sở sản xuất mây tre lá Tư Quyết, ai cũng biết. Cái tên Tư Quyết đã trở nên quen thuộc với người dân ở đây. Hơn 80 hộ gia đình có công ăn việc làm thường xuyên từ khi cơ sở Tư Quyết ra đời.
Chọn nghề không bằng nghề chọn
Chúng tôi đến cơ sở Tư Quyết vào trung tuần tháng 6. Trong ngôi nhà ngói khá rộng, chất đầy những chiếc rổ, giỏ đủ kích cỡ làm từ tre, trúc. Hơn chục công nhân đang tất bật công việc, chuẩn bị cho lô hàng xuất đi nước ngoài vào cuối tháng. Với tay lấy chiếc bàn bằng tre, rót nước mời khách, anh nói: “Loại bàn tre này bây giờ là hàng “hot”, mấy ông chủ quán cà phê sân vườn ở nội thành thích lắm. Ở Hà Nội, khách cũng vào đặt hàng khá nhiều”.
Từ trước đến nay, Củ Chi là địa phương có nhiều tre, trúc nhất của TPHCM, nó gắn bó với bao thế hệ người dân nơi đây. Với Lê Văn Quyết, tuổi thơ khắc đầy kỷ niệm với con đường làng đầy tre, những buổi chơi trò trốn tìm miệt mài trong vườn tre, trúc.
Nhưng nghề đan tre, trúc lại đến với Tư Quyết rất tình cờ. Anh vốn là bí thư Đoàn của xã Trung Lập Hạ, từng đoạt danh hiệu thanh niên tiên tiến, thủ lĩnh vùng Đông Nam Bộ. Năm 2000, trong một lần đi sinh hoạt Đoàn, tình cờ một người bạn chìa trước mặt Tư Quyết 3 chiếc rổ bằng tre, hỏi: “Ông đan được thế này không?”. Sẵn tính sôi nổi của người làm công tác Đoàn, thêm một chút... đùa, Tư Quyết phán luôn: “Dễ ợt! Tôi đưa ra nước ngoài nữa là...”. Tư Quyết nhớ lại: “Lúc ấy, miệng thì nói thế nhưng tôi cũng không biết sẽ bắt đầu từ đâu. Nhưng về vắt tay lên trán suy nghĩ, tôi mới ngộ ra: Làm được thế thì quá tốt, sao lại không. Thế là tự dưng, cái nghề này nó chọn lấy tôi...”.
Học từ thất bại
Cầm 3 cái rổ về nhà, suy đi tính lại mấy ngày, Tư Quyết quyết chí đi học nghề đan rổ. Cứ sáng sớm, Tư Quyết chạy xe sang xã Thái Mỹ, nơi có nhiều hộ dân làm nghề đan rổ từ tre, trúc để học nghề. Chiều về, anh tự tay chẻ trúc, vót thanh và tập đan. Chị Nguyễn Thị Mai, vợ anh, nhớ lại: “Lúc ấy, ảnh lao vào công việc như quên mọi thứ. Cái máu ham đi của ông bí thư Đoàn thay cho cái chí quyết làm rổ rá”.
Sự kiên trì đã giúp Tư Quyết cho ra đời gần 100 chiếc rổ bằng tre đầu tiên. Sẵn nhà có sân rộng, anh mở luôn cơ sở, tận dụng nguồn nguyên liệu tre, trúc tại chỗ rồi vận động bà con, thanh niên trong ấp, xã đến làm. 20 người thợ vốn là nông dân cùng anh sản xuất được hơn 500 sản phẩm trong tháng đầu tiên mở cơ sở.
Nhưng vạn sự khởi đầu nan. Tư Quyết vấp ngay thất bại đầu tiên: 50% sản phẩm bị trả lại, lỗ mất gần 1 chỉ vàng. “Phải biết học và đứng lên từ thất bại”. Tư Quyết nói như vậy và mang hàng bị trả về tháo ra tìm khuyết điểm. Cuối cùng, anh phát hiện: Để có chiếc rổ đẹp, nan tre phải vót thật nhuyễn, người thợ cần tra vành thật đều tay mới tròn và đẹp. Nhờ sự chuyên cần cùng với sự quyết tâm, những người thợ được anh hướng dẫn giỏi nghề hơn, sản phẩm làm ra tinh xảo, đẹp hơn. Từ 50%, sản phẩm bị trả về giảm xuống chỉ còn 1%.
Hết lòng vì người nghèo
Từ những mẫu mã đơn giản ban đầu, sản phẩm từ tre, trúc của cơ sở Tư Quyết được cải tiến bền đẹp hơn, đủ loại kiểu dáng, có màng chụp, gắn đế để bảo đảm vệ sinh. Nhờ tạo được sự khác biệt cho riêng mình và khai thác được “gu” của người tiêu dùng, sản phẩm từ tre, trúc của Tư Quyết không chỉ tìm được chỗ đứng trong nước mà còn được khách hàng nước ngoài ưa chuộng, đặt hàng với số lượng lớn. Nếu như trước đây bình quân mỗi tháng anh chỉ xuất vài ngàn sản phẩm sang các nước thì hiện nay đạt khoảng 30.000 sản phẩm/tháng. Sản phẩm của Tư Quyết còn tạo được thương hiệu riêng, được mời tham gia các hội chợ triển lãm hàng mây tre lá ở nhiều nước và vinh dự tham gia gian hàng tại Hội nghị APEC vừa qua.
44 tuổi, gần 8 năm đến với nghề đan rổ thủ công, Tư Quyết chưa hẳn là một người khởi sự doanh nghiệp thành đạt. Nhưng anh làm được điều mà ít có người làm được, đưa sản phẩm từ tre, trúc Việt Nam ra nước ngoài, làm hồi sinh nghề thủ công mây tre lá, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Hiện hơn 10 thợ làm công ăn lương và 80 hộ gia đình gia công hàng cho Tư Quyết có thu nhập ổn định từ 1,5 triệu- 3 triệu đồng/tháng. Chị Võ Thị Lạc, người gắn bó với cơ sở từ khi mới thành lập, nói: “Chú Tư sống rất có tình. Những ai nghèo khó đều được vợ chồng chú sẵn sàng giúp đỡ”. Còn chị Nguyễn Thị Bé thì khen ngợi: “Ảnh luôn hết lòng với mọi người”...
Mây tre lá là mặt hàng tiêu dùng không gây ô nhiễm môi trường. Để khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm từ thiên nhiên, góp phần giải quyết việc làm cho người dân nông thôn, tôi mong chính quyền địa phương cần quy hoạch lại vùng trồng tre, trúc để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất”. (Anh Lê Văn Quyết) |