Làm thế nào để hợp tác kinh doanh hiệu quả?
Lượt xem: 20,680
Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các công ty thì giải pháp sáp nhập hay liên kết tỏ ra rất có hiệu quả. Thế giới đã chứng kiến sự liên kết thành công giữa các công ty để trở thành những tập đoàn lớn như Abercrombie & Fitch, Procter & Gamble, Ben & Jerry.
Nếu bạn đang cần tìm một đối tác để quản lý công ty của mình thì bạn nên một tìm kiếm một người như thế nào? Làm thế nào để bạn có thể tạo ra một mối quan hệ bền đẹp và đâu là những rủi ro tiềm ẩn mà bạn phải lường trước?
Sau đây là một số kinh nghiệm mà các doanh nghiệp có thể học hỏi từ việc liên kết hay thành lập công ty hợp danh.
Những nhân tố quan trọng để tạo ra được một công ty hợp danh hiệu quả là sự đồng lòng, những giá trị được chia sẻ, tôn trọng lẫn nhau, và sự bổ sung kinh nghiệm cũng như các kỹ năng.
Đồng lòng
Có thể đánh giá được rằng bạn có thể hợp tác với một người nào đó hay không kể từ giây phút đầu tiên gặp mặt. Nên tin tưởng vào những ấn tượng đầu tiên, vì đây là những kinh nghiệm bạn đã đúc rút cho bản thân. Nhưng điều đó không có nghĩa là ấn tượng ban đầu của bạn hoàn toàn đúng.
Những người nhạy cảm có thể hiểu được tại sao bạn lại xử sự như vậy cũng như bạn đang cần điều gì ở họ. Vì vậy, hãy cải thiện ấn tượng ban đầu của bạn thông qua giao tiếp trong nhiều bối cảnh khác nhau.
Bạn có suy nghĩ gì về đối tác trong bữa ăn tối hoặc trong một nhóm? Liệu người này có để lại ấn tượng tốt cho bạn trong bữa tối với vị hôn thê hoặc trong buổi đánh gofl? Có bằng chứng nào chứng tỏ rằng mối quan hệ giữa người này với những người khác trong công ty của bạn, không chỉ với các lãnh đạo cấp cao mà còn với nhân viên lễ tân, nhân viên hành chính và những nhân viên khác nữa?
Khi ông Brian Roberts, CEO của tập đoàn Comcast tuyển Steve Burke vào vị trí COO cho một công ty cáp lớn vào năm 1998, hai người đã nói chuyện nhiều lần trong nhiều bối cảnh khác nhau. Một điều mà cả hai không thể phủ nhận là sau những câu chuyện này là họ trở nên thân thiết hơn.
Hãy để ý tới những sắc thái tình cảm của bạn đối với người đó qua thời gian. Sẽ là một dấu hiệu tốt nếu bạn ngày càng cảm thấy thoải mái và ngược lại.
Các giá trị được chia sẻ
Những giá trị của bạn ví dụ như tận tụy với công việc, sự công bằng và các tham vọng phải hoàn toàn phù hợp với những giá trị của đối tác tiềm năng nếu không mọi việc sẽ không đi được xa.
Trong ví dụ đã được đề cập ở trên, vị CEO đã cho rằng người mới được tuyển vào vị trí COO có thể làm việc với thời gian tương đương như ông và hoàn toàn hài lòng với cơ sở vật chất hiện có của công ty.
Tuy nhiên, vị COO lại là người đã từng làm việc lâu năm trong những tập đoàn lớn, nơi có cơ sở vật chất hoàn hảo. Và ông ta cũng đã quen với cách làm việc tại đây. Ông cho rằng thời gian làm việc không quan trọng, miễn là công việc được hoàn thành và phần thưởng cho thành tích phải là những lợi ích tương xứng, giống với những gì mà các tập đoàn lớn thường chào mời. Vì vậy, chưa đầy một năm thì vị COO đã rời bỏ vị trí vì không được như ý.
Tôn trọng lẫn nhau
Mọi thành công của sự hợp tác được xây dựng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Trí thông minh, nền tảng giáo dục cũng như nền tảng gia đình là những yếu tố khiến bạn cảm thấy tôn trọng một người nào đó. Và đây là yếu tố quan trọng, không thể thiếu được, là chất xúc tác cho một hợp đồng liên kết thành công.
Bổ sung kỹ năng và kinh nghiệm
Việc thành lập một công ty hợp danh hoặc hợp tác với một đối tác nào đó có nghĩa là những kinh nghiệm cũng như kỹ năng mà bạn thiếu sẽ được bổ sung bằng kinh nghiệm và kỹ năng của đối tác. Ai cũng muốn tìm một người có những quan điểm giống mình nhưng nên chú trọng đến mục tiêu là sự bổ sung kỹ năng và kinh nghiệm.
Ví dụ như Martha Stewart là một người luôn đem lại những điều mới mẻ và vạch ra những kế hoạch chiến lược cho công ty Martha Stewart Living Omnimedia, còn giám đốc điều hành Susan Lyne lại có vai trò kiểm soát mọi mặt của hoạt động kinh doanh. Trong khi Howard Schultz là linh hồn và là chuyên gia marketing của Starbucks thì CEO Jim Donald lại là một nhà lãnh đạo đầy kinh nghiệm trong việc chuyển tải ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ đến hàng triệu người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Bảo đảm thành công, tránh rủi ro tiềm ẩn
Một điều cơ bản đối với hình thức công ty hợp danh là trách nhiệm phải được phân chia rõ ràng, có mục tiêu và phải kiểm soát chúng cũng như phải liên lạc thường xuyên và hiệu quả với nhau. Sau đây là một số kinh nghiệm để đạt được thành công và phòng tránh những rủi ro tiềm ẩn:
Phân định trách nhiệm
Các công ty hợp danh khi được thành lập phải có sự thống nhất về trách nhiệm của các bên, không chỉ trên giấy tờ mà còn trong những hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ, bạn phải cân nhắc việc ai sẽ quản lý các cuộc gặp mặt, đề ra các kế hoạch quảng cáo và khuyến mãi, đối chất với giám đốc, xuất hiện trước báo giới, họp mặt nhà đầu tư, và thực hiện các kế hoạch đầu tư.
Khi Michael Ovitz trở thành COO của Walt Disney, ông nghĩ rằng nhiệm vụ của mình sẽ là điều phối các chi nhánh và đưa ra sáng kiến về các kế hoạch liên kết chiến lược cho công ty cùng với một số nhiệm vụ khác. Nhưng ông càng cố gắng thực hiện nhiệm vụ của mình thì Michael Eisner và những nhà quản lý cấp cao khác lại càng trở nên khó chịu.
Trong một công ty hợp danh hoặc một hợp đồng hợp tác hiệu quả, CEO và COO sẽ cùng nhau thảo ra một văn bản, gần như là một bản hiến pháp, trong đó nêu ra mục tiêu hợp tác, phân định trách nhiệm, phương thức hợp tác, và cách thức giải quyết bất đồng.
Đặt ra mục tiêu và kiểm soát chúng
Rủi ro lớn nhất từ hình thức công ty hợp danh là khi có sự bất đồng về mục tiêu, vai trò và sự đóng góp. Thậm chí, khi mọi thứ đều vận hành tốt, nhưng nếu bạn và đối tác làm việc vì những mục tiêu khác nhau, thì mọi nỗ lực của bạn đều đổ xuống sông xuống biển.
Khi Bill Perez rời bỏ tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng khổng lồ S.C. Johnson để làm việc ở vị trí giám đốc điều hành của Nike, ông cho rằng công việc mới của mình là đưa ra các nguyên tắc, nghiên cứu thị trường tiêu dùng, và quản lý sâu sát hơn. Tuy nhiên, khi người sáng lập Phil Knight nhận ra những thay đổi mà Perez đang tạo ra không đúng với mong muốn của ông cộng với sự không thoải mái từ những cộng sự lâu năm của Nike, thì Knight quyết định ông không hề cần đến những giá trị mới này – ít nhất ông không cần đến cái cách mà Perez đang nỗ lực thay đổi mọi thứ.
Tuy nhiên, sau khi đã học hỏi được kinh nghiệm từ lần hợp tác trên, chưa đầy một năm sau khi từ bỏ Nike, Perez đồng ý trở thành CEO tại tập đoàn Wm. Wrigley Jr., vị lãnh đạo đầu tiên không phải là thành viên đại gia đình Wrigley trong lịch sử 116 năm của công ty. Trước khi chấp thuận vị trí trên, Perez đã có hàng tuần bàn bạc với vị CEO Bill Wrigley để phân định vai trò, phong cách làm việc và đặt ra mục tiêu. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy sự hợp tác giữa họ tỏ ra rất có hiệu quả.
Liên lạc thường xuyên
Rất khó giải thích rõ tầm quan trọng của sự liên lạc thường xuyên và hiệu quả trong việc hình thành sự hợp tác bền vững. Mối liên lạc lỏng lẻo hầu hết bắt nguồn từ sự khác biệt về mục tiêu, trách nhiệm mờ nhạt và mệnh lệnh chồng chéo.
Tại công ty Martha Stewart Living Omnimedia, Susan Lyne thường có những buổi ăn trưa được lên kế hoạch trước với Martha nhằm bàn bạc về dự án, những điều cần ưu tiên và quyết định kinh doanh. Mỗi tháng một lần họ lại ăn tối với nhau để bổ sung những gì thiếu sót và các vấn đề về văn hóa, sự thay đổi nhân sự cũng được đề cập. Ngoài ra họ còn trao đổi e-mail, voicemail, và có những cuộc gặp chớp nhoáng ở công ty để đảm bảo rằng họ luôn đi cùng trên một con đường, luôn có những quan điểm hòa hợp.
Trên đây là một số kinh nghiệm bổ ích đối với những ai đang cần tìm đối tác cho những dự án kinh doanh của mình cũng như đối với những ai chuẩn bị khởi nghiệp và cần tìm một người cùng đồng cam cộng khổ. Những kinh nghiệm này có thể giúp bạn tìm được một cộng sự phù hợp từ đó hình thành một công ty hoạt động hiệu quả và đứng vững trước những thách thức từ thị trường.