Làm ông chủ trước khi thành sinh viên

Lượt xem: 17,328

Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :

Ông chủ một công ty sản xuất đồ handmade với doanh thu 200-250 triệu/tháng. Đại lý của một hãng mỹ phẩm của Anh với tiền đút túi đều đặn 10-15 triệu/tháng và là một trong ba cổ đông chính của một công ty dành cho trẻ em. 

Làm ông chủ trước khi thành sinh viên

Các chức danh ấy đều thuộc về một người còn rất trẻ, Nguyễn Tuấn Việt, sinh năm 1982, sinh viên K45, ĐH Xây dựng Hà Nội. Một cách ngắn gọn, với đối tác, bạn bè, gã đơn thuần là Việt "gỗ". 

Một khuôn viên xinh xắn tái tạo mô hình thu nhỏ của các vùng miền, dành cho khách du lịch thăm quan. Tầng 1 làm showroom nhỏ trưng bày các sản phẩm handmade, tầng 2 là xưởng sản xuất với 14 nhân viên và tầng 3 là phòng kinh doanh với 10 sinh viên lướt web làm thương mại điện tử. Đó là "cơ ngơi" của VIETgo - nơi "kiếm tiền" chính của Việt "gỗ".

Hòm mail của VIETgo mỗi tháng nhận đến hàng trăm đơn đặt hàng, trong đó có những khách hàng ruột như Diệu Hồ, Wellington, Florida nhập 1.000 sản phẩm, Vũ Lân Koran, California, 1.500 sản phẩm...

Để có được lượng khách nhập buôn cố định là nỗ lực mày mò làm thương mại điện tử theo nghĩa đơn giản nhất của từ này.

Thời gian đầu, Việt cùng những cộng sự đầu tiên phải sục sạo trên mạng vừa quảng cáo vừa tìm bạn hàng. Khi ấy, chưa có cơ ngơi riêng, tan học về là lại mài đũng quần trong các Internet Cafe vài tiếng.

Cách thức của Việt là vào google, đánh những từ khoá như "necklace" "jewellery" để tìm ra những website liên quan và đăng quảng cáo cho mặt hàng của mình.

Vài tháng đầu, quảng cáo đăng lên nhiều mà chỉ thấy phản hồi lác đác. Mãi sau, tìm hiểu sâu hơn, mới để ý rằng, ở Việt Nam, mình tìm kiếm bằng google.com.vn, còn ở Anh, họ lại search bằng google.co.uk, Úc, Mỹ mỗi nước lại là địa chỉ đuôi khác... nên cung không gặp cầu. Lại thay đổi cách thức tác chiến.

Sản phẩm đặc chủng của VIETgo là vòng đeo cổ có dây bằng cao su, mặt gỗ chạm bạc, với nhiều mẫu mã trang trí ngộ nghĩnh khác nhau. Hiện, VIETgo sản xuất khoảng 100 mẫu với số lượng xuất xưởng 5.000-8.000 chiếc/tháng, có tháng cao điểm lên đến 10.000 chiếc. Mỗi chiếc như vậy, bỏ rẻ cũng 2,5-3 USD.

Khách hàng của VIETgolà các thương gia nước ngoài hoặc Việt kiều nhập hàng theo dạng bán buôn với khối lượng lớn, và một phần là bán lẻ cho khách du lịch nước ngoài. Việt cho biết chưa tấn công vào thị trường trong nước một phần vì thăm dò nhận thấy nhu cầu chưa cao, phần vì muốn giữ lại thị trường này cho đường trường về sau.

Không quên lượng khách hàng tiềm năng là khách du lịch, Việt đặt quan hệ tốt với các công ty lữ hành để được dẫn mối đến mua trực tiếp tại xưởng.

Đứng đằng sau lượng hàng xuất xưởng đều đặn hàng tháng là 14 nhân viên, trong đó có 6 người khuyết tật. Công việc chủ yếu làm bằng tay, đòi hỏi tính thẩm mỹ và sự tinh xảo, cầu kỳ, đặc biệt là sự kiên nhẫn - khá phù hợp với những người khuyết tật.

Việt phát hiện ra điều này khi có một số nhân viên bỏ xưởng trong thời gian đầu - có lẽ việc ngồi một chỗ và tỉ mẩn gọt giũa, chạm khắc... hơi đơn điệu với họ. Vậy là đến "gõ cửa" Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi và Trung tâm dịch vụ việc làm của Sở Lao động, Thương binh Xã hội để nhờ tìm giúp những người phù hợp.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Liêu, Tổng thư ký Hội Bảo trợ phấn khởi "Chú giúp Việt nhưng cũng là Việt giúp chú trong việc tạo việc làm cho người của Hội". Mỗi tháng, trung bình các công nhân khuyết tật của Việt nhận lương 1 triệu.

VĐV quốc gia thành nhà kinh doanh

Đáng lẽ, cái tên Nguyễn Tuấn Việt đã có thể được biết đến như một VĐV Wushu. Đến với môn võ này từ cấp 2, tới năm lớp 9, Việt đã nằm trong đội tuyển thành phố thì gia đình gặp một biến cố. Bố gây tai nạn xe và phải đền một khoản tiền tương đối, nhất là phải nghỉ làm, nhận phụ cấp thấp. Thời gian dài sau đó, đồng lương công nhân xí nghiệp dệt vải của mẹ và khoản trợ cấp lương VĐV 700.000 của Việt không đủ trang trải cho gia đình 4 người. 

Năm lớp 11, khi ý thức hơn về trách nhiệm với gia đình và xác định thể thao chỉ là vui chơi, Việt dừng tập wushu mặc dù đúng lúc này được đưa tên vào danh sách dự tuyển quốc gia. Mất khoản phụ cấp 700.000/tháng, áp lực kiếm tiền nặng nề hơn, cậu học sinh THPT Việt Đức bắt đầu đặt chân vào thế giới kinh doanh.

Nói cho oai chứ thực ra chỉ là sản xuất các đồ lưu niệm và bỏ mối ở các quầy hàng. Lúc ấy, những năm 98,99, cơn sốt boysband đang lên cao trào ở Hà Nội. Nắm được thị hiếu của dân teen, Việt tự làm những dây đeo cổ, vòng đeo tay có gắn chữ BSB (Backstreetboys) và BZ (Boyzone). Xưởng ngay tại nhà, không mất tiền thuê, nhân công chính là ông chủ, làm xong lại lượn vòng các phố để "vứt" ký gửi ở các quầy lưu niệm. Thế mà "ăn". Mỗi tháng cũng dằn túi được trên 1 triệu đưa mẹ. Sau khá khẩm hơn, Việt còn lôi thêm bạn bè cùng về làm. Cái tên Việt "gỗ" ra đời từ đó.

Giai đoạn khởi nghiệp còn non nớt này để lại cho Việt vài phen lao đao. Ấy là khi theo đuổi việc làm mô hình đồ chơi ô-tô bằng gỗ... ra đến 100 cái mà thị trường không đón nhận. Lần khác, khi KS Hilton quyết định làm 500 mẫu đồ lưu niệm tặng khách hàng trong đợt khánh thành, Việt cũng theo thầu và... trượt. Chưa hết, say mê kinh doanh mà thời gian này, Việt đã lỡ mất 1 năm vì trượt đại học.

Thời kỳ làm ăn cò con này kéo dài 3 năm. Nhìn lại, lời lãi cũng không được bao nhiêu, nhưng chính giai đoạn này đã cho Việt rất nhiều. Sự kiên trì, những hiểu biết nhất định về tâm lý khách hàng và thị trường, rất nhiều mối quan hệ, với bạn bè đồng lứa và cả các bác vong niên và nhất là cảm giác "người lớn" - rằng mình có thể làm giàu bằng kinh doanh, và làm trụ cột cho gia đình.

Thương hiệu VIETgo được tư vấn bởi một người bạn vong niên của Việt. VIETgo bắt nguồn từ biệt danh Việt "gỗ". Chữ VIET vừa là tên ông chủ, vừa có nghĩa là hàng xuất xứ từ Việt Nam, chữ go mang nghĩa đi - hành động tiến về phía trước, chậm nhưng chắc.

Website thanh toán trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam?

Đến giờ, với 8 năm lăn lộn, Việt đã dày dạn và khôn ngoan hơn nhiều. Cậu tự tin khoe "Trong nước, ở lĩnh vực sản xuất và kinh doanh dây đeo cổ có mặt nạ, VIETgo hoàn toàn không có đối thủ. Ở nước ngoài, sự cạnh tranh chủ yếu là ở châu Phi. Trong khi, thị trường cho mặt hàng này rất lớn".

Làm việc với nước ngoài nhiều, Việt cũng học được cách nắm đằng chuôi đúng luật để an toàn trong kinh doanh. Ngoài việc đăng ký thương hiệu cho tên VIETgo, Việt còn nhanh chóng nhờ một công ty tư vấn luật uy tín để đăng ký kiểu dáng công nghiệp ở Úc, Mỹ và Nhật. Nói nôm na, khi đã sở hữu giấy đăng ký này, VIETgo hoàn toàn yên tâm không bị ai bắt chước ý tưởng kinh doanh này.

Lúc này, để chuẩn bị cho những bước phát triển chắc chắn và chuyên nghiệp hơn, VIETgo đang làm website www.VIETgo.com.vn. Công ty đang liên kết với một ngân hàng của Thuỵ Điển để xây dựng hình thức thành toán trực tuyến. VIETgo đang tham vọng trở thành website đầu tiên triển khai hình thức này tại Việt Nam.

Bài viết khác

Interior Design là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong ngành xây dựng - nội thất. Vậy Interior Design là gì? Hãy tìm hiểu qua bài viết của CareerViet nhé!

Xem thêm

Nhân sự là gì? Cùng khám phá ngay khái niệm nhân sự, việc làm nhân sự, tiền lương và tính cách phù hợp để trở thành chuyên viên nhân sự nhé!

Xem thêm

PR là gì? Hay PR là viết tắt của từ gì? Vai trò và các loại hình PR phổ biến hiện nay? Cùng CareerViet tham khảo ngay qua bài viết này để hiểu rõ hơn nhé!

Xem thêm

Bạn muốn tìm hiểu về ngành Animation? Bài viết này sẽ giới thiệu chi tiết về animation là gì, từ định nghĩa cơ bản đến những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.

Xem thêm

Mockup là cầu nối giữa ý tưởng và thực tế. Tìm hiểu mockup là gì, vai trò của mockup trong thiết kết tại sao mockup lại là công cụ không thể thiếu của designers

Xem thêm

Luật hấp dẫn là gì? Cách sử dụng và ứng dụng luật hấp dẫn thu hút tiền bạc, tình yêu đặc biệt là công việc. Click để xem ngay bài viết sau!

Xem thêm
Gửi tôi việc làm tương tự
Tạo ngay