Làm sao hiểu sếp
Lượt xem: 16,296Nếu bạn mắc nhiều sai sót trong quá trình làm việc, tên bạn dễ được liệt vào “sổ đen”. Điều này đồng nghĩa với cơ hội thăng tiến của bạn sẽ ít đi. Để không xảy ra tình trạng trên, bên cạnh chuyên môn giỏi, bạn còn phải biết cách hành xử khéo léo, bạn phải biết đoán ý sếp để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn trở thành cánh tay phải đắc lực của sếp.
1. Để cuộc sống cá nhân bên ngoài cơ quan
Không vị sếp nào thích nhân viên khóc lóc chuyện gia đình tại nơi làm việc. Dù thông cảm, họ cũng khó chịu khi công việc trì trệ vì chuyện của một cá nhân nào đó.
Tốt nhất, bạn nên giải quyết chuyện riêng tư bên ngoài công ty. Nếu xảy ra sự cố khẩn cấp, bạn nên xin nghỉ phép hoặc về sớm, kèm theo lời giải thích rõ ràng.
Trường hợp phải nghỉ khá lâu, bạn nên bàn giao những việc quan trọng cho đồng nghiệp giải quyết.
2. Nói ít, làm nhiều
Một vị sếp biết nhìn người sẽ đặc biệt thích và chú ý các nhân viên hoà đồng, chịu khó.
Bạn nên xung phong nhận những nhiệm vụ được xem là “khó nuốt” và nỗ lực hoàn thành. Dù kết quả có chưa xuất sắc nhưng thành ý không ngại khó của bạn sẽ được cấp trên ghi nhận. Bên cạnh đó, bạn nên thẳng thắn trao đổi hoặc đề xuất yêu cầu khi cần thiết.
Nếu được giao một dự án tập thể, hãy nói rõ bạn muốn hợp tác với cộng sự nào và điều này mang lại lợi ích cho công ty.
3. Chứng tỏ năng lực
Sự chăm chỉ là con dao hai lưỡi. Luôn đến sớm nhưng thường ở lại trễ sẽ khiến cấp trên đặt nghi vấn về năng lực của bạn.
Ngay cả việc tranh thủ đọc tài liệu lúc nghỉ trưa cũng cho thấy bạn thiếu khả năng kiểm soát thời gian. Vì vậy, bạn không nhất thiết phải đến công ty sớm nhất, nhưng hãy luôn luôn đến đúng giờ. Một điều quan trọng mà bạn cần lưu ý là sếp sẽ không chăm chăm xem bạn làm việc mấy giờ một ngày mà chỉ cần biết bạn mang về bao nhiêu lợi nhuận cho công ty.
4. Tuyệt đối tránh các sự đã rồi
Không vị sếp nào thích sự “bất ngờ” trong công việc, đặc biệt là chuyện không tốt. Hãy luôn chắc rằng những quyết định liên quan đến công việc của bạn đều được thông qua cấp trên.
Bạn không nên giải quyết mọi việc theo kiểu “trảm trước, tấu sau”. Như thế, sếp sẽ nghĩ rằng mình bị nhân viên qua mặt. Khi xảy ra hậu quả đáng tiếc, bạn phải là người hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, nếu gặp trở ngại trong công việc, bạn hãy nỗ lực giải quyết thay vì hỏi ý kiến sếp liên tục. Khéo xoay xở nhưng không lạm quyền cũng sẽ giúp bạn củng cố vị trí của mình trong mắt cấp trên.
5. Vượt khỏi giới hạn
Một giám đốc công ty xuất nhập khẩu cho biết, bà luôn quan sát và dành cảm tình đặc biệt cho những nhân viên chú ý đến sự ngăn nắp của phòng làm việc vào cuối ngày. Do đó, để tạo ấn tượng tốt, bạn hãy chứng minh sự vượt trội và bao quát của mình bên cạnh nhiệm vụ được giao.
Chuyện bạn “nhúng mũi” vào việc của đồng nghiệp đôi khi có thể được cấp trên đánh giá cao. Đặc biệt là khi hành động này mang tính trợ giúp họ thực hiện dự án gấp.
Tuy nhiên, bạn chỉ nên làm điều này khi đã hoàn thành công việc của mình thật tốt và nhớ hỏi qua ý kiến cấp trên.
6. Luôn trung thành và tôn trọng sếp
Đây là hai phẩm chất được đặt lên hàng đầu khi lãnh đạo cần tìm một nhân viên thân tín. Tôn trọng sếp bao gồm cả tôn trọng bạn bè, gia đình của sếp.
Lòng trung thành giúp bạn trở thành người được cấp trên tin cẩn và giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Tuyệt đối không nói xấu sau lưng sếp, bạn sẽ gặp nhiều rắc rối trong quá trình làm việc. Đồng thời, điều này còn giúp các đồng nghiệp xấu có cơ hội hạ “knock -out” bạn.