Làm sếp - Đâu chỉ toàn “màu hồng”
Lượt xem: 18,426Mức lương cao ngất ngưởng, có quyền “ăn to nói lớn”, được cấp dưới và nhiều người trọng vọng… Nhưng đằng sau viễn cảnh đầy màu hồng ấy, nhiều sếp cũng có lúc chẳng muốn làm sếp chút nào.
Đi làm được chừng 5, 6 năm, Khoa, nhân viên IT của một công ty phần mềm có tiếng ở Hà Nội được cấp trên đề bạt lên làm trưởng phòng, thế là bỗng dưng từ một anh lính quèn, Khoa được những người vốn là đồng nghiệp gắn theo “mác” sếp mỗi khi gọi tên hay nhắc đến anh. Tất nhiên, Khoa rất vui vì điều đó. Hồi mới là anh chàng cử nhân công nghệ thông tin ra trường, phải đạp xe hết nơi này đến nơi khác xin việc, Khoa đâu dám mơ ngày mình được ngồi vào cái vị trí như ngày hôm nay. Nhưng chuyện Khoa lên làm sếp, theo nhiều người, là điều hoàn toàn xứng đáng. Khoa có năng lực, ăn nói khôn khéo, biết lấy lòng người và đặc biệt rất có trách nhiệm trong công việc, chỉ có điều so với đồng nghiệp trong phòng thì Khoa còn khá trẻ nên lãnh đạo cũng họp bàn mãi mới quyết định cân nhắc anh.
Từ ngày làm trưởng phòng, Khoa mới thấm thía nỗi khổ của những người được gọi là sếp. Chẳng khi nào Khoa được ngơi tay, lúc nào anh cũng có cảm giác cả núi công việc đè trên đầu mình, nhiều bữa Khoa chẳng còn thời gian để ăn trưa hay chợp mắt một chút, thói quen mà anh vẫn làm để thư giãn và xả stress trước đây. Ngoài những công việc chuyên môn ra, Khoa còn phải gánh thêm cả những nhiệm vụ không tên khác như tiếp khách công ty, gặp gỡ đối tác. Mật độ đi công tác của Khoa cũng kín đặc lên khiến Khoa thấy mình xoay như chong chóng.
Tuy nhiên, Khoa còn may mắn chán vì anh còn được lòng cấp trên lẫn cấp dưới. Riêng trường hợp Ngân, làm sếp là chuỗi ngày cô thấy mình mất nhiều hơn là được. Đang làm trưởng nhóm cho một công ty quảng cáo, Ngân được một công ty khác cùng lĩnh vực mời sang làm trưởng phòng. Mức lương hấp dẫn, những đãi ngộ còn trên cả mong đợi cộng thêm vị trí lãnh đạo nhiều người phải mơ ước, Ngân chẳng mất nhiều thời gian để suy nghĩ. Cô nhanh chóng đồng ý để tìm con đường mới cho mình.
Thế nhưng, khi được gắn lên mình cái mác sếp, Ngân mới biết mọi chuyện chẳng dễ dàng như cô suy tính. Là “lính mới”, lại ngồi ngay vào vị trí trưởng phòng, nhiều người không bằng lòng Ngân ra mặt. Họ đơm đặt, nói xấu, bôi nhọ hình ảnh của Ngân sau lưng, thậm chí còn tỏ thái độ chống đối một cách thẳng thừng. Vốn chưa quen với vai trò quản lý cấp cao lại phải chịu quá nhiều sức ép, cấp dưới không thuận, cấp trên thúc giục cô phải nhanh chóng thể hiện khả năng lãnh đạo, Ngân thấy mọi việc dường như quá sức.
Làm sếp, nghĩa là bạn đang gánh trên mình trọng trách lớn hơn một nhân viên bình thường. Những đãi ngộ hấp dẫn luôn đi liền với cả áp lực nặng nề, tuy nhiên, rất nhiều người đã biết cách vượt qua áp lực đó để thành công và tạo dựng sự vững chắc cho vị trí mà mình đang có, thậm chí còn vươn lên những cấp cao hơn.
Làm sếp giỏi ngoài những tố chất sẵn có còn là cả một nghệ thuật, biết dung hòa lòng người, biết sát sao mọi việc là cách bạn đạt được mọi thứ bạn muốn. Quan trọng hơn là đừng bao giờ đầu hàng hay gục ngã trước những khó khăn, điều đó chỉ khiến mọi người nhanh chóng nhận ra bạn chẳng xứng đáng làm lãnh đạo một chút nào.